Nội dung chính:
- - Ruộng đất Trung Quốc đã trải qua nhiều giai đoạn chia nhỏ, rồi tập trung - với những cải tiến vượt bậc về mặt chính sách, gỡ những điểm nghẽn đặc thù.
- - Tiền đề cho việc hình thành nông nghiệp quy mô lớn ở Trung Quốc là việc nhà nước cho phép người dân được phép chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp cho người khác khai thác.
- - Phương thức canh tác trên “cánh đồng mẫu lớn” như ở phương Tây mãi đến những năm 2000 mới được triển khai, không phải bằng cách cưỡng ép nông dân, mà thông qua giới thiệu rộng rãi những mô hình thí điểm thành công.
“Khắc xuất” đất đai khởi nguồn từ nạn đói
Năm 1978, khi chính sách kinh tế tập thể từ thời Mao Trạch Đông còn hiệu lực, 18 nông dân của làng Tiểu Cương (phía đông tỉnh An Huy) cùng nhau lập một cam kết, điểm chỉ bằng máu, bí mật chia ruộng trong làng cho từng hộ gia đình.
Trước đó, Tiểu Cương nổi tiếng vì nghèo đói. Cứ sau mùa thu hoạch là nhà nào cũng tản đi ăn xin. Nạn đói năm 1959, làng có 120 nhân khẩu thì có đến 67 người chết vì đói.
“ Sau khi thảo luận với vài người trong làng, tôi quyết định chia đất cho từng hộ… Chúng tôi không muốn chịu đói thêm nữa ”, ông Yan Junchang, một trong số 18 nông dân kể lại. Họ đồng lòng nộp lại một lượng thóc, phần dôi dư tùy ý sử dụng cho gia đình.
Sở dĩ có chuyện bí mật chia đất như vậy là do chính sách sở hữu chung đất nông nghiệp và lao động tập thể.
Lúc bấy giờ, mỗi hộ gia đình chỉ được sở hữu riêng mảnh vườn sau nhà - đủ trồng đám rau và vài ba con gà, còn toàn bộ ruộng đất nông nghiệp thuộc sở hữu chung của cả làng.
Chính sách “công điểm” (làm việc chung, chấm công và hưởng sản lượng dựa trên điểm chấm) khi làm việc trên cánh đồng chung đẩy sản lượng xuống thấp cực điểm.
Bí mật của 18 người nông dân sớm bị phát hiện ngay vào mùa xuân năm sau, nhưng việc sản lượng được cải thiện rõ rệt (tăng gấp 6 lần so với lao động tập thể) đã gây được sự chú ý và ngầm cho phép của lãnh đạo tỉnh An Huy.
Không phải cứ chia ra là thành công!
Thành công của làng Tiểu Cương mở đường cho quá trình “phi tập thể hóa” và chính sách “khoán hộ” đất nông nghiệp từ những năm 1980.
Nhờ động lực thoát đói nghèo và kỹ thuật canh tác thông minh từ bao đời, sản lượng nông nghiệp Trung Quốc tăng vọt và giữ đà tăng trưởng liên tục.
Tuy nhiên, hai thập kỷ sau khi ruộng chung bị chia tách, tăng trưởng nông nghiệp đã chững lại. Song song với đó là quá trình công nghiệp hóa. Các nhà xưởng đem đến việc làm được trả lương cao hơn làm nông.
“ Từ năm 1990, thanh niên bắt đầu đổ về các thành phố để làm công nhân xa xứ ”, ông Yan Junchang cho biết. Trên cả nước, ruộng khoán cho hộ gia đình dần bị bỏ hoang do không có người khai thác.
Chưa kể, việc chia nhỏ đất đai cho nông dân với quan điểm công bằng, ai cũng có “đất tốt” lẫn “đất xấu” khiến đất đai ngày càng trở nên manh mún. Năng suất nông nghiệp Trung Quốc bắt đầu đi xuống do khó áp dụng khoa học kỹ thuật trên diện rộng và đất đai bị bỏ hoang.
Dân ngày càng đông, tỷ lệ người lao động trong lĩnh vực nông nghiệp giảm, sản lượng nông nghiệp đình trệ, Trung Quốc ngày càng lệ thuộc vào việc nhập khẩu lương thực.
Tỷ lệ tự chủ lương thực của Trung Quốc giảm từ 93,6% năm 2000 xuống chỉ còn 65,8% năm 2020, dự báo sẽ tiếp tục giảm trong tương lai. Việc tăng sản lượng nông nghiệp trở thành nhiệm vụ sống còn của quốc gia.
Lãnh đạo Trung Quốc nhận định rằng: tình trạng đất đai bị phân chia khiến việc hiện đại hóa, tăng năng suất nông nghiệp gặp khó khăn. Máy đào đất, máy gặt đập, robot nông nghiệp… không thể hoạt động trên những mảnh đất nhỏ lẻ, manh mún.
