"Em không ngờ Trường THPT Gia Định lại có số thí sinh đăng ký dự thi đông như vậy. Chắc em thay đổi nguyện vọng thấp hơn cho chắc ăn", N.T., học sinh lớp 9 ở quận Bình Thạnh, cho biết.
Những điều cần lưu ý
Theo Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM, năm nay tốp những trường THPT có nhiều thí sinh đăng ký nhất là các trường chuyên Lê Hồng Phong, Gia Định, Thủ Đức, Mạc Đĩnh Chi, Phú Nhuận, Trần Hưng Đạo, Hồ Thị Bi, Trần Phú, Tây Thạnh, Bình Hưng Hòa, Nguyễn Thượng Hiền, Hùng Vương...
"Tuy nhiên, những trường không có tên trong tốp chưa hẳn đã dễ đậu. Vì khi so sánh phải xét đến chỉ tiêu tuyển sinh của từng trường chứ không chỉ là số lượng thí sinh dự thi.
Cái chính là học sinh đừng chọn nguyện vọng vào trường có điểm chuẩn cao hơn năng lực học tập của mình", cô Thu Hương, giáo viên lớp 9 ở TP Thủ Đức, đưa ra lời khuyên.
Cô nói điều sai lầm nhất của học sinh là lấy điểm kiểm tra cuối học kỳ 2 rồi đối chiếu với điểm chuẩn vào lớp 10 của năm trước mà không trừ hao từ 1 - 3 điểm.
"Cách ra đề kiểm tra và chấm điểm trong trường THCS có sự chênh lệch nhất định với đề thi tuyển sinh lớp 10 của Sở Giáo dục và Đào tạo. Vì vậy, khi đối chiếu phải trừ đi ít nhất từ 1 - 3 điểm rồi mới tiến hành đăng ký nguyện vọng lớp 10".
Trong khi đó, hầu hết giáo viên chủ nhiệm lớp 9 ở quận 1, quận 3 đều cho rằng với những trường THPT nổi tiếng như Nguyễn Thượng Hiền, Nguyễn Thị Minh Khai, Gia Định, Bùi Thị Xuân, Lê Quý Đôn... thì ít nhất điểm trung bình cả năm lớp 9 ở ba môn toán, văn, ngoại ngữ của học sinh phải đạt từ 8,5 trở lên hãy dự tuyển.
Có nên thay đổi nguyện vọng?
Như vậy, câu hỏi đặt ra là học sinh có nên thay đổi nguyện vọng hay không?
"Nếu học sinh đã đăng ký nguyện vọng phù hợp với năng lực học tập của mình, có sự tư vấn kỹ càng của giáo viên chủ nhiệm thì không cần thay đổi.
Có thể bây giờ khi xem số liệu thì thấy trường A có số thí sinh đăng ký thấp, thế là học sinh ào ào đổi nguyện vọng vào trường A khiến số thí sinh tăng vọt và rất có thể điểm chuẩn ở trường A sẽ tăng cao. Mà thí sinh chỉ được đổi nguyện vọng một lần.
Sau ngày 21-5 thí sinh không được đổi nguyện vọng mà Sở Giáo dục và Đào tạo cũng không công bố số thí sinh dự thi vào từng trường nữa", hiệu trưởng một trường THCS ở quận 1, phân tích.
Ông Lê Hoài Nam, phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM, cũng đưa ra lời khuyên điều quan trọng nhất là học sinh phải xác định chính xác năng lực học tập của mình.
"Thời điểm này hầu hết các trường đều đã công bố điểm tổng kết cuối học kỳ 2 và cuối năm học cho học sinh lớp 9.
Từ kết quả này, các em hãy tham khảo thêm điểm chuẩn tuyển sinh lớp 10 của năm học trước, số liệu thí sinh đăng ký nguyện vọng 1 của năm nay rồi quyết định chọn trường THPT cho chính xác. Tránh những trường hợp đăng ký cả ba nguyện vọng vào cùng một trường; đánh giá năng lực của mình cao hơn so với thực tế hoặc chọn nguyện vọng 2 cao hơn nguyện vọng 1.
Khi chọn trường THPT, các phụ huynh và học sinh cũng nên lưu ý về khoảng cách từ nhà đến trường; về phương án giảng dạy chương trình lớp 10 mới...", ông Nam cho hay.
* Ông Võ Thiện Cang (trưởng Phòng khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục, Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM):
Điểm chuẩn phụ thuộc nhiều yếu tố
Điểm chuẩn vào lớp 10 phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố như số học sinh đăng ký dự thi, số lượng học sinh đăng ký nguyện vọng, mức độ đề thi khó hay dễ, năng lực học tập của học sinh mỗi năm.
Học sinh có thể thay đổi nguyện vọng vào lớp 10 từ nay đến hết ngày 21-5. Thí sinh sẽ làm bài thi tuyển sinh lớp 10 vào ngày 6 và 7-6. Dự kiến ngày 20-6 sở sẽ công bố điểm thi tuyển sinh lớp 10.
Hà Nội: cửa vào trường công hẹp hơn
Hà Nội đã tăng 1.000 chỉ tiêu so với năm trước và có khoảng 72.000 học sinh vào lớp 10 công lập. Nhưng con số này mới chỉ đáp ứng 55,7% so với tổng số học sinh dự tuyển.
