Liên quan đến vụ án lợi dụng chức vụ, quyền hạn xảy ra tại Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên H.Hưng Nguyên (Nghệ An) mà dư luận xôn xao mấy ngày qua, chiều 5.5, PV Thanh Niên đã phỏng vấn ông Lâm Quốc Tú, Chánh án TAND H.Hưng Nguyên về bản án này.
Làm thiệt hại gần 45 triệu đồng và mức án 5 năm tù
Ngày 24.4 vừa qua, TAND H.Hưng Nguyên đã tuyên phạt bị cáo Lê Thị Dung (51 tuổi, nguyên Giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên H.Hưng Nguyên) 5 năm tù về tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ.
Theo cáo trạng của Viện KSND H.Hưng Nguyên, từ năm 2012 đến năm 2017, bà Dung là Bí thư chi bộ, chủ tài khoản của Trung tâm Giáo dục thường xuyên (GDTX) H.Hưng Nguyên (nay là Trung tâm GDNN-GDTX) đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn được giao, nhiều lần thanh toán trái quy định để chiếm đoạt số tiền hơn 48,3 triệu đồng từ nguồn ngân sách nhà nước cấp.
Cụ thể, trong năm học 2011 - 2012 với số tiền hơn 3,3 triệu đồng; năm 2013 - 2014 với số tiền hơn 303.000 đồng; năm 2014 - 2015 số tiền hơn 30,9 triệu đồng và trong năm 2015 - 2016 hơn 13,8 triệu đồng.
Trong quá trình công tác, bà Dung đã chủ trì xây dựng Quy chế chi tiêu nội bộ, trong đó có một số khoản chi không đúng quy định pháp luật.
Một số khoản thanh toán 2 lần cho một nội dung như: đã nhận được phụ cấp cấp ủy nhưng vẫn được tính 3 tiết/tuần cho chức danh Bí thư chi bộ; đã được hỗ trợ khi đi học cao học nhưng vẫn được tính 2 tiết/tuần để thanh toán.
Theo cáo buộc của Viện KSND H.Hưng Nguyên, tổng số tiền bà Dung gây thiệt hại cho Trung tâm GDTX là gần 45 triệu đồng.
Viện KSND H.Hưng Nguyên cáo buộc bà Dung thực hiện thanh toán nhiều lần trong nhiều năm, nên rơi vào trường hợp "phạm tội nhiều lần" với tình tiết phạm tội 2 lần trở lên quy định tại điểm b khoản 2 Điều 356 Bộ luật hình sự với khung hình phạt 5-10 năm tù.
Tại phiên tòa, bà Dung cho rằng bà không phạm tội như cáo trạng đã cáo buộc. Sau nhiều ngày xét xử, Hội đồng xét xử sơ thẩm đã tuyên phạt bà Dung mức án 5 năm tù.
Sau phiên tòa sơ thẩm, xuất hiện nhiều ý kiến cho rằng tòa án xét xử không công bằng, số tiền chiếm đoạt chưa đến 45 triệu đồng nhưng mức hình phạt quá cao.
Chánh án TAND H.Hưng Nguyên: "Tôi áy náy"
Trả lời PV Thanh Niên, ông Lâm Quốc Tú cho biết bà Dung từng tham gia hội thẩm nhân dân tại tòa án huyện này 5 năm qua và đã tham gia xét xử một số vụ án có bị cáo dưới 18 tuổi.
"Chúng tôi đã làm việc với nhau nhiều, quen biết và thân thiện với nhau. Bây giờ xử cô Dung, chúng tôi rất áp lực, lăn tăn, trăn trở", ông Tú nói.
Ông Tú cho rằng, bà Dung có 1 tình tiết giảm nhẹ là có nhiều thành tích trong quá trình công tác, nếu có thêm 1 tình tiết giảm nhẹ nữa như nộp tiền khắc phục hậu quả thì tòa sẽ xem xét để xử dưới khung hình phạt như luật đã quy định.
Ông Tú giải thích: "Theo quy định của Bộ luật hình sự, phải có 2 tình tiết giảm nhẹ ở khoản 1, điều 51 bộ luật này thì mới được xử dưới khung hình phạt. Nếu cô Dung tạm nộp 45 triệu đồng mà cáo trạng quy kết đã chiếm đoạt thì sẽ là tình tiết giảm nhẹ thứ 2 và có thể được hưởng án treo".
"Việc nộp tiền khắc phục này không phải là nhận tội. Ra trước tòa, bị cáo vẫn có quyền chối tội và chứng minh mình vô tội. Nếu tòa xem xét thấy cô Dung không phạm tội thì đương nhiên tòa phải hoàn trả lại tiền cho cô Dung", ông Tú nói.
Ông Tú cũng cho rằng bà Dung bị truy tố về tội lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ là đúng tội danh.
"Chúng tôi đã làm rất kỹ, rất trăn trở, xem xét đến nhiều yếu tố trong vụ án này. Ví dụ có ý kiến nêu trên mạng xã hội cho rằng Trung tâm GDTT H.Hưng Nguyên không phải trường phổ thông, nên quy chế chi tiêu nội bộ áp dụng thông tư 28 năm 2009 của Bộ GD-ĐT là tòa áp dụng sai đối tượng. Nhưng, tại Quyết định 01 năm 2007 của Bộ GD-DT về Quy chế tổ chức và hoạt động của trung tâm GDTX, giáo viên của trung tâm GDTX có chế độ, định mức giờ dạy, công tác kiêm nhiệm như quy định đối với giáo viên cùng cấp học ở các cơ sở giáo dục phổ thông. Trung tâm GDTX không xây dựng bộ riêng mà phải áp dụng theo các cơ sở giáo dục phổ thông, tức áp theo Thông tư 28", ông Tú nói.
Trả lời câu hỏi của phóng viên: Hội đồng xét xử có bị áp lực khi xuất hiện nhiều ý kiến trái chiều về vụ án này, ông Tú nói: "Nhiều người chưa tiếp cận hết các tình tiết của vụ án nên chưa có góc nhìn đa chiều. Vụ án này chúng tôi đã làm rất kỹ, cân nhắc từng chữ, đã làm hết sức. Còn đánh giá đúng sai thì có cấp phúc thẩm, chúng tôi đã xét xử công tâm, còn nhận thức, trình độ mỗi người là khác nhau".
"Chúng tôi đã rất muốn cô Dung nộp lại số tiền mà cáo trạng đã quy kết để có thêm 1 tình tiết giảm nhẹ. Nếu vậy, cô Dung có thể đã được hưởng án treo. Nhưng cô Dung không thực hiện nên chúng tôi phải xử theo luật quy định, không có cách nào khác, dù chúng tôi rất áy náy", ông Tú chia sẻ.
Chánh án TAND H.Hưng Nguyên Lâm Quốc Tú cũng xác nhận tòa đã nhận được đơn kháng cáo bản án sơ thẩm của bà Lê Thị Dung và đơn xin bảo lãnh, tại ngoại cho bà Dung của gia đình để bà Dung chữa bệnh suy tim. Tuy nhiên, việc xem xét cho bà Dung tại ngoại không còn thuộc thẩm quyền của Tòa án H.Hưng Nguyên.