Trong ngày mà nhiều người đang sôi nổi thán phục trước kỳ tích của "siêu nhân" điền kinh Nguyễn Thị Oanh, thì một chàng trai ít tiếng tăm hơn đã tỏa sáng tại sân đấu khác. Anh bước vào thảm đấu cùng áp lực khủng khiếp: phải đánh bại nhà vô địch thế giới Carlos Yulo. Đó là vận động viên thể dục dụng cụ Nguyễn Văn Khánh Phong.
Trong bộ môn thể dục dụng cụ, Carlos Yulo là tên tuổi ở đẳng cấp thế giới. Carlos Yulo giành 2 huy chương vàng giải thế giới, chức vô địch ở hệ thống FIG World Cup Series, vô địch các giải châu Á. Ở tầm SEA Games, Carlos Yulo cũng giành tới 7 huy chương vàng. Riêng SEA Games 31 tại Việt Nam, một mình Carlos Yulo đã đóng góp 5 huy chương vàng cho đoàn Philippines.
Nói thế để thấy rằng, dù Khánh Phong là tài năng thể dục dụng cụ ở Việt Nam, nhưng so với Carlos Yulo, Phong chỉ như bụi cây ngước nhìn bóng đại thụ. Ngay tại SEA Games 31 do Việt Nam tổ chức, Phong đã bị chính Carlos Yulo đánh bại trong trận chung kết sau một cú tiếp đất lỗi.
Trận chung kết nội dung vòng treo của môn thể dục dụng cụ tại SEA Games 32, số phận lại run rủi cho Khánh Phong cùng Carlos Yulo quyết đấu với nhau.
Khi Carlos Yulo bước vào bài thi bằng những động tác đẳng cấp và giành tới số điểm 14,00, tôi đã thở dài vì số điểm này thừa sức giúp vận động viên giành huy chương vàng.
Nhìn Phong căng thẳng khi bước vào thảm đấu, tôi chỉ mong Phong hãy thể hiện tốt nhất những gì anh có.
Thua trận trước một nhà vô địch thế giới thì cũng... đáng thôi. Nhưng không, ngay khi đôi bàn tay của Phong chạm vào vòng treo và anh bắt đầu bay lượn trên không, tôi đã không thể rời mắt khỏi Phong.
Dường như có một quyết tâm gì to lớn lắm khiến Phong thăng hoa đến kinh ngạc. Và phút hồi hộp tột cùng khi Phong xoay người bay lên không để sẵn sàng tiếp đất, tôi nín thở.
Cú tiếp đất của Phong hoàn hảo. 14,20 là số điểm của Phong, mọi thứ như vỡ òa. Phong đã đánh bại Carlos Yulo.
Chia sẻ với báo chí về kỳ tích này, Phong nghẹn ngào. Và Phong cũng nói thật lý do mình thi đấu xuất thần như vậy, tất cả là vì ba anh.
SEA Games 31, Phong đã lặng người đi vì thua cuộc ngay trên sân nhà. Và lúc đó ba anh đang ngồi trên khán đài nhìn anh bằng ánh mắt cảm thông và chất chứa nỗi buồn.
SEA Games 32 năm nay, ba Phong lại lặng lẽ đón xe đò, lặn lội qua Campuchia âm thầm tiếp sức cho con. Và ông lên chuyến xe về ngay khi trận đấu kết thúc. Cha con chưa kịp gặp nhau và Phong cũng chưa có cơ hội kể với ba điều gì.
Trong các bộ phim, nhân vật chính thường chiến thắng tất cả không chỉ bởi vì sức mạnh mình sở hữu, mà còn vì một động cơ thật riêng tư từ sâu thẳm nơi trái tim. Khánh Phong cũng vậy. Chính sự hy sinh âm thầm của ba anh, bất kể anh thắng thua, đã giúp anh cảm nhận và tạo nên động lực vượt ngưỡng mọi giới hạn.
Qua câu chuyện của Khánh Phong chúng ta thấy rằng, chỉ cần ai đó biết yêu thương nhau, thì không chuyện gì là không thể.
"SEA Games trong mắt tôi" là hình ảnh kiên cường của cô gái bé nhỏ Bou Samnang trên đường chạy chung kết nội dung 5.000m
Xem thêm: mth.39861517111503202-ek-auhc-noc-ueid-iot-tam-gnort-semag-aes/nv.ertiout