Ngày 23/5, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã có văn bản góp ý cho dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 126/2020/NĐ-CP, Nghị định 123/2020/NĐ-CP, Nghị định 15/2022/NĐ-CP.
Theo VCCI, hiện nay, Bộ Tài chính đang chủ trì soạn thảo Dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 126/2020/NĐ-CP, Nghị định 123/2020/NĐ-CP, Nghị định 15/2022/NĐ-CP (sau đây gọi tắt là Dự thảo).
Cụ thể, dự thảo đã có một số quy định mới về trách nhiệm của sàn thương mại điện tử (TMĐT) liên quan đến nghĩa vụ thuế của người bán trên sàn, gồm: trách nhiệm kê khai, nộp thuế thay; sàn TMĐT có chức năng đặt hàng trực tuyến: có trách nhiệm đại diện cho người bán là cá nhân (bao gồm cả trong nước và nước ngoài) khai thuế, nộp thuế cho cá nhân…
Tại bản góp ý, VCCI bày tỏ đồng tình với quan điểm: việc đảm bảo khả năng thu thuế, bao gồm cả thuế từ hoạt động kinh doanh trên môi trường internet là việc cần thiết. Việc đưa ra một số quy định pháp lý nhằm hỗ trợ cơ quan thuế thực thi nhiệm vụ là hợp lý. Các quy định này có thể liên quan phần nào đến các chủ thể khác vận hành trong mô hình này, chẳng hạn các DN cung cấp nền tảng (hay sàn TMĐT).
Tuy nhiên, thị trường thương mại điện tử của Việt Nam vẫn đang trên đà phát triển. Các doanh nghiệp cung cấp nền tảng (hay sàn TMĐT) vẫn đang cố gắng hỗ trợ chuyển đổi số cho người bán, và phát triển hệ thống thương mại điện tử cũng như các loại hình dịch vụ mới. Do vậy, chính sách chung với đối tượng này vẫn nên tiếp tục hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp tiếp tục đẩy mạnh đầu tư phát triển và thúc đẩy các doanh nghiệp mới tham gia vào lĩnh vực này. Quyết định 645/QĐ-TTg cũng xác định cần tiếp tục cải thiện khung khổ pháp lý, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp vận hành nền tảng phát triển các mô hình, giải pháp và dịch vụ dựa trên công nghệ tiên tiến.
Vì lẽ đó, các quy định mới cần phải cân nhắc thật sự thấu đáo để tránh tạo ra gánh nặng chi phí tuân thủ quá lớn cho các đối tượng trung gian này.
Chưa phù hợp với bản chất hoạt động của sàn thương mại điện tử
Theo VCCI, sàn TMĐT có thể được coi là nền tảng trung gian kết nối người mua và người bán. Sàn TMĐT là một hình thức “chợ” nhưng thực hiện trên không gian mạng. Lúc này, sàn TMĐT có vai trò như ban quản lý “chợ” trên nền tảng của mình, xây dựng quy chế hoạt động; kiểm tra, giám sát người bán và hỗ trợ cơ quan chức năng xử lý người bán có hành vi phạm; hỗ trợ người mua trong việc giải quyết tranh chấp; một số nghĩa vụ khác. Cần lưu ý rằng trách nhiệm về chất lượng, thông tin, quảng cáo về sản phẩm, hàng hoá… thuộc về người bán.
Thứ hai, về việc kiểm soát dòng tiền thanh toán: nhiều sàn TMĐT có chức năng đặt hàng không thu nhận toàn bộ dòng tiền trong tất cả các giao dịch qua sàn, vì sàn sẽ không nhận được tiền của người mua hàng nếu họ thanh toán bằng tiền mặt. Khi các giao dịch trên sàn được thanh toán bằng tiền mặt, tiền hàng sẽ chuyển từ người mua qua đơn vị vận chuyển (thông qua shipper) về người bán. Hoặc ngược lại, shipper sẽ trả trực tiếp cho người bán và nhận lại tiền từ người mua.
Việc yêu cầu các sàn TMĐT kê khai, nộp thuế thay cho người bán sẽ tạo ra áp lực rất lớn tài chính cho sàn khi phải ứng trước một khoản tiền thuế từ người bán phải đóng (thực tế, các giao dịch thanh toán tiền mặt hiện đang chiếm ưu thế (86%)) và áp lực về hoạt động khi phải thực hiện việc thu lại số tiền thuế của người bán.
