Trong khuôn khổ Diễn đàn Cấp cao Chuyển đổi số Việt Nam - Châu Á 2022 (Vietnam - Asia DX Summit 2022) với chủ đề "Hợp lực chuyển đổi số để phát triển kinh tế số" ngày 25/5, phiên thảo luận về chuyển đổi số (CĐS) trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng - phát triển kinh tế số đã diễn ra thành công.
Với sự góp mặt của lãnh đạo ngành thuế và đại diện đến từ các doanh nghiệp chuyển đổi số, buổi hội thảo đã thảo luận nhiều vấn đề xoay quanh việc ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong ngành thuế, ngân hàng.
Sẽ dùng mã định danh là mã số thuế cá nhân
Ông Đặng Ngọc Minh, Tổng cục phó Tổng cục Thuế cho biết, hệ thống ứng dụng công nghệ thông tin ngành thuế đã được phát triển hơn 30 năm, nhằm đáp ứng yêu cầu cải cách thủ tục hành chính, sự phát triển của công nghệ và góp phần xây dựng ngành thuế.
"Trong bối cảnh bùng nổ của các cuộc cách mạng công nghiệp, ngành thuế cần chuyển đổi lên môi trường số, đổi mới mô hình hoạt động, thay đổi cách thức cung cấp dịch vụ dựa trên công nghệ số và dữ liệu số", ông Minh nói. Ông Minh cũng cho biết ngành thuế đã xây dựng 1.500 đường truyền kết nối, trung tâm dữ liệu.
Về hóa đơn điện tử, ông Minh cho biết, ngành thuế đặt mục tiêu đến hết tháng 6/2022, 100% người nộp thuế sẽ sử dụng hóa đơn điện tử.
Về kết quả của việc chuyển đổi số ngành thuế, ông Minh cho biết việc này góp phần chuyển đổi cách thức phục vụ, phương thức quản lý của cơ quan thuế theo hướng tự động, đồng thời thúc đẩy chuyển đổi số trong các doanh nghiệp và các cơ quan quản lý nhà nước, đặc biệt là cơ quan thuế.
Về dịch vụ thuế điện tử, ông Minh cho biết dịch vụ này triển khai từ 2017, đến nay, 90% doanh nghiệp đã đang sử dụng dịch vụ khai thuế và hoàn thuế điện tử. "Điều này góp phần tạo thuận lợi, hạn chế tiếp xúc xã hội trong bối cảnh dịch Covid-19 và thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt", ông Minh cho hay.
Đặc biệt, ông Minh cho biết, từ năm 2023, người dân sẽ dùng mã định danh là mã số thuế cá nhân. Điều này sẽ giúp minh bạch, thống nhất thông tin của người dân.
CĐS ngành ngân hàng: Lưu ý đối tượng Gen Z
Tại hội thảo, ông Trần Công Quỳnh Lân, Chủ nhiệm uỷ ban công nghệ Hiệp hội ngân hàng Việt Nam cũng nhấn mạnh vai trò của chuyển đổi số với ngân hàng trong thời gian vừa qua. Theo ông Lân, tất cả các dịch vụ ngân hàng được đưa lên các kênh trực tuyến: mở tài khoản, gửi tiết kiệm dịch vụ thẻ, tín dụng... giúp phục vụ khách hàng mọi lúc, mọi nơi, mọi nhu cầu.
Bên cạnh đó, ông Luân chỉ ra chuyển đổi số trong ngành ngân hàng đã giúp phổ cập tài chính đến người dân. "Chỉ với chiếc điện thoại thông minh, giấy tờ tùy thân là có thể có được tài khoản ngân hàng để thực hiện giao dịch", ông nói.
Chuyển đổi số cũng giúp phát triển nền kinh tế không tiền mặt: thông qua các công nghệ như sinh trắc học, QR Code, NFC... "Người dân có thể thanh toán một cách nhanh chóng và dễ dàng mà không cần dùng tới tiền mặt, ngay cả tại các chợ dân sinh", ông nói.
Bà Vũ Thị Hải Yến, Giám đốc Trung tâm Sản phẩm Conversation - Khối Sản phẩm AI - FPT Smart Cloud lưu ý thêm một vấn đề trong chuyển đổi số. Theo đó, chuyển đổi số là phạm vi rộng, khách hàng của ngành tài chính - ngân hàng chủ yếu là Gen Z, những người sinh ra bằng smartphone và lớn lên cùng mạng xã hội. Đây là những người đầu tư tài chính thông minh và thích công nghệ. Các doanh nghiệp ngành tài chính - ngân hàng chuyển đổi số cần lưu ý thêm nhóm khách hàng này.
Hầu hết tổ chức tín dụng đều CĐS
Về tác động của việc chuyển đổi số ngành tài chính - ngân hàng với nền kinh tế số, ông Võ Tấn Long, Phó Tổng Giám đốc PwC Việt Nam cho biết, Việt Nam có lợi thế nhất định trong quá trình khôi phục kinh tế. Không chỉ về tốc độ phát triển mà điều kiện để tạo ra nền kinh tế số, như số lượng thiết bị di động được sử dụng… "Các công ty đến Việt Nam đầu tư sẽ nhìn vào những khía cạnh ấy", ông nói.
Ông Long cho biết, lượng người sử dụng các phương tiện thanh toán mà các ngân hàng cung cấp ngày một tăng. "Dự tính đến 2025, số lượng tài khoản tham gia vào thị trường thanh toán Việt Nam lên đến 105 triệu, vượt dân số Việt Nam. Giá trị giao dịch lên tới hàng chục tỷ USD trong một vài năm tới", ông nói.
Theo ông Long, N. Song song với các ngân hàng, còn có những công ty Fintech, những công ty sử dụng cung cấp những dịch vụ tài chính - ngân hàng. Tại Việt Nam, số lượng các công ty Fintech tăng thêm khoảng 150-200 công ty trong năm vừa qua, giá trị đầu tư có những quý lên đến hàng hàng trăm triệu USD vào các công ty Fintech của VN, ông Long dẫn số liệu.
Theo ông Long, việc chuyển đổi số còn dư địa rất lớn ở trong ngành tài chính.
Ông Long cho rằng chuyển đổi số là xu hướng tất yếu. Theo đó, 94% ngân hàng khi nói đến chiến lược 10 năm tới đều nói đó là chuyển đổi số. Trong đó, 54% ngân hàng coi chuyển đổi số là một trong những chiến lược cơ bản để chuyển đổi
"Hầu hết tổ chức tín dụng đều tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số. Những ngân hàng lớn đặt ra câu chuyện chiếm vị trí cao nhờ chuyển đổi số, Ngân hàng nhỏ nhìn thấy chuyển đổi số là cách để họ vượt qua rào cản về không gian, địa lý, tiếp cận nhiều nhóm khách hàng để phát triển mạnh lên", ông nhấn mạnh.