Mặc dù mang hình hài là nam nhưng nhận thấy bản thân mình muốn trở thành một người nữ, tám năm trước "chị" H.M. (41 tuổi, ngụ tại TP.HCM) đã quyết định ra nước ngoài để phẫu thuật chuyển giới từ nam sang nữ.
Thế nhưng từ đây, chị M. đang phải đối diện với các rắc rối về giấy tờ tùy thân, vấn đề quyền lợi cơ bản nhất của một công dân mà trước khi tiến hành phẫu thuật chị chưa hình dung hết.
Gặp khó ngay ở cửa khẩu
Đoạn trường ấy thậm chí bắt đầu từ cửa khẩu. Theo lời kể của chị M., khi xuất cảnh thì khá dễ dàng vì tên, tuổi, giới tính đúng với giấy tờ. Nhưng khi nhập cảnh thì hình dạng hiện tại và giới tính trên giấy tờ không trùng khớp.
Chị M. phải chờ cơ quan chức năng xác minh trong vòng 24 giờ rồi mới thở phào là được nhập cảnh.
"Năm 2017, tức sau hai năm chuyển giới, tôi chỉnh lại được giới tính và tên trên chứng minh nhân dân. Nhưng lại gặp rất nhiều bất lợi về quyền của công dân như đăng ký kết hôn, mất quyền lợi khi phân chia tài sản bởi giấy khai sinh không thể thay đổi được", chị M. kể lại.
Anh Mai Như Thiên Ân (30 tuổi), người điều hành Tổ chức FTM Vietnam - cộng đồng dành cho những người nữ chuyển giới thành nam, cũng kể về khó khăn với lực lượng kiểm soát nhập cảnh ở sân bay.
Sau khi dùng hormone chuyển giới, gương mặt anh thay đổi so với trước đây. Có lần, anh bị động chạm cơ thể để kiểm tra, rồi đưa vào phòng riêng làm việc.
Nhưng may mắn là người nhân viên hải quan trong phòng lại rất lịch sự, cởi mở nên cảm xúc của anh cũng được xoa dịu.
Còn anh H.K. (24 tuổi, ngụ ở Hà Nội) cho hay bản thân muốn trở thành một người nữ. Đến nay K. chưa phẫu thuật chuyển giới nhưng khát khao trở thành một người nữ luôn cháy bỏng.
Từ lúc nhận thấy bản thân mình muốn trở thành một người nữ, từ phong cách ăn mặc tới cách trang điểm, K. luôn bộc lộ rõ để hình thành thói quen là nữ.
"Chính việc không có ranh giới giữa nam và nữ đã khiến tôi gặp không ít rắc rối trong các hoạt động giao lưu xã hội, kết bạn, phải chịu đựng lời ra tiếng vào của những người xung quanh. Mỗi lần đi máy bay, tôi đều phải đến sân bay thật sớm để làm các thủ tục nhận diện vì vẻ ngoài rất khác trên giấy tờ", K. tâm sự.
Khi nghe đề xuất xây dựng Luật Chuyển đổi giới tính cho phép một người được công nhận giới tính mới một lần trong đời, K. rất vui mừng. Sắp tới khi quy định rõ ràng, K. sẵn sàng đến các cơ sở y tế để can thiệp phẫu thuật, bắt đầu hoàn toàn một cuộc sống mới.
"Đề xuất người dân được công nhận giới tính mới một lần trong đời là phù hợp. Điều này yêu cầu người chuyển giới phải chắc chắn về giới tính của mình, bên cạnh đó đảm bảo không có sự xáo trộn xã hội.
Tuy nhiên, vấn đề phải can thiệp y khoa mới được công nhận là chuyển giới thì cần phải xem xét lại, bởi có rất nhiều trường hợp không nhất thiết phải phẫu thuật", K. nêu lên nỗi băn khoăn.
Có cần quy định "phải có can thiệp y học"?
Mặc dù là một người nữ, tuy nhiên T.N. (27 tuổi, ngụ quận Gò Vấp, TP.HCM) lại nhận ra rằng bản thân mình muốn trở thành một người nam. Hiện tại N. cho biết mình và một bạn nữ đang tiếp tục mối quan hệ yêu đương, tuy nhiên để thay đổi giới tính trên giấy tờ đã khiến N. gặp rất nhiều rắc rối.
"Mình nhận thấy bản thân mình muốn trở thành một người đàn ông trong gia đình để gánh vác, chia sẻ công việc. Mọi người trong gia đình phần lớn đều đã ủng hộ hai đứa tiến tới hôn nhân. Nhưng chỉ có thể đổi tên theo ý muốn, còn việc đổi giới tính trên các giấy tờ rất khó bởi các quy định pháp lý hiện nay", N. chỉ ra những khó khăn thực trong cuộc sống.