“Khắc nhập” với quyền định đoạt đất đai
Việc cưỡng ép gom chung đất để sở hữu toàn dân những năm 1950 để lại ký ức ám ảnh không nhỏ. Vậy làm thế nào để người dân tự nguyện “hùn hạp” ruộng đất để sản xuất quy mô lớn? Mấu chốt là ở quyền định đoạt đất đai.
Nông dân Trung Quốc từ năm 1983 chính thức được quyền “hợp đồng khai thác đất đai”, tức quyền sử dụng một phần đất nông nghiệp thuộc sở hữu chung của địa phương.
Từ đó, nông dân chủ động chuyển đổi dần cơ cấu cây trồng, không chỉ chuyên ngũ cốc nữa mà chuyển sang các sản phẩm có giá trị kinh tế cao hơn và phù hợp với nhu cầu thị trường hơn như như trái cây, rau củ hay chăn nuôi gia cầm, gia súc…
Tuy nhiên, họ vẫn không được tự do cho thuê lại, hoán đổi thửa đất với hộ khác hoặc giao quyền khai thác cho người khác.
Đến năm 2007, Luật Đất đai Trung Quốc mới chính thức sửa đổi điểm nghẽn này. Điều 128 của Luật cho phép nông dân tự chủ quyết định: tự mình canh tác, hợp tác làm chung với hộ khác hay giao cho người khác sử dụng đất, sao cho mang lại hiệu quả kinh tế nhất cho chính họ, miễn không chuyển đổi mục đích sử dụng đất.
Các mô hình thí điểm
Khác biệt với thời kỳ triển khai kinh tế tập thể vào những năm 1950, chính sách nông nghiệp quy mô lớn không được triển khai đại trà, đồng loạt.
Những cánh đồng mẫu lớn từ 2 đến 20 hecta được thí điểm sau năm 2000 ở phía Nam tỉnh Giang Tô, phía Bắc tỉnh Chiết Giang và thủ đô Bắc Kinh – những vùng có kinh tế phát triển hơn của cả nước.
Những cánh đồng này một phần là của các hộ tự nguyện góp đất làm chung, phần khác là do hợp tác xã các địa phương triển khai. Các loại máy móc cơ giới tiên tiến được đầu tư, nhiều nhà khoa học tham gia cho ý kiến và khảo sát, đo lường kết quả trên đồng ruộng.
Các mô hình thí điểm sau khi thu được thành quả, được nhắc đến nhiều trên các phương tiện truyền thông và báo cáo nghiên cứu khoa học. Phương pháp canh tác phổ biến ở Mỹ và các nước châu Âu với đặc trưng quy mô lớn, cơ giới hóa và hạn chế sức người dần trở thành thông lệ.
Song song với việc mở rộng quy mô, nhiều dự án trọng điểm cũng được tiến hành, tiêu biểu là dự án giảm thiểu thuốc trừ sâu và tăng năng suất lúa do tiến sỹ hóa sinh Cui Zhenling của Đại học Nông nghiệp Trung Quốc.
Trong vòng 10 năm, thông qua khoảng 14 nghìn hội thảo và chương trình tiếp cận cộng đồng, đã có 20,9 triệu nông dân tham gia dự án và đem lại kết quả vượt trội.
“ Những người nông dân tỏ ra nghi ngờ, nhưng chúng tôi đã đạt được lòng tin của họ, và sau đó họ tin tưởng hoàn toàn vào chúng tôi - đó là phần thưởng lớn nhất ”, bà Cui Zhenling cho biết. Dự án trị giá 54 triệu USD không những hướng dẫn tại chỗ cho người dân, mà còn cung cấp hạt giống và phân bón chất lượng cao tại một số địa điểm.
Mở rộng quy mô đi kèm với cơ giới hóa, thay đổi giống cây trồng và nhiều biện pháp kỹ thuật tiên tiến, là điều khác biệt khiến mô hình ruộng chung kiểu mới thành công, khác với thời kỳ trước đây.
Quan trọng hơn cả, người dân tự thấy được lợi ích của việc chuyển đổi, và luật đất đai cho phép chuyển nhượng quyền canh tác, cũng giúp việc hợp nhất đất nông nghiệp dễ dàng hơn.
20 năm sau thời điểm “xé rào” năm 1978, làng Tiểu Cương đã thoát đói, khấm khá hơn nhưng còn xa mới được gọi là giàu có. Từ những người đi đầu đổi mới, họ đã bỏ lỡ nhiều cơ hội phát triển khác.
“ Nông nghiệp cá thể không còn tạo ra nhiều của cải nữa. Chúng tôi cần tập hợp nguồn lực để canh tác hiệu quả hơn ”, Yan Deyou, bí thư chi bộ của Tiểu Cương cho biết.