Theo nhận định của Shoumik Malhotra, chuyên gia nghiên cứu tại Trung tâm Nghiên cứu Biên giới, Đại học Toàn cầu OP Jindal (Ấn Độ), giao dịch bằng tiền địa phương (đồng tiền riêng của quốc gia) hiện là một thông lệ trong nền kinh tế thế giới. Thương mại tiền tệ địa phương (LCT) đã phát triển đến mức các hiệp định LCT song phương giữa nhiều quốc gia ngày càng phổ biến rộng rãi. Đặc biệt sau đại dịch COVID-19 và cuộc xung đột ở Ukraine, một số quốc gia vừa và nhỏ đã tích cực tham gia LCT.
Nga và Bangladesh gần đây đã công bố ý định hoàn trả các khoản thanh toán bằng đồng Nhân dân tệ để vượt qua những thách thức do lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Moskva. Trước đó, Bangladesh và Ấn Độ đã ký một thỏa thuận LCT để tiến hành giao dịch dựa trên đồng rupee. LCT hiện được ưa chuộng ở nhiều quốc gia ở phía Đông, không chỉ Bangladesh, Ấn Độ và Nga. Ngoài ra, có những đề xuất về việc tạo ra một loại tiền tệ mới để thay thế giao dịch bằng đô la Mỹ (USD). Vậy lý do đằng sau việc tăng tốc phi USD hóa này là gì?
Thuật ngữ “phi USD hóa” đề cập đến quá trình chuyển đổi khỏi việc sử dụng đồng USD trong thương mại quốc tế. Để giảm rủi ro và tính dễ bị tổn thương trong các giao dịch, đồng USD thường được sử dụng cho thương mại quốc tế. Ngoài ra, đó là vì uy thế vượt trội của Mỹ về quyền lực mềm và sức mạnh kinh tế trên thế giới.
Phi USD hóa là một chiến lược từng được các quốc gia sử dụng để thách thức vị thế thống trị của đồng đô la Mỹ. Tuy nhiên, trong giai đoạn hậu COVID-19, dự trữ ngoại hối biến động và cuộc khủng hoảng toàn cầu là một trong những nguyên nhân chính thúc đẩy quá trình phi USD hiện nay. Ngoài ra, sự cạnh tranh địa chính trị và niềm tin vào đồng USD đang suy giảm cũng là những yếu tố góp phần vào quá trình này ở thời điểm hiện tại.
Các biện pháp phi USD hóa
LCT là một cách tiếp cận phi đô la hóa phổ biến. LCT đề cập đến giao dịch bằng đồng nội tệ xuyên biên giới. Tại đây, tiền tệ được chuyển đổi trực tiếp dựa trên tỷ giá hối đoái của chúng. Hiệp định thương mại dựa trên đồng rupee giữa Bangladesh và Ấn Độ là một ví dụ về LCT. Ấn Độ hiện có thỏa thuận LCT với 19 quốc gia.
Ngoài LCT, trao đổi bằng đồng tiền thứ ba hiện là một biện pháp khác của quá trình phi USD. Một ví dụ là việc trả nợ giữa Bangladesh và Nga bằng Nhân dân tệ của Trung Quốc. Bangladesh và Nga đã quyết định sử dụng đồng Nhân dân tệ để giải quyết các khoản vay nhằm lách các lệnh trừng phạt của Mỹ đối với việc Nga, đặc biệt sau khi Moskva bị loại khỏi Hiệp hội Viễn thông tài chính liên ngân hàng toàn cầu (SWIFT).
Hiện có 60 quốc gia đang tham gia giao dịch bằng các loại tiền tệ tương ứng của họ. Quá trình này cũng được thực hiện bởi một số đồng minh lâu năm của Mỹ. Ví dụ, Saudi Arabia đã bắt đầu chấp nhận đồng Nhân dân tệ trong giao dịch dầu mỏ. Các quốc gia vùng Vịnh khác cũng đang xem xét việc cho phép sử dụng đồng Nhân dân tệ trong giao dịch dầu mỏ. Trước đây, dầu chỉ được bán bởi các quốc gia vùng Vịnh bằng đồng đô la Mỹ. Brazil và Trung Quốc gần đây cũng đã công bố kế hoạch giao dịch bằng Nhân dân tệ.
Ý tưởng tạo ra một loại tiền tệ mới là một sáng kiến đáng chú ý khác trong quá trình phi USD đang diễn ra. Để tạo thuận lợi cho thương mại giữa các thành viên, BRICS đã và đang nỗ lực đưa ra một loại tiền tệ mới. BRICS hiện chiếm 41% dân số toàn cầu và 31,5% GDP toàn cầu. Để giảm sự phụ thuộc vào đồng USD, Indonesia cũng đang áp dụng mô hình của BRICS.