Bản thân rất ủng hộ việc công dân được chuyển đổi giới tính một lần trong đời, N. cho rằng đây là một tư duy mới, hợp thời đại và rất có lợi cho người chuyển giới. N. tin rằng chỉ bằng cách này mới có thể hợp thức hóa hình thức bên ngoài và bên trong của một con người, cuộc sống của họ cũng sẽ thuận lợi hơn rất nhiều.
Bên cạnh đó, N. cũng cho biết vấn đề để chuyển đổi giới tính cần phải có sự can thiệp y học mới được công nhận cần phải nghiên cứu lại. Bởi người chuyển giới không nhất thiết phải phẫu thuật, họ là nam hay nữ phụ thuộc vào suy nghĩ và xu hướng tính dục, không phụ thuộc vào vẻ bề ngoài.
"Tôi chuyển giới từ nữ sang nam nhưng không làm phẫu thuật cắt ngực, tạo dương vật vì tôi yêu cơ thể mình, tôi trân trọng những gì ba mẹ đã tạo ra cho tôi. Chưa kể, để phẫu thuật chuyển giới phải mất một khoản chi phí lớn mà không phải ai cũng có điều kiện để làm điều đó. Tiếp theo, khi đã phẫu thuật phải thông qua một tổ chức để xác định rằng người này đã chuyển giới, điều này là không cần thiết và bất tiện", N. phân tích.
Sáng 12-5, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thảo luận, cho ý kiến về tờ trình xây dựng Luật Chuyển đổi giới tính do đại biểu Quốc hội Nguyễn Anh Trí (đoàn Hà Nội) đề xuất.
Trình bày báo cáo tóm tắt tờ trình, đại biểu Nguyễn Anh Trí cho biết sau khi tiếp thu ý kiến từ phiên họp hồi tháng 4, ông nhận thấy cần điều chỉnh tên gọi từ Luật Bản dạng giới thành Luật Chuyển đổi giới tính.
Việc đổi tên luật nhằm phản ánh chính xác phạm vi, bản chất đối tượng điều chỉnh của đề nghị xây dựng luật. Cùng với đó, hồ sơ dự thảo luật đã được điều chỉnh cơ bản ở bốn nhóm vấn đề, thay đổi khoảng 60% so với hồ sơ cũ.
72
Đó là số quốc gia đã thừa nhận quyền thay đổi giới tính hợp pháp. Có 45/72 quốc gia cho phép chuyển đổi giới tính mà không cần phải phẫu thuật; độ tuổi được phép chuyển đổi giới tính phổ biến từ 16 - 18.
* TS Nguyễn Huy Quang - nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế, nguyên tổ trưởng Tổ biên tập dự án Luật Chuyển đổi đổi giới tính do Bộ Y tế chủ trì xây dựng:
Mở cơ hội cho người chuyển giới "sống thật"
Điều 37 của Bộ Luật dân sự 2015 đã xác định quyền chuyển đổi giới tính là quyền của công dân, quyền đã được luật hóa, nhưng muốn thực hiện được quyền này phải có Luật Chuyển đổi giới tính riêng mà trước đây Bộ Y tế đã chủ trì xây dựng, đã hoàn tất dự thảo, hiện như tôi được biết đang được giao cho một cơ quan tương đương xem xét, bổ sung trước khi trình.
Khi có Luật Chuyển đổi giới tính và người chuyển giới được công nhận bản dạng giới mới thì những người đã chuyển giới, người có mong muốn chuyển giới mới thật sự có quyền công dân ở giới tính thật của họ, đáp ứng quyền nhân thân đã quy định trong luật.
Từ trước đến nay khi chưa có luật, người đã chuyển giới được thỏa mãn quyền cá nhân nhưng ở phương diện pháp luật là chưa.
Những ví dụ nhỏ nhưng thực tế là vấn đề không nhỏ như ngoại hình họ là nữ nhưng tên trên các giấy tờ vẫn là nam hay ngược lại, mỗi khi họ đi máy bay, sử dụng giấy tờ tùy thân đều phải "giải thích", phải có xác nhận kèm theo, đó là bất tiện đối với họ.
* Số lượng người đã chuyển giới và gặp các bất tiện này hiện có lớn không, thưa ông?
- Chưa có nghiên cứu nào đánh giá số lượng người đã chuyển đổi giới tính nhưng từ thực tế cho thấy số này khá lớn.
Rất nhiều người đã và đang phải sang Thái Lan phẫu thuật, điều trị nội tiết, nhưng khi về lại Việt Nam do chưa có luật nên không có bác sĩ theo dõi trong quá trình điều trị nội tiết, phải mua hormone qua đường "xách tay".
Có trường hợp biến chứng hoặc mua phải sản phẩm không đảm bảo, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và tính mạng.
Về quyền thừa kế tài sản thì thực tế họ vẫn được kế thừa, nhưng ngoại hình một đường giấy tờ một nẻo, nên họ luôn có cảm giác "không danh chính ngôn thuận", cuộc sống vì thế bị ảnh hưởng chất lượng.
* Kinh nghiệm của các nước về chuyển đổi giới tính ra sao, thưa ông?
