Trên thực tế có không ít trường hợp người dân sử dụng đất (SDĐ) sai mục đích. Phổ biến nhất là trường hợp xây nhà trên đất nông nghiệp nhưng không chuyển đổi mục đích SDĐ.
Theo ThS Ngô Gia Hoàng (giảng viên Khoa luật thương mại Trường ĐH Luật TP.HCM), việc SDĐ không đúng mục đích có nhiều rủi ro và có thể bị xử lý trách nhiệm tùy mức độ.
Khoản 3 Điều 12 Luật Đất đai 2013 quy định nghiêm cấm hành vi SDĐ không đúng mục đích. Trường hợp muốn SDĐ vào mục đích khác với mục đích ghi trên giấy chứng nhận về quyền SDĐ, tùy từng trường hợp người SDĐ phải làm thủ tục xin phép cơ quan có thẩm quyền hoặc phải đăng ký biến động đất đai.
Trường hợp sử dụng vào mục đích khác mà không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép thì người SDĐ sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính.
Mức phạt phụ thuộc vào loại đất bị chuyển mục đích trái phép và diện tích đất chuyển mục đích trái phép. Đặc biệt, trường hợp SDĐ trồng lúa hoặc đất rừng đặc dụng, đất rừng phòng hộ, đất rừng sản xuất vào mục đích khác không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép có thể bị phạt tiền lên đến 250 triệu đồng đối với cá nhân và gấp hai lần mức phạt đối với tổ chức. Người SDĐ còn bị buộc khôi phục tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm, buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm.
Nếu SDĐ không đúng mục đích và đã bị xử phạt vi phạm hành chính mà vẫn tiếp tục vi phạm thì Nhà nước sẽ thu hồi đất (không bồi thường về đất).
Một số người dân cho rằng đất đã được cấp cho họ thì việc sử dụng như thế nào là quyền của họ, từ đó dẫn đến hành vi vi phạm pháp luật. Các vi phạm phổ biến là người dân tự ý thay đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi trên đất nông nghiệp được giao, chuyển từ đất trồng lúa sang các mục đích sản xuất nông nghiệp khác (trồng cây lâu năm, nuôi trồng thủy sản...) trái quy hoạch, kế hoạch SDĐ để có hiệu quả kinh tế cao hơn. Một thực trạng phổ biến khác là người dân xây dựng nhà ở, công trình trái phép trên đất nông nghiệp hoặc san lấp, phân lô đất nông nghiệp để chuyển nhượng...
Để tránh rủi ro, trước hết người SDĐ cần nắm rõ thửa đất mà mình có quyền sử dụng được Nhà nước cho phép sử dụng cho mục đích gì. Điều này thể hiện rõ trong phần thông tin về mục đích SDĐ ghi trên giấy chứng nhận về quyền SDĐ. Nếu muốn sử dụng khác với mục đích ghi trên giấy chứng nhận, người dân phải đến UBND xã, phường, thị trấn liên hệ công chức địa chính để được hướng dẫn hoặc nhờ người có hiểu biết pháp luật tư vấn, tránh tự ý chuyển mục đích SDĐ trái quy định.
Trường hợp có nhu cầu nhận chuyển nhượng quyền SDĐ thì cần xem xét mục đích sử dụng của thửa đất có phù hợp với nhu cầu của mình hay không. Nếu không thì nên tìm hiểu khả năng chuyển mục đích SDĐ thông qua tìm hiểu quy hoạch, kế hoạch SDĐ của địa phương cũng như chi phí (nếu có) để làm thủ tục chuyển mục đích sau khi nhận chuyển nhượng.