GDP quý I tại Mỹ và Nhật Bản bất ngờ suy giảm, trong khi lạm phát tại nhiều nơi trên thế giới đã lên tới 8,9%. Ngân hàng thế giới, Quỹ tiền tệ quốc tế và nhiều định chế lớn đều đã điều chỉnh dự báo số liệu tăng trưởng cho kinh tế toàn cầu năm nay. Lường trước các thách thức để có những điều chỉnh phù hợp, nỗ lực và chống chịu trước một giai đoạn còn lại của năm 2022 sẽ còn nhiều gian truân với kinh tế toàn cầu.
Mỹ ưu tiên chống lạm phát
Gián đoạn chuỗi cung ứng, thiếu hụt nguồn cung nhiều mặt hàng cơ bản dẫn đến lạm phát cao, kiềm chế lạm phát bằng các công cụ tài chính, lo ngại sẽ bóp nghẹt các động lực tăng trưởng còn đang yếu ớt hồi phục sau quãng thời gian dài đại dịch. Họa vô đơn chí, lựa chọn chính sách điều hành hiện đang rất khó khăn và ít ỏi với nhiều nền kinh tế thế giới. Đặc biệt, điều này càng thấy rõ nếu quan sát tình hình công bố gần đây tại các trung tâm kinh tế lớn.
Tổng sản phẩm quốc nội, GDP của Mỹ, trong quý I vừa qua đã giảm 1,4% so với cùng kỳ năm ngoái trong khi quý IV trước đó, mức tăng trưởng là 6,9%.
Việc suy giảm, được xác định do hàng tồn kho và thâm hụt thương mại tăng cao. Nhưng dường như thúc đẩy tăng trưởng GDP bằng mọi giá không phải là ưu tiên của chính phủ Mỹ.
Một cuộc khảo sát gần đây cho thấy, 30% số người được hỏi cho biết quan tâm nhất hiện nay của họ là giá cả leo thang. Còn chính quyền thì xem đây là ưu tiên số 1.
Tổng thống Mỹ Joe Biden (Ảnh: AP)
Lạm phát là thách thức lớn nhất của nền kinh tế hiện nay
Tổng thống Mỹ Joe Biden
Nhiều giải pháp đã được đưa ra, trong đó có lãi suất. Vì vậy, các quyết định từ Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) có vai trò quan trọng trong giữ tâm lý người dân và nhà đầu tư.
Ông Steven Ricchiuto - Chuyên gia kinh tế trưởng của công ty Mizuho Securities (Mỹ) cho rằng: "Một mình FED không thể xử lý được mọi vấn đề về lạm phát trong dài hạn nhưng cách mà FED có thể làm là có thể giữ cho lạm phát không trở thành vấn đề tâm lý, ăn sâu vào hệ thống. Vì vậy, một khi chúng ta giải quyết được các vấn đề liên quan đến chuỗi cung ứng thì lạm phát và lạm phát kỳ vọng sẽ giảm xuống. Quay lại mục tiêu của FED, tôi nghĩ họ đang làm chính xác những gì họ phải làm. Và quan điểm cho rằng, FED không thể xử lý vấn đề liên quan đến chuỗi cung ứng, điều đó đúng và FED đang làm đúng những gì thuộc về trách nhiệm của họ".
Cho dù tăng trưởng âm trong quý I nhưng chi tiêu cho tiêu dùng tại Mỹ vẫn tăng và khảo sát của tờ Wall Street Journal cho biết, GDP của Mỹ năm nay sẽ tăng ở mức 2,6%, tuy thấp hơn năm ngoái nhưng bằng với năm 2019.
Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, về tổng thể, kinh tế Mỹ sẽ lấy lại được đà tăng trưởng từ quý II này trở đi, một phần nhờ chi tiêu tiêu dùng vẫn tăng trưởng tốt và chi tiêu doanh nghiệp ở mức tích cực. Nhưng nếu lạm phát không được kiểm soát thì sự tăng trưởng kinh tế, sẽ không còn mấy ý nghĩa.
