Thông tin vừa được Bộ Công Thương phát đi, trên cơ sở công điện của Thủ tướng Chính phủ về chủ động triển khai các biện pháp cấp bách ứng phó với nguy cơ nắng nóng, hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn, bộ đã chủ động triển khai nhiều giải pháp.
Theo đó, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đã chủ trì buổi làm việc với Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN), Tập đoàn Công nghiệp than khoáng sản Việt Nam (TKV), Tổng công ty Đông Bắc về kế hoạch cung cấp điện và vận hành hệ thống điện quốc gia trong những tháng cao điểm nắng nóng năm 2023.
Vẫn lo miền Bắc thiếu điện gần 5.000MW mùa nắng nóng
Báo cáo tình hình vận hành hệ thống điện từ đầu năm đến nay và nhận định về tình trạng vận hành trong thời gian sắp tới, EVN cho biết việc vận hành hệ thống điện trong các tháng cao điểm nắng nóng (tháng 5, tháng 6 và tháng 7) sẽ rất khó khăn.
Đặc biệt hệ thống điện miền Bắc phải đối mặt với tình trạng không đáp ứng được phụ tải đỉnh của hệ thống với công suất thiếu hụt lớn nhất khoảng 1.600 - 4.900MW.
Trong khi đó, đại diện PVN, TKV và Tổng công ty Đông Bắc đã phát biểu cam kết tạo điều kiện tối đa để cung ứng than, khí cho phát điện nhằm đảm bảo cung cấp điện cho đất nước.
Trên cơ sở các ý kiến, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh yêu cầu: bằng mọi cách không để xảy ra thiếu điện, xem xét xử lý cá nhân, tổ chức thiếu trách nhiệm. Các đơn vị phải nghiêm túc thực hiện kế hoạch cung cấp điện, than đã được phê duyệt.
Đặc biệt, các đơn vị không được để thiếu than, thiếu nhiên liệu phục vụ cho sản xuất điện. Thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng về việc tiếp tục tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh than và cung cấp than cho sản xuất điện.
Cùng với việc tích cực, chủ động khắc phục các nguyên nhân khách quan do thời tiết, khí hậu, bộ trưởng lưu ý các đơn vị phải nghiêm túc thực hiện các giải pháp điều hành hiệu quả. Lãnh đạo bộ sẽ nghiêm túc xem xét, xử lý các cá nhân, tổ chức thiếu trách nhiệm nếu để xảy ra thiếu điện do nguyên nhân chủ quan.
Tăng cường tiết kiệm điện
Đối với EVN, ông Diên đề nghị tập trung mọi nỗ lực trong vận hành hệ thống điện, có giải pháp cấp bách, trong bất cứ hoàn cảnh nào, hệ thống điện quốc gia phải được đảm bảo, đáp ứng cho nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, nhu cầu thiết yếu của đời sống sản xuất, kinh doanh của người dân.
Đẩy mạnh việc giải tỏa công suất và tính sẵn sàng của các nhà máy điện, khẩn trương khắc phục các sự cố nguồn điện, lưới điện. Tiết kiệm mọi chi phí để phục vụ nhu cầu nhiên liệu sơ cấp phục vụ cho các nhà máy điện.
Khẩn trương đàm phán và huy động các nhà máy điện đã sẵn sàng phát điện, trong đó có các nhà máy năng lượng tái tạo chuyển tiếp nhằm tăng công suất cho hệ thống điện; đẩy nhanh việc mua bán điện với các dự án nhập khẩu điện đã ký kết, đẩy mạnh thực hiện tiết kiệm điện.
Ông Diên cho rằng việc tiết kiệm điện cần phải được coi là một giải pháp mạnh mẽ hơn nữa. Do vậy, cần đẩy mạnh truyền thông hơn nữa về việc tiết kiệm điện, nhất là với các khách hàng sử dụng điện lớn.
EVN và các đơn vị liên quan cũng cần phải có giải pháp chủ động, linh hoạt, thực hiện nghiêm túc quy định trong khai thác, huy động nguồn nước trong các hồ chứa; đảm bảo sử dụng khai thác thủy điện hiệu quả trong bối cảnh thiếu nước cho thủy điện.
Bộ trưởng cũng giao EVN, TKV chỉ đạo, đôn đốc khắc phục sự cố và sớm đưa vào vận hành các tổ máy phát điện, đảm bảo vận hành tin cậy, ổn định các nhà máy điện do tập đoàn quản lý để đảm bảo cung cấp điện toàn hệ thống.
Các đơn vị chức năng của Bộ Công Thương kiểm tra, giám sát việc thực hiện các chỉ đạo của cơ quan có thẩm quyền nhằm đảm bảo cung cấp điện, hướng dẫn các đơn vị chuẩn bị phát điện hoàn thiện các thủ tục pháp lý để khẩn trương đưa vào vận hành.
Ngành điện đang đối diện với nghịch cảnh, dự báo mùa khô năm nay miền Bắc có thể thiếu hụt gần 5.000 MW điện, trong khi có khoảng 5.000 MW điện gió, điện mặt trời đang loay hoay đàm phán giá, có nguy cơ đắp chiếu kéo dài.