Tình hình chiến sự
Theo hãng tin Ukrinform, Tổng thống Ukraine - ông Volodymyr Zelensky cho biết chiến sự trong vài tuần tới sẽ càng khó khăn hơn trong bối cảnh chiến sự vùng Donbass tiếp tục leo thang và Nga đang đẩy mạnh giành kiểm soát ở một số khu vực miền đông Ukraine.
Hãng này đưa tin rằng rạng sáng 24-5, làng Velyka Kostromka ở TP Kryvyi Rih (tỉnh Dnipropetrovsk) đã hứng chịu 15 đợt tấn công bằng hệ thống tên lửa đa nòng Uragan từ quân Nga. Không có báo cáo thương vong.
Theo tuyên bố từ Văn phòng Công tố Ukraine, tính đến ngày 24-5, có hơn 667 trẻ em ở Ukraine đã bị ảnh hưởng vì chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga, cụ thể có 234 trẻ em thiệt mạng và hơn 433 trẻ em bị thương.
Trong ngày 23-5, theo thông tin được đăng tải trên trang Facebook của Bộ Tổng tham mưu Các lực lượng Vũ trang Ukraine, lực lượng Kiev đã tiêu diệt 150 lính Moscow, đưa tổng số lính Nga bị Ukraine tiêu diệt lên 29.350 người. Trong 3 tháng chiến sự, Nga đã thiệt hại 1.302 xe tăng, 3.194 xe bọc thép, 606 hệ thống pháo, 201 hệ thống phóng tên lửa, 93 hệ thống phòng không, 205 máy bay, 170 trực thăng. Phía Ukraine cũng đã bắn hạ 112 tên lửa hành trình của Nga.
Một chiếc xe tăng bị phá hủy sau các cuộc giao tranh giữa lực lượng Nga và Ukraine. Ảnh: UKRINFORM |
Bộ này cũng nói rằng Nga đang triển khai hệ thống tên lửa đạn đạo tầm ngắn Iskander-M (SRBM) tới khu vực Brest của Belarus, cách biên giới quốc gia Ukraine tới 50 km.
Theo hãng tin Sputnik, chính quyền tỉnh Kherson của Ukraine hiện do Nga kiểm soát sẽ yêu cầu Nga thiết lập một căn cứ quân sự trong khu vực này.
Ông Kirill Stremousov, Phó lãnh đạo “chính quyền khu vực quân sự-dân sự” của Kherson, nói rằng: "Cần phải có một căn cứ quân sự của Nga ở tỉnh Kherson. Chúng tôi sẽ yêu cầu lập căn cứ này và đây là điều mà toàn bộ người dân khu vực mong muốn. Căn cứ này rất quan trọng và nó sẽ bảo đảm cho an ninh cho vùng và cư dân”.
Theo Sputnik, lực lượng Ukraine đã bắn 5 lựu pháo cỡ nòng 122 mm vào tỉnh Donetsk vào sáng 24-5. Cũng tại khu vực này, quân Nga đã bắn hạ được máy bay MiG-29 của Kiev.
Sputnik đưa tin rằng các lực lượng Nga và Ukraine đã có nhiều cuộc đụng độ tại các TP Avdeevka, Novoselovka và Krasny Liman nằm ở Donetsk, thêm rằng phía Ukraine tiếp tục bao vây các khu vực ở Donbas.
Theo Bộ Quốc phòng Nga, kể từ khi bắt đầu chiến dịch quân sự đặc biệt nhằm vào Ukraine, các lực lượng Moscow đã phá hủy 177 máy bay chiến đấu Ukraine, 990 máy bay không người lái, 3.226 xe tăng và các phương tiện bọc thép khác, 421 bệ phóng tên lửa cùng nhiều khí tài quân sự.
Bộ trưởng Quốc phòng Nga cảnh báo mối đe dọa vũ khí hạt nhân từ Ukraine
Theo Sputnik, trong cuộc họp giữa các bộ trưởng các nước thành viên Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể (CSTO) ngày 24-5, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu cảnh báo rằng một mối đe dọa thực sự về việc Ukraine sản xuất vũ khí hạt nhân đang hiện diện.
Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu. Ảnh: TASS |
Bộ trưởng Shoigu nói thêm rằng Moscow đã có bằng chứng chứng minh Kiev vi phạm các thỏa thuận quốc tế khi tham gia phát triển một loại vũ khí hủy diệt hàng loạt khác.