Châu Âu xoay sở giữa lạm phát cao - tăng trưởng chậm
Trong khi đó, tại châu Âu, nguy cơ chiến sự Ukraine kéo dài làm trầm trọng hơn sự thiếu hụt chuỗi cung ứng, thiếu hụt nguồn cung năng lượng, lại đang là những tác động trực tiếp nhất. Mới nhất, Ủy ban châu Âu (EC) đã giảm mạnh dự báo tăng trưởng kinh tế khu vực đồng tiền chung châu Âu Eurozone năm nay, từ mức 4% đưa ra hồi tháng 2 xuống mức 2,7%. EC đồng thời nâng dự báo lạm phát năm nay lên 6,1%, cao hơn nhiều so với mức 3,5% trước đó. Cuộc xung đột ngay bên sườn châu Âu khiến mọi dự báo cho khu vực này càng trở nên khó có thể tích cực.
Bà Vincenza Morelli - một người dân Italy - cho biết: "Khoan hãy nói về giá của những thứ khác, tôi đã phải trả 18 Euro cho 5 con tôm đây".
Ông Choudhry Amjad - người dân Anh - cho rằng: "Bây giờ chúng tôi có làm việc cũng như không. Mọi thứ tăng giá quá rồi, cái gì cũng tăng gấp đôi".
Giá cả hàng hóa tăng, lạm phát tăng là những hệ quả kinh tế đã được lường trước khi các quốc gia phục hồi sau đại dịch. Nhưng cuộc xung đột Nga - Ukraine đã khiến mọi dự báo cũng phải điều chỉnh lại theo hướng không mong muốn hơn.
Ông Paolo Gentiloni - Cao ủy Liên minh châu Âu về Kinh tế (Ảnh: AP)
Ông Paolo Gentiloni - Cao ủy Liên minh châu Âu về Kinh tế - nhấn mạnh: "Các dự báo lúc này có độ không chắc chắn và rủi ro rất cao, đồng thời có thể xảy ra các kịch bản khác như tăng trưởng có thể thấp hơn và lạm phát cao hơn mức dự báo hiện nay. Trong mọi trường hợp, nền kinh tế của chúng ta vẫn còn xa mới hồi phục lại tình trạng bình thường trước đây".
Liên minh châu Âu tuần này đã đưa ra kế hoạch chấm dứt phụ thuộc vào năng lượng của Nga trong vòng 5 năm. Dù EU đạt đồng thuận hỗ trợ các nước thành viên lưu trữ khí đốt nhưng lo ngại giá dầu, giá thực phẩm tiếp tục tăng cũng kéo theo lo ngại lạm phát chưa dừng ở mức dự báo.
Ông Frans Timmermans - Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu - nhận định: "Chúng ta đã quá phụ thuộc Nga về năng lượng. Câu trả lời cho an ninh năng lượng của chúng ta nằm ở năng lượng tái tạo và đa dạng hóa nguồn cung".
Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) Christine Lagarde nói rằng sẽ ủng hộ việc tăng lãi suất vào tháng 7. Nếu thực thi, đây sẽ là lần đầu ECB nâng lãi suất trong hơn một thập kỷ. Lãi suất cao hơn có nghĩa chi phí đi vay sẽ tăng lên. Doanh nghiệp và người tiêu dùng do vậy có thể phải cắt giảm chi tiêu, đầu tư, tác động trực tiếp nhất sẽ lại vào tăng trưởng.
Một số vấn đề khác cũng nảy sinh. Ví dụ, chuỗi cung ứng bị gián đoạn do phong tỏa ở Trung Quốc và cuộc chiến tại Ukraine. Những nguyên nhân này nằm ngoài khả năng giải quyết của các ngân hàng trung ương.
Thách thức đối với kinh tế châu Á
Nhiều nền kinh tế lớn trên thế giới đang hụt hơi. Tại châu Á, Nhật Bản quý I đã tăng trưởng âm, các dự báo cho nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới là Trung Quốc đã điều chỉnh giảm do tình hình khó khăn chung và ảnh hưởng từ cả các nỗ lực chống dịch của nước này. Lạm phát, giá cả các mặt hàng cao cũng tạo áp lực lên nhiều nền kinh tế đang phát triển.
Các tổ chức tài chính quốc tế, khu vực hạ dự báo tăng trưởng kinh tế châu Á trong bối cảnh sự phục hồi còn bấp bênh. Dự báo mới nhất của IMF đánh giá kinh tế châu Á năm nay tăng trưởng 4,9%, thấp hơn mức 6,5% của năm 2021. Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) dự báo GDP khu vực sẽ tăng 5,2% vào năm nay và 5,3% vào năm sau. Kinh tế khu vực vẫn đối mặt nhiều thách thức. Nhưng các số liệu như vậy vẫn cao hơn mặt bằng dự báo chung cho kinh tế thế giới và nhiều khu vực khác.