Trong nhiều trường hợp, sàn TMĐT không có đủ công cụ cũng như quyền lực để thực thi yêu cầu người bán trả lại tiền thuế mà sàn đã đóng thay. Điều này sẽ gây khó khăn rất lớn cho hoạt động của sàn TMĐT.
Có thể thấy, các sàn TMĐT có chức năng đặt hàng trực tuyến chỉ là đơn vị trung gian giữa người bán và người mua, vì vậy yêu cầu các sàn TMĐT có trách nhiệm kê khai, nộp thuế thay cho người bán là chưa phù hợp với bản chất hoạt động của mô hình này đồng thời gây khó khăn rất lớn cho các sàn TMĐT.
Rủi ro gánh nặng chi phí tuân thủ cho sàn thương mại điện tử
VCCI đã tiến hành khảo sát sơ bộ 107 sàn TMĐT thuộc diện tác động của quy định này trong khoảng thời gian từ tháng 4/2022 đến tháng 5/2022, nếu áp dụng của quy định về kê khai, nộp thuế thay sẽ gia tăng đáng kể chi phí cho các sàn TMĐT.
Về chi phí kinh doanh, quy định về kê khai, nộp thuế thay sẽ gia tăng tương đối đáng kể chi phí cho các sàn TMĐT.
Mức chênh lệch tỷ lệ tổng chi phí trên doanh thu của năm 2022 so với năm 2021 theo phương án kê khai, nộp thuế thay cao hơn 10.65 điểm phần trăm so với phương án không phải thực hiện nghĩa vụ này. Trong đó, chi phí công nghệ thông tin sẽ cao hơn 5.2 điểm phần trăm; chi phí mua ngoài liên quan đến công nghệ thông tin cao hơn 9.45 điểm phần trăm và chi phí nhân sự tăng 19.86 điểm phần trăm.
Mức chênh lệch tỷ lệ tổng chi phí trên doanh thu dự kiến của năm 2023 so với năm 2021 theo phương án kê khai, nộp thuế thay cao hơn 8.12 điểm phần trăm so với phương án không phải thực hiện nghĩa vụ này. Trong đó, chi phí công nghệ thông tin sẽ cao hơn 3.55 điểm phần trăm; chi phí nhân sự tăng 8.35 điểm phần trăm.
Đặc biệt, trong bối cảnh trên 80% các sàn TMĐT đều trả lời đang lỗ và sẽ tiếp tục lỗ trong những năm tới, quy định này có thể sẽ tạo thêm gánh nặng tuân thủ lớn cho các sàn TMĐT.
Về khó khăn, trở ngại khi thực hiện quy định. Nhiều công việc cụ thể cần thực hiện theo quy định được đánh giá là “Khó” và “Rất khó” theo cảm nhận của sàn TMĐT, trong đó phân loại hàng hóa theo tỷ lệ thuế (56.9% sàn TMĐT lựa chọn “Khó” hoặc “Rất khó”); thu thập, trích xuất dữ liệu người bán (43.1%); thực hiện kê khai, nộp thuế thay (69.2%).
Các sàn TMĐT cũng có chia sẻ nhiều lo ngại nếu thực hiện nghĩa vụ: 57.4% sàn TMĐT lo ngại quy định sẽ thay đổi quy trình quản lý và vận hành của doanh nghiệp; 100% sàn TMĐT cho rằng sẽ gặp khó khăn trong việc xác định doanh thu của người bán tại kỳ tính thuế; 100% lo ngại gặp rủi ro liên quan đến việc nộp thừa hoặc thiếu tiền thuế.
Quy định cần chặt chẽ
Bên cạnh đó, VCCI cho rằng, trong các dự thảo cần quy định rõ ràng hơn. Cần làm rõ các đối tượng nào được coi là sàn thương mại điện tử.
Hiện nay, khái niệm về sàn thương mại điện tử đang được quy định tại Nghị định 52/2013/NĐ-CP. Tuy nhiên, Nghị định 52/2013/NĐ-CP là văn bản chung điều chỉnh hoạt động của sàn thương mại điện tử. Lĩnh vực này thực tế xuất hiện trong nhiều lĩnh vực chuyên ngành khác mà Nghị định 52/2013/NĐ-CP đã loại trừ khỏi phạm vi điều chỉnh và giao lại cho các văn bản pháp luật chuyên ngành điều chỉnh.
