Phiên họp thứ 23 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khai mạc sáng 9/5 |
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, sang tháng 4, nhiều chính sách, giải pháp tháo gỡ khó khăn ban hành từ đầu năm đến nay bắt đầu có hiệu ứng tác động. Đó cũng là giai đoạn đẩy mạnh các hoạt động dịch vụ, nhất là du lịch. Nhờ vậy, một số lĩnh vực như thị trường trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản, đầu tư công, khơi thông điểm nghẽn về dòng tiền trong nền kinh tế… đã có nhiều chuyển biến tích cực. Dự báo mới từ các tổ chức quốc tế như IMF, WB, OECD… về tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong năm 2023 cũng đều có chung nhận định tích cực.
Tuy nhiên, khó khăn vẫn còn rất lớn khi tăng trưởng kinh tế quý I/2023 chỉ đạt khoảng 3,32%; khu vực công nghiệp - xây dựng giảm 0,4%, trong đó công nghiệp giảm 0,82%, làm giảm tốc độ tăng trưởng của toàn nền kinh tế.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh trình bày báo cáo, đề nghị Chính phủ nghiên cứu phương án điều chỉnh tăng mức giảm trừ gia cảnh đối với thuế thu nhập cá nhân và giảm thuế giá trị gia tăng với toàn bộ hàng hóa đang áp mức thuế 10% xuống 8% |
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh, tăng trưởng GDP quý I/2023 rất thấp trong điều kiện nền kinh tế đã mở cửa sau khi kiểm soát dịch COVID-19 và trên nền thấp của cùng kỳ năm trước. Các trung tâm sản xuất công nghiệp và xuất khẩu chính của cả nước sụt giảm hoặc tăng không đáng kể cho thấy việc hoàn thành mục tiêu tăng trưởng cả năm là vô cùng khó khăn. Tổng cầu yếu đã ảnh hưởng trực tiếp lên tổng cung của nền kinh tế.
Tăng trưởng tín dụng đến cuối tháng 4 chỉ là 2,75% thấp hơn nhiều so với cùng kỳ, số liệu tiêu thụ điện 4 tháng đầu năm giảm 0,4% so với cùng kỳ cũng cho thấy các hoạt động sản xuất suy giảm. Khó khăn kinh tế đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động của doanh nghiệp khi tổng số doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động giảm, số doanh nghiệp giải thể, phá sản tăng.
Tuy nhiên, tình hình việc làm lại có những cải thiện với tỉ lệ thất nghiệp, tỉ lệ thiếu việc làm giảm, thu nhập tăng. Ông Vũ Hồng Thanh đề nghị Chính phủ đánh giá toàn diện hơn tình hình lao động, việc làm trong quý I/2023 và làm rõ nhận định tình hình lao động, việc làm có mâu thuẫn với số liệu về tình hình kinh tế, sản xuất công nghiệp, hoạt động doanh nghiệp.
Dự báo từ nay đến cuối năm 2023, kinh tế - xã hội còn gặp nhiều thách thức, việc đạt được mục tiêu tăng trưởng là rất khó khăn, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đề nghị Chính phủ kiên trì thực hiện mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, tăng cường năng lực thích ứng, chống chịu của hệ thống tài chính, ngân hàng. Điều hành chính sách tài khóa có trọng tâm, trọng điểm, chia sẻ vai trò hỗ trợ phục hồi tăng trưởng kinh tế với chính sách tiền tệ.
“Nghiên cứu phương án điều chỉnh tăng mức giảm trừ gia cảnh đối với thuế thu nhập cá nhân; giảm thuế giá trị gia tăng từ 10% xuống 8% áp dụng đến hết 31/12/2023 cho tất cả hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất 10%. Linh hoạt trong điều chỉnh thuế bảo vệ môi trường đối với mặt hàng xăng và dầu trên cơ sở diễn biến của giá xăng dầu” - báo cáo thẩm tra đề nghị.
Ngoài ra, Chính phủ cần tập trung tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa. Đẩy mạnh phát triển, khai thác thị trường truyền thống, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng các FTA đã ký kết để khai thác hiệu quả các thị trường. Tập trung mọi nguồn lực khôi phục thị trường khách quốc tế, sớm bắt kịp đà tăng trưởng của du lịch thế giới.
Minh Quang
Xem thêm: lmth.2921941a-nahn-ac-pahn-uht-euht-hnac-aig-urt-maig-cum-gnat-ihgn-neik/nv.moc.enilnounuhp.www