Ông Albert Park - Nhà Kinh tế trưởng, Ngân hàng Phát triển châu Á (Ảnh: ADB)
Ông Albert Park - Nhà Kinh tế trưởng, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) - cho rằng: "Có ba rủi ro lớn đối với triển vọng kinh tế châu Á. Thứ nhất, xung đột Nga - Ukraine dẫn đến gia tăng bất ổn, gián đoạn thương mại toàn cầu và giá cả các mặt hàng như năng lượng và thực phẩm tăng vọt. Thứ hai, các điều kiện tài chính đang được thắt chặt trên toàn cầu và trong khu vực. Nhiều ngân hàng trung ương dự kiến thắt chặt chính sách khi áp lực lạm phát gia tăng, làm chậm sự phục hồi kinh tế. Cuối cùng, chúng ta vẫn phải vật lộn với COVID-19 các biến thể mới và nguy hiểm hơn vẫn có thể xuất hiện và tàn phá".
Các khó khăn kinh tế trải dài tại nhiều khu vực của châu Á. Tại Đông Á, nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới là Trung Quốc được dự báo tăng trưởng 4,4%, theo IMF, thấp hơn nhiều so với mục tiêu 5,5% mà nước này đề ra. Hệ lụy từ các biện pháp phong tỏa phòng dịch nghiêm ngặt, các chuỗi cung ứng lớn bị gián đoạn.
Trong khi tại Nhật Bản, kinh tế nước này đã tăng trưởng âm trong quý I/2022, giá tiêu dùng tăng cao, đồng nội tệ mất giá, lạm phát vượt mục tiêu đề ra.
Ông Eiichi Shindo - Giáo sư danh dự của Đại học Tsukuba, Nhật Bản - cho biết: "Nếu đồng Yen tiếp tục giảm giá như hiện nay, nền kinh tế Nhật Bản sẽ phải đối mặt với những thách thức lớn hơn. Đồng Yen giảm giá khiến chúng ta phải suy ngẫm về những vấn đề nghiêm trọng đang tồn tại trong nền kinh tế Nhật Bản".
Tình trạng tương tự cũng diễn ra tại khu vực Trung Đông - Trung Á. Xung đột Nga - Ukraine khiến lạm phát tại khu vực được dự báo tăng cao, ở mức 13,9% trong năm nay do giá lương thực, năng lượng cao hơn.
Còn tại Nam Á, Ấn Độ được xem là điểm sáng khi tăng trưởng kinh tế được IMF dự báo tăng 8,2% trong năm nay. Tuy nhiên, giới kinh tế vẫn chỉ ra một số rủi ro như rủi ro từ chính sách tiền tệ nới lỏng nhằm kích thích kinh tế hay bài toàn thiếu hụt năng lượng.
Về tổng thể, kinh tế châu Á vẫn được đánh giá đang trong tiến trình phục hồi song còn thiếu ổn định, đòi hỏi các quốc gia nỗ lực ứng phó hiệu quả các thách thức lớn như COVID-19, lạm phát, gián đoạn chuỗi cung ứng.
Chiến sự ngay sau đại dịch, một kịch bản thực tế là đã xảy ra và hiện tại vẫn chưa biết sẽ kéo dài bao lâu. Lạm phát cao, chính sách tiền tệ siết chặt là khó tránh, các số liệu dự báo tăng trưởng ở thời điểm này vẫn được nhiều định chế nhấn mạnh là chỉ mang tính tương đối nhưng sẽ khó có thể là một năm khởi sắc mạnh mẽ sau đại dịch. Khó là khó chung, mỗi khu vực, mỗi nền kinh tế sẽ có những đặc thù tình hình và phản ứng chính sách khác nhau. Ít nhất đến lúc này, tác động trên số liệu GDP của các nền kinh tế đang phát triển và mới nổi tại châu Á vẫn tương đối tích cực hơn so với nhiều khu vực kinh tế lớn của thế giới.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!
Xem thêm: mth.85532201122502202-yan-neih-uac-naot-et-hnik-nen-auc-tahn-nol-cuht-hcaht-tahp-mal/ioig-eht/nv.vtv