Ông Troy Griffiths, Phó Tổng Giám Đốc Savills Việt Nam cho hay, nguồn cung nhà liền thổ tại TP.HCM tiếp tục ở mức thấp nên nhu cầu nhà ở đang dần hướng về các tỉnh lân cận như Đồng Nai và Bình Dương.
Khi nguồn cung nhà ở giá phải chăng ở thành phố trở nên khan hiếp, người mua và các chủ đầu tư đã mở rộng đầu tư ở các tỉnh thành lân cận như Đồng Nai và Bình Dương.
Báo cáo về phân khúc BĐS liền thổ của đơn vị này chỉ ra, trong 3 tháng đầu năm 2022, nguồn cung sơ cấp phục hồi sau thời gian dài thiếu hụt do dịch bệnh Covid-19. Tỷ lệ tiêm chủng vaccine cao đã hỗ trợ sự tăng trưởng nguồn cung và khôi phục hoạt động bán hàng.
Nguồn cung sơ cấp gần 490 căn, tăng 23% theo quý và 3% theo năm. Nguồn cung mới đến từ 10 dự án mới được mở bán và các giai đoạn mở bán tiếp theo của hai dự án hiện hữu tại Quận 9, 12, Bình Chánh, Thủ Đức và Tân Phú. Nguồn cung tiếp tục khan hiếm khi các chủ đầu tư dời kế hoạch mở bán bảy dự án sang năm 2022.
Lượng tiêu thụ ghi nhận ở mức trung bình. Nguồn cung mới chiếm 76% lượng bán và có tỷ lệ hấp thụ 59%. Tình hình bán thấp là do các dự án mới có quy mô nhỏ và chủ đầu tư nhỏ không thu hút được người mua, các dự án biệt thự có giá cao trên 100 tỷ đồng/căn, và tỷ lệ bán thấp của các căn tồn kho.
Nhà phố thương mại đạt tỷ lệ hấp thụ cao nhất 60%. Quận 12 dẫn đầu lượng giao dịch, chiếm 42% lượng bán và có tỷ lệ hấp thụ 67%; các dự án tại khu vực này được hưởng lợi từ hạ tầng giao thông cải thiện, giá bán cạnh tranh và các chương trình chiết khấu trong đợt mở bán đầu.
Theo Savills, xung đột giữa Nga-Ukraine đã đẩy chi phí nguyên vật liệu tăng cao; giá thép, xăng, xi măng có mức tăng lên đến 3% theo quý và lên đến 15% theo năm, ảnh hưởng trực tiếp lên giá nhà và chi phí xây dựng. Trong bối cảnh giá cả hàng hóa tăng cao cùng với kinh tế phục hồi, áp lực lạm phát sẽ gia tăng.
Trong giai đoạn 2022-2023, Chính phủ sẽ chi 350 nghìn tỷ đồng cho chương trình phục hồi và phát triển kinh tế, phần lớn nhất (hơn 113 tỷ đồng) được dùng cho phát triển hạ tầng.
Kết nối giao thông cải thiện và cơ sở hạ tầng phát triển tạo lợi thế lớn cho các nhà phát triển bất động sản sở hữu quỹ đất trong khu vực lân cận khi đó họ sẽ thúc đẩy giá bán.
Theo Báo cáo Chỉ số tâm lý người tiêu dùng bất động sản của Batdongsan.com, 92% người khảo sát có mong muốn sở hữu nhà trong tương lai, trong đó TP.HCM và Hà Nội là thị trường thu hút nhất, tiếp đến là các đô thị vệ tinh.
Cuối năm 2021, một khảo sát tiến hành của Vhome cho thấy có đến 75,3% độc giả tham gia khảo sát cho biết đang quan tâm đến bất động sản với mục đích đầu tư. Trong số đó, 63,9% độc giả muốn rót vốn vào bất động sản với kỳ vọng tăng giá; 11,4% muốn mua để cho thuê.
20% người mua bất động sản tham gia khảo sát cho biết họ có nhu cầu tìm bất động sản với mục đích mua để ở và 4,9% để dùng mặt bằng kinh doanh.
Chia sẻ trước đó, ông Võ Huỳnh Tuấn Kiệt, Giám đốc bộ phận nhà ở CBRE cho biết, với BĐS tỉnh đa phần khách mua (chiếm tỷ trọng khoảng 90%) để chờ tăng giá bán chốt lời. Đối với các khu vực mới như những trục đô thị thuộc vùng ven, nhóm khách hàng đầu tiên luôn là các nhà đầu tư vì họ có lợi thế về nguồn tài chính sẵn có.
Còn người mua để ở cuối cùng khi nào về sống các đô thị vệ tinh phụ thuộc vào tiện ích, hạ tầng đồng bộ đến đâu. Các nhà đầu tư thường đón đầu những đợt sóng đầu tiên còn việc khi nào người có nhu cầu ở thật về đây sinh sống thì chủ đầu tư sẽ trả lời vì các doanh nghiệp chính là chủ thể hoạch định dự án, thực hiện các cam kết với người mua.
Nhiều chuyên gia cũng từng cảnh báo, khi đầu tư BĐS tỉnh, lợi nhuận thường đi kèm rủi ro. Vì vậy, người mua cần chuẩn bị trước tâm lý cho nhiều tình huống khác nhau, trong đó có cả tình huống kỳ vọng có thể không thành hiện thực.
Bởi lẽ, không phải dự án nào cũng phục vụ nhu cầu ở ngay, nếu chưa thể mua đi bán lại nhanh buộc phải chờ đợi thêm.
Theo Ngọc Trâm
Nhà đầu tư
Xem thêm: nhc.27020230232502202-ut-uad-ed-al-aum-iougn-56-noh-mch-pt-nev-sdb-gnourt-iht/nv.zibefac