Đồng thời, dự thảo chưa quy định rõ các sàn TMĐT sẽ thực hiện kê khai và nộp thuế thay thuế cho người bán (nếu áp dụng) trên tất cả các đơn hàng hay chỉ khấu trừ khi xác định người bán có doanh thu trong năm trên 100 triệu đồng. Bởi lẽ, người bán là cá nhân chỉ có trách nhiệm nộp thuế nếu có doanh thu trong năm trên 100 triệu đồng.
Nếu chỉ thực hiện với người bán có doanh thu vượt ngưỡng, các sàn TMĐT sẽ gặp khó khăn trong việc xác định khi nào người bán vượt ngưỡng doanh thu để thực hiện kê khai, nộp thuế thay, chẳng hạn: việc xác định mức doanh thu 100 triệu là mức doanh thu trên một sàn hay tính trên tất cả các sàn; tiêu chí để nào để có thể xác định một người bán có doanh thu trên 100 triệu khi bắt đầu năm kinh doanh…?
"Quy định về trách nhiệm kê khai, nộp thuế thay của sàn TMĐT có chức năng đặt hàng trực tuyến tại Dự thảo còn thiếu sự thống nhất với các quy định pháp luật liên quan, không hợp lý và tạo ra gánh nặng chi phí cho DN. Do vậy, cần bỏ quy định yêu cầu sàn TMĐT có chức năng đặt hàng trực tuyến thực hiện trách nhiệm kê khai, nộp thuế thay người bán trên sàn. Việc kê khai, nộp thuế thay chỉ nên thực hiện trên cơ sở uỷ quyền của pháp luật dân sự", VCCI góp ý.
Do vậy, VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo bỏ quy định yêu cầu sàn TMĐT có chức năng đặt hàng trực tuyến thực hiện trách nhiệm kê khai, nộp thuế thay người bán trên sàn. Việc kê khai, nộp thuế thay chỉ nên thực hiện trên cơ sở uỷ quyền của pháp luật dân sự.
Ngoài ra, VCCI cũng đề nghị sửa đổi quy định về cung cấp thông tin tại Điều 1.7 Dự thảo theo hướng sàn TMĐT cung cấp thông tin về doanh thu (được hiểu là tổng giá trị đơn hàng) với tần suất 1 năm/lần, quy định chặt chẽ về bảo mật thông tin…
Kinh nghiệm quốc tế
VCCI dẫn kinh nghiệm quốc tế, liên quan đến nghĩa vụ thuế của người bán trên nền tảng thương mại điện tử.
Ví dụ ở Trung Quốc, điều 28 Luật Thương mại điện tử năm 2018 chỉ quy định trách nhiệm của sàn TMĐT trong việc cung cấp thông tin nhận dạng (identity information) và thông tin liên quan đến thuế của người bán đến cơ quan thuế.
Còn một số nước khác, chẳng hạn Liên minh châu Âu (EU), Anh, New Zealand, Hoa Kỳ, Indonesia… đã ban hành quy định yêu cầu nền tảng trung gian có trách nhiệm nộp thay nghĩa vụ thuế GTGT với với hàng hoá của người bán nước ngoài. Nghĩa vụ thuế của người bán (trong nước) vẫn được thực hiện theo các quy định trước đó (thường thuộc về trách nhiệm của người bán).
Thực tế, cơ chế tương tự như quy định của các nước này cũng đang được xây dựng tại Dự thảo Nghị định quản lý hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu qua thương mại điện tử. Theo đó, nghĩa vụ thuế (trong đó có thuế GTGT) với hàng hoá giao dịch qua thương mại điện tử nhập khẩu sẽ thuộc trách nhiệm của đơn vị trung gian (như sàn TMĐT, đơn vị vận chuyển…) và được thực hiện cùng với thủ tục hải quan. Nhìn chung, theo quy định của các quốc gia trên, trách nhiệm về nghĩa vụ thuế của người bán trong nước vẫn thuộc về người bán.
Tuệ Minh