CEO Ford Jim Farley cho biết cách thức giảm giá mà Elon Musk, người đứng đầu Tesla, đang thực hiện, sẵn sàng hy sinh lợi nhuận để đổi lại doanh số cao hơn, thực chất đã được lấy từ chính sách của Henry Ford với Model T.
“Hãy nhớ lại năm 1913. Chuyện này từng xảy ra rồi” - ông nói, đề cập đến cuốn sách mô tả chi tiết về năm Ford trở thành nhà sản xuất xe hàng loạt, sang trang mới cho lịch sử ngành ô tô.
Năm 1913, khi Henry Ford lần đầu tiên sử dụng băng tải trên dây chuyền lắp ráp ô tô, ông bắt đầu cho giảm giá Model T để tăng doanh số bán hàng, do công ty có thể sản xuất nhiều xe hơn trong một khoảng thời gian ngắn hơn.
110 năm sau, kể từ đầu năm 2023, Elon Musk đã giảm giá các mẫu xe phổ biến nhất của Tesla tới 6 lần tính đến nay, khi đặt mục tiêu sản xuất 2 triệu xe trong năm 2023, tăng gấp đôi so với năm 2022.
Chiến lược giảm giá đã có tác động xấu đến lợi nhuận của Tesla, khiến một số nhà đầu tư lo lắng, nhưng Musk khẳng định ông biết mình đang làm gì.
“Tốt hơn hết là bán một số lượng lớn ô tô với mức lợi nhuận thấp hơn rồi thu lợi nhuận trong tương lai, khi sản xuất đã thực sự vào guồng”, Elon Musk nói với các nhà đầu tư.
Dựa vào lịch sử Ford, Jim Farley gửi cảnh báo tới CEO Tesla: “Tôi nghĩ ông ấy sẽ rút ra được bài học là độ mới của sản phẩm có ý nghĩa quan trọng. Sản phẩm trở thành hàng hóa sẽ rất khó bù giá. Sự đánh đổi là rất nguy hiểm”.
Người sáng lập của Ford đã học được bài học đó, Farley cho biết. Từ giữa những năm 1920, sự thống trị của Model T trên thị trường bị suy giảm do đối thủ cạnh tranh, đặc biệt là từ General Motors. Họ bắt kịp hệ thống sản xuất hàng loạt của Ford và bắt đầu làm ra những chiếc xe tốt hơn với động cơ mạnh hơn, các tính năng tiện lợi mới hay có vẻ ngoài hấp dẫn hơn.
Những tính năng mà Henry Ford từng cho là không cần thiết (xuất phát một phần từ chiến lược sản xuất hàng loạt và giảm giá xe để đổi lấy doanh số) dần trở thành đòi hỏi “tiêu chuẩn”.
Thị phần của Model T suy giảm đến mức Henry buộc phải chấp nhận chiếc xe tạo nên lịch sử của mình không còn hợp thời. Bởi trong lúc ông cực lực phản đối làm ra bất cứ chiếc xe nào khác, Chevrolet của General Motors trở thành thương hiệu xe hơi hàng đầu ở Mỹ.
Phải đến khi Model A xuất hiện với dáng vẻ hiện đại, nhiều tùy chọn màu sắc và những trang bị hiện đại hơn, Ford mới xoay chuyển lại cục diện.
Dường như Farley đang ám chỉ rằng Elon Musk đang ở tình cảnh của Henry Ford năm nào. CEO Tesla từ lâu đã phải chịu áp lực làm mới đội hình xe điện, nhưng ông luôn tìm cách tránh né bằng cách giới thiệu các mẫu xe mới hơn, đẩy mạnh cập nhật phần mềm để giữ cho trải nghiệm lái xe Tesla mới mẻ.
Tuy nhiên, chưa có mẫu xe Tesla nào sang đời mới. Tesla Model 3 đầu tiên ra mắt vào năm 2017 và đến nay vẫn chưa có thế hệ mới hoặc nâng cấp giữa vòng đời thực sự, ngoài các chỉnh sửa về pin, cập nhật phần mềm qua từng năm, và thêm bản kéo dài Long Range.
Nhận định của Jim Farley có thể là lý do Ford từng chạy theo Tesla khi cho giảm giá Mustang Mach-E, nhưng sau đó không có thêm bất cứ động thái nào nữa, dù đối thủ đã có tới 6 lần “ép giá”.
Ford sẵn sàng tách riêng mảng xe điện để trở thành một “start-up” trẻ trung năng động và giành lấy ngôi vị số 1 của Tesla.
Xem thêm: mth.20904505182403202-court-man-001-noh-ut-iol-coh-iab-alset-ex-aig-maig-ksum-nole/nv.ertiout