Ngoài ra, một loại tiền tệ mới được gọi là “sur” đã được áp dụng ban đầu ở Mỹ Latinh. Brazil và Argentina, hai gã khổng lồ Mỹ Latinh, muốn bắt đầu sử dụng đồng tiền này trong thương mại song phương để giảm sự phụ thuộc vào đồng USD.
Lý do các nước đang rời xa đồng USD
Phi USD hóa một quá trình lâu dài trong suốt 20 năm qua với tỷ lệ dự trữ toàn cầu bằng USD ngày càng giảm dần. Theo Bloomberg, tỷ lệ USD trong dự trữ ngoại hối quốc tế đã giảm từ 73% năm 2001 xuống 58% vào năm 2023. Theo phân tích sâu hơn, tỷ lệ dự trữ ngoại hối đã giảm 11% kể từ năm 2016. Và trong số 11% này, 8 % chỉ diễn ra trong 2022.
Trong khi tỷ lệ của đồng USD trong dự trữ toàn cầu đang giảm, tỷ lệ dự trữ của đồng Nhân dân tệ đang dần tăng lên và hiện đứng thứ năm trên thế giới. Đồng Nhân dân tệ đã vượt qua đồng Euro để trở thành ngoại tệ lớn thứ hai của Brazil trong dự trữ ngoại hối, đây là một trong những kết quả chính đằng sau thỏa thuận LCT của họ. Ngoài ra, nhiều quốc gia bắt đầu cho rằng đồng Nhân dân tệ đang trở thành loại tiền tệ đáng tin cậy. Do đó, nhiều quốc gia đang chọn Nhân dân tệ thay vì đồng USD vì sử dụng đồng tiền của Trung Quốc trong thương mại quốc tế cũng giúp họ giữ cân bằng dự trữ ngoại hối.
Bên cạnh đó, Mỹ đã và đang tận dụng hệ thống tài chính của mình để gây áp lưc với các đối thủ địa chính trị, đặc biệt là trong các cuộc cạnh tranh với Trung Quốc và Nga. Việc "vũ khí hóa" tiền tệ này đang làm xói mòn lòng tin quốc tế. Việc sử dụng đồng USD với mục đích địa chính trị đang khiến Trung Quốc và Nga lo lắng. Minh chứng cho điều này là việc Nga bị loại khỏi SWIFT đang gây khó khăn cho việc kinh doanh với các quốc gia khác.
Các hành động đơn phương của chính quyền Mỹ liên quan đến đồng USD càng làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng đồng USD hiện nay trên thị trường toàn cầu. Mỹ tăng lãi suất 8 lần trong năm qua khiến tỷ giá hối đoái tăng cao đã ảnh hưởng đến những người sử dụng đồng USD trên toàn thế giới.
Tuy nhiên, bên cạnh các vấn đề về địa chính trị và niềm tin, quá trình phi USD còn được thúc đẩy bởi tỷ giá hối đoái cao và giảm dự trữ ngoại hối ở các quốc gia đang phát triển, khi các nền kinh tế đang gặp khó khăn trong thời kỳ hậu COVID-19 và trong bối cảnh xung đột Nga-Ukraine. Họ đang chuyển sang LCT để bảo toàn số USD khó kiếm được của mình nhằm sẵn sàng ứng phó tình trạng khó khăn trong tương lai.
Ngoài ra, các quốc gia này cũng phụ thuộc vào cả Nga và Trung Quốc. Do đó, họ không thể dễ dàng từ bỏ quan hệ thương mại với các đối thủ cạnh tranh trên của Mỹ. Họ đang sử dụng LCT hoặc nhân dân tệ để duy trì các liên kết thương mại này. Ví dụ, trong khi Bangladesh theo đuổi chính sách đối ngoại trung lập và cân bằng đối với các quốc gia lớn, nước này phải trả tiền cho một dự án hạt nhân trị giá 12 tỷ USD hợp tác với Nga. Vì thế, Bangladesh và Nga đang dùng đến đồng Nhân dân tệ để tránh các rắc rối liên quan đến lệnh trừng phạt. Điều tương tự cũng xảy ra với Brazil, vì nước này dự định sử dụng nguồn nhân dân tệ dự trữ của mình.
Tóm lại, chuyên gia Malhotra cho rằng mặc dù thị phần của đồng USD trong ngoại hối toàn cầu đang giảm, nhưng USD vẫn chiếm thị phần lớn nhất trên thị trường với 58% và hiện không có đối thủ cạnh tranh nổi bật. Đối thủ cạnh tranh gần nhất, đồng euro cũng chỉ có 20% thị phần. Tuy nhiên, với ý tưởng đưa ra các loại tiền tệ mới, giao dịch bằng đồng Nhân dân tệ đang dần tăng lên và LCT cũng đang mở rộng, đây có thể được coi là sự "khởi đầu" của quá trình phi USD hóa ngày càng tăng.
Xem thêm: nhc.169836071815032881-aoh-dsu-ihp-cot-gnat-gnad-aig-couq-cac-oas-iat/nv.fefac