Tập đoàn Vingroup (HoSE: VIC) mới đây đã công bố quyết định HĐQT về việc chuyển nhượng một phần vốn trong Công ty cổ phần GeneStory sau hơn một tháng góp vốn.
Theo Báo cáo tài chính hợp nhất quý I/2022, Vingroup sở hữu 99,02% vốn của công ty con này. Tỉ lệ bán và giá trị không được Vingroup tiết lộ. Tuy nhiên, sau chuyển nhượng, tập đoàn không còn là công ty mẹ của GeneStory.
Theo thông tin đăng ký kinh doanh, GeneStory thành lập ngày 30/3/2022 với vốn điều lệ ban đầu là 102,3 tỷ đồng, cổ đông sáng lập bao gồm tập đoàn Vingroup chiếm 99% cổ phần, tương đương 101,3 tỷ đồng; 1% cổ phần còn lại được nắm giữ bởi 2 nhà đầu tư cá nhân.
Trụ sở văn phòng công ty đặt tại tòa nhà văn phòng Symphony, đường Chu Huy Mân, Khu đô thị sinh thái Vinhomes Riverside, phường Phúc Lợi, quận Long Biên, Hà Nội.
Ngành nghề kinh doanh chính của GenStory là nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ trong lĩnh vực khoa học và công nghệ. Trên website doanh nghiệp, các gói sản phẩm được giới thiệu với giá từ 6,5 tới 10 triệu đồng.
GeneStory cũng liên kết với Viện Nghiên cứu Dữ liệu lớn VinBigData (thuộc Tập đoàn Vingroup). Nhà sáng lập GenStory là ông Vũ Hà Văn cũng đang làm Giám đốc Khoa học VinBigData. Bà Lê Thúy Anh, Tổng Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec là cố vấn chiến lược của GenStory.
Việc thoái bớt vốn tại Genstory diễn ra trong bối cảnh Vingroup đặt kế hoạch năm 2022 là đẩy mạnh các hoạt động kinh doanh nhằm củng cố 3 trụ cột chính là công nghệ - công nghiệp, thương mại dịch vụ và thiện nguyện xã hội.
Về hoạt động kinh doanh cụ thể, Vingroup cho biết sẽ đa dạng hóa các sản phẩm và dịch vụ của mỗi ngành dọc, đặt mục tiêu đưa ra sản phẩm hấp dẫn và chất lượng cao, qua đó đa dạng hóa nguồn thu và khuyến khích khách hàng sử dụng sản phẩm trong hệ sinh thái mà tập đoàn cung cấp.
Với từng công ty thành viên, Vingroup đang đặt cược vào thị trường Mỹ, dồn lực để phát triển xe điện VinFast. "Để vào thị trường Mỹ với thương hiệu Việt Nam, từ nước chưa có nền công nghiệp phát triển là rất khó khăn", ông Phạm Nhật Vượng nói trong ĐHĐCĐ thường niên năm 2022.
Để bán được ở Mỹ, Chủ tịch Phạm Nhật Vượng nhấn mạnh doanh nghiệp tập trung vào 3 lĩnh vực chính. Thứ nhất, sản phẩm tốt, chất lượng rất tốt. Thứ hai, giá hợp lý với chiến lược cho thuê pin giảm đáng kể cho khách hàng. Thứ ba, dịch vụ hậu mãi thật tốt.
"Về mặt marketing, chúng tôi sẽ chọn cách trực tiếp. Nghĩa là thay vì quảng cáo trên phim ảnh, thì chúng tôi tích cực đi triển lãm, cho người tiêu dùng trải nghiệm sản phẩm. Qua đó, VinFast sẽ thuyết phục từng người một về chất lượng", ông Vượng nói.
Tại Vinhomes, ông Phạm Nhật Vượng nhất mạnh: "Chúng tôi phát triển mạnh các giá trị và dịch vụ về sau chứ không phải là đất đai". Ông Phạm Thiếu Hoa - Chủ tịch HĐQT Vinhomes cho biết dự kiến trong năm 2022 sẽ mở bán 4 dự án là Vinhomes Ocean Park 2 - The Empire, Vinhomes Đại An, Vinhomes Đan Phượng và Vinhomes Cổ Loa. Đặc biệt, ông Hoa còn cho biết thêm nhà ở xã hội là định hướng mới của Vinhomes.
"Trong năm nay, chúng tôi làm công văn gửi Uỷ ban Tp.HCM, Hà Nội để xin triển khai xây dựng những khu nhà ở xã hội cho người lao động thu nhập thấp có cơ hội có được nhà ở khang trang và tiện tích theo tiêu chuẩn cơ bản", ông nói. Giá thành được tiết lộ sẽ từ 300-950 triệu đồng/căn, thực hiện khi làm việc xong với chính quyền ở Tp.HCM và Hà Nội.
Còn tại Vincom Retail, bà Trần Mai Hoa, Tổng Giám đốc Vincom Retail cho biết dự kiến khai trương 3 dự án mới trong năm nay, nâng tổng diện tích mặt sàn bán lẻ trên toàn hệ thống lên gần 1,8 triệu m2 và kỳ vọng cuối năm nay sẽ trở lại 80-90% thị trường của năm 2019.