- Trong quá trình xây dựng dự thảo luật, tôi đã gặp và ấn tượng về hành trình chuyển giới và trí tuệ của nhiều người chuyển đổi giới tính.
hải thực sự mong mỏi bản dạng giới đúng với "giới tính thật" họ mới sẵn sàng chịu đau đớn, bị ảnh hưởng về quyền nhân thân, tốn kém thời gian và sức lực trong suốt quá trình điều trị.
Nhiều nước khác cũng đã có Luật Chuyển đổi giới tính hoặc là một điều trong luật nhưng quy định rõ ràng việc này. Tất nhiên chuyển đổi giới tính là một quyết định quan trọng của mỗi người.
Luật sẽ quy định rõ nếu một người có mong muốn chuyển giới thì sẽ có hội đồng xác định giới tính bề ngoài và bản dạng giới thực tế của họ trước khi cho phép chuyển đổi, tránh những việc chuyển rồi lại muốn... chuyển lại, rắc rối cho họ và cả cho chính sách.
LAN ANH thực hiện
* Bác sĩ Tiêu Thị Thu Vân (chủ tịch Hội Phòng chống HIV/AIDS TP.HCM):
Phải quy định rõ cơ sở phẫu thuật chuyển đổi giới tính
Hiện nay không ít người chuyển giới mong muốn được can thiệp y khoa.
Đến thời điểm hiện tại, việc để công dân được thay đổi giới tính một lần là đã phù hợp, rất ít trường hợp chuyển đổi giới tính nhiều lần.
Đối với quy định, bắt buộc phải can thiệp y khoa mới được công nhận chuyển đổi giới tính cần phải có quy định rõ danh sách những cơ sở y tế được phép can thiệp và làm giấy chứng nhận cho người chuyển giới thành công.
Trong can thiệp y khoa phải quy định rõ, trường hợp nào can thiệp bằng phẫu thuật, trường hợp nào sẽ phải can thiệp bằng thuốc, nội tiết tố để chuyển đổi giới tính.
* Anh Mai Như Thiên Ân (điều hành Tổ chức FTM Vietnam, cộng đồng dành cho những người nữ chuyển giới thành nam):
Bị dè bỉu, không dám cầu hôn bạn gái
Tôi luôn tự tin và tự hào vì giới tính của mình. Thế nhưng, trong cuộc sống thường ngày, tôi nhiều lần bị phân biệt đối xử, miệt thị làm tôi buồn và tổn thương.
Như cách đây hai năm, khi đi phỏng vấn xin việc, tôi bị nhóm tuyển dụng đoán có phải "pê đê" không. Khi biết tôi là người chuyển giới, họ ồ lên cười và đuổi tôi về, không nhận vào làm việc.
Một lần khác, phải vào bệnh viện cấp cứu, tôi thấy rất buồn và bất bình khi các bác sĩ và y tá cười về giới tính của tôi ngay sau tấm rèm của phòng cấp cứu.
Hiện người chuyển giới như tôi không chỉ gặp khó ở chuyện kết hôn, mà còn chịu thiệt thòi vì khó được công nhận là cha của con mình. Hiện nay, có nhiều cặp chuyển giới quyết định thụ tinh ống nghiệm để có con và nuôi con cùng nhau, nhưng trên giấy tờ đứa con chỉ gắn với người mẹ.
* Chị Tô Ngọc Bảo Linh (25 tuổi, ca sĩ Lynk Lee):
Bị người khác giới khám cơ thể
Tôi rất vui khi biết về những chủ trương trong dự Luật Chuyển đổi giới tính. Là một nghệ sĩ, tôi thường có công việc tại nước ngoài.
Nhưng giới tính trên hộ chiếu vẫn là giới tính cũ nên tôi thường bị tra hỏi nhiều và mất thời gian giải trình ở cửa khẩu.
Đôi khi, tôi còn bị giữ lại xem xét rồi mới cho nhập cảnh.
Như lần sang Hàn Quốc, tôi bị giữ lại ở sân bay để hỏi và giải trình.
Cuối cùng, một người bạn ở Hàn đã xác nhận tôi là nghệ sĩ chuyển giới, đến Hàn Quốc để làm đẹp và đại diện quảng bá cho một bệnh viện thẩm mỹ Hàn Quốc.
Lúc đó người ta mới hiểu và ghi chú lại để lần sau tôi có nhập cảnh cũng sẽ không xem xét nhiều.
Khi đi khám sức khỏe, tôi rất ngại khi bị đọc tên nam giới trên giấy tờ và đôi khi người khám cơ thể lại là một bác sĩ nam. Những người tỏ ý kỳ thị thì thường lôi lý do giới tính trên giấy tờ ra để công kích tôi.
THU HIẾN - MI LY ghi
Đây là một trong những điểm mới đặt ra trong dự luật chuyển đổi giới tính được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận cho ý kiến hôm qua 12-5.
Xem thêm: mth.16570619041503202-ioig-neyuhc-iougn-auc-ot-yaig-taht-tun-og/nv.ertiout