"Một mạng lưới hơn 30 phòng thí nghiệm sinh học liên quan đến chương trình sinh học quân sự của Mỹ đã được thành lập ở Ukraine. Các tài liệu cho thấy nghiên cứu (trong các phòng thí nghiệm đó) được thực hiện bí mật và vi phạm các giao ước quốc tế" - ông nói.
Vị bộ trưởng nói rằng các thành phần vũ khí sinh học đang được sản xuất gần biên giới Nga, đồng thời cáo buộc các phương pháp gây mất ổn định tình hình dịch tễ ở Nga cũng được nghiên cứu trong các phòng thí nghiệm này.
Nhà ngoại giao kỳ cựu của Nga tại LHQ từ chức để phản đối chiến sự
Tờ Al Jazeera ngày 23-5 đưa tin rằng Tham tán Boris Bondarev thuộc Phái đoàn thường trực Liên bang Nga tại Văn phòng Liên Hợp Quốc (LHQ) ở thủ đô Geneva (Thụy Sĩ) đã nộp đơn từ chức và lên tiếng phản đối chiến dịch quân sự đặc biệt của Tổng thống Nga Vladimir Putin đối với nước láng giềng.
“Tôi đến Phái bộ như mọi buổi sáng thứ Hai khác. Tôi nộp đơn từ chức và bước ra ngoài” - ông trả lời hãng tin Reuters.
Ông nói rằng trong hơn 20 năm sự nghiệp ngoại giao, ông đã chứng kiến nhiều thay đổi trong chính sách đối ngoại Nga, nhưng chưa bao giờ thấy những điều tương tự như sự kiện 24-2 vừa rồi.
Ông cho biết rằng chiến dịch quân sự mà Moscow phát động không chỉ ảnh hưởng đến người dân Ukraine, mà còn ảnh hưởng đến người dân Nga, cũng như “niềm hy vọng và triển vọng về một xã hội Nga thịnh vượng”.
Hiện Phái bộ Nga tại LHQ vẫn chưa bình luận về sự việc.
Đề xuất lập “liên minh hải quân”, dùng tàu chiến, đưa ngũ cốc Ukraine vượt vòng vây của Nga ở Biển Đen
Trong cuộc gặp với Ngoại trưởng Anh - bà Liz Truss hôm 23-5, Ngoại trưởng Lithuania - ông Gabrielius Landsbergis đề xuất thành lập một liên minh hải quân để hộ tống các tàu chở ngũ cốc của Ukraine thoát khỏi vòng phong tỏa của Nga tại Biển Đen, tờ The Guardian đưa tin.
Theo đài RT, bà Truss cho biết, về nguyên tắc, Anh ủng hộ việc thành lập một liên minh như vậy.
Nga đã phủ nhận việc họ áp đặt một cuộc phong tỏa hải quân đối với Ukraine, gọi các báo cáo là "đầu cơ" và nhấn mạnh rằng chính Kiev đã gây ra các vấn đề hậu cần cho việc vận chuyển bằng cách đặt mìn ở các cảng của mình.
Ngoại trưởng Lithuania cho biết hoạt động hộ tống hải quân này không nên có sự tham gia của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), nhấn mạnh đây là “hoạt động nhân đạo phi quân sự.
Theo đó, nhà ngoại giao cho rằng không chỉ Anh, mà các quốc gia bị ảnh hưởng bởi tình trạng thiếu ngũ cốc, bao gồm cả Ai Cập, đều có thể tham gia hoạt động này.
“Thời gian rất ngắn. Chúng ta đang kết thúc một vụ thu hoạch mới và không có cách thực tế nào khác để xuất khẩu ngũ cốc ngoại trừ thông qua cảng Odessa ở Biển Đen. Chúng ta phải cho các quốc gia dễ bị tổn thương thấy rằng chúng ta chuẩn bị thực hiện các bước cần thiết để nuôi sống thế giới” - ông nhấn mạnh.
Ngoại trưởng Lithuania nói thêm rằng có thể sẽ sử dụng “tàu chiến hoặc máy bay quân sự hoặc cả hai để hộ tống tàu chở ngũ cốc Ukraine có thể rời cảng Odessa một cách an toàn".
Phía Nga phủ nhận phong tỏa các cảng, nói rằng chính Ukraine đã gây ra các vấn đề hậu cần cho việc vận chuyển bằng cách đặt mìn ở các cảng của họ.