Đây là tỉ lệ thấp nhất so với các năm trước và thấp hơn năm 2022 khoảng gần 8%. Theo Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, trong hơn 129.000 học sinh tốt nghiệp THCS, 72.000 học sinh vào lớp 10 công lập, khoảng 30.000 học sinh sẽ học các trường công lập tự chủ, trường tư thục. Số còn lại sẽ vào các trung tâm giáo dục thường xuyên, trường nghề...
Trên thực tế, nhiều trường THPT có sức hút lớn vẫn giữ chỉ tiêu giống năm trước như Phan Đình Phùng, Thăng Long, Kim Liên, Nhân Chính, Nguyễn Gia Thiều... Một số trường tốp đầu tăng chỉ tiêu như Việt Đức, Yên Hòa, Nguyễn Thị Minh Khai.
Trong năm học tới, Hà Nội cũng xây thêm một trường THPT thuộc huyện Đan Phượng với quy mô 450 học sinh. Không có sự tăng, giảm đột biến về chỉ tiêu với các trường THPT. Tuy nhiên, do học sinh tốt nghiệp THCS tăng nên cửa vào trường công lập vẫn hẹp hơn các năm trước.
Mức cạnh tranh càng trở nên căng thẳng hơn ở các trường tốp đầu. Tới 18-5, Hà Nội mới công bố số đăng ký dự tuyển và có thể tính toán được "tỉ lệ chọi" vào từng trường THPT. Nhưng theo số liệu thăm dò nhu cầu đăng ký của học sinh thì không có nhiều sự biến động lớn trong "bảng xếp hạng theo tỉ lệ chọi".
Đơn cử như Trường THPT Yên Hòa - trường luôn có điểm chuẩn đầu vào cao nhất trong khối không chuyên (không tính khối không chuyên của Trường THPT Chu Văn An) cũng là trường có tỉ lệ chọi đứng đầu thành phố trong nhiều năm.
Năm nay, theo số liệu thăm dò, Trường THPT Yên Hòa vẫn là lựa chọn số 1 của nhiều học sinh trong khu vực tuyển sinh thuộc quận Đống Đa, Cầu Giấy, Thanh Xuân (khu vực 3).
Khác với Trường THPT Yên Hòa, nhiều trường THPT tốp đầu ở khu vực tuyển sinh khác của Hà Nội trong nhiều năm liên tục không có tỉ lệ chọi cao. Đơn cử như THPT Thăng Long, Kim Liên, Trần Phú, Việt Đức, Nhân Chính, Lê Quý Đôn (Đống Đa), Lê Quý Đôn (Hà Đông), Nguyễn Gia Thiều, Nguyễn Thị Minh Khai...
Nhưng với nhóm trường này, tỉ lệ chọi không phản ánh đúng sức nóng cạnh tranh trong tuyển sinh đầu vào. Vì ở đây là cuộc đua của những học sinh có học lực khá, giỏi, cũng là những học sinh có sự đầu tư nhiều hơn cho việc ôn luyện để đạt mức điểm thi cao.
Kỳ thi tuyển vào lớp 10 Hà Nội (khối không chuyên) năm nay vẫn thi ba môn toán, ngữ văn, ngoại ngữ. Điểm xét tuyển là kết quả thi môn toán, ngữ văn nhân hệ số 2, cộng với điểm ngoại ngữ hệ số 1 và điểm ưu tiên (nếu có).
Nhìn từ dữ liệu điểm chuẩn ba năm gần nhất của Trường THPT Yên Hòa thì mức điểm trung bình mỗi môn thi vào lớp 10 nhích dần từ 7,8 điểm/môn (năm 2020) lên 8,25 điểm/môn (năm 2021) và lên đến 9,1 điểm/môn (năm 2022).
Đây là trường vừa có tỉ lệ chọi cao, vừa tập trung chủ yếu học sinh có học lực khá, giỏi dự thi. Cuộc cạnh tranh vào ngôi trường này năm nay dự đoán vẫn không giảm nên để chắc chắn thi đỗ, thí sinh phải đạt điểm 9/môn thi...
"Tăng nhiệt"
Theo hiệu trưởng các trường THPT, điểm chuẩn biến động hay không lệ thuộc vào đề thi. Trong 5 năm qua, điểm chuẩn của các nhóm trường ở Hà Nội tăng giảm đều chỉ dao động khoảng 0,5 - 1,5 điểm.
Trừ khi có đột biến (đề thi, đáp án thi có sự thay đổi lớn, dẫn tới mặt bằng điểm thi có biến động mạnh) thì điểm chuẩn mới thay đổi lớn. Nhưng dù biết trước độ khó khi đăng ký vào nhóm trường tốp đầu, nhiều phụ huynh vẫn đặt kỳ vọng cao.
Trong ba nguyện vọng công lập, hầu hết học sinh có học lực khá trở lên đều đăng ký vào một trường công lập tốp đầu. Điều này khiến sức nóng ở nhóm trường này "tăng nhiệt".
VĨNH HÀ
Năm nay TP.HCM có 109.000 học sinh lớp 9 dự kiến tốt nghiệp THCS. Trong đó có 12.920 học sinh không đăng ký thi vào lớp 10 công lập.
Xem thêm: mth.85894139041503202-01-pol-oav-taus-hnart-gnaht-gnac/nv.ertiout