Thông tin này được ông Akio Yoshida, Chủ tịch điều hành Tập đoàn AEON cho biết tại buổi gặp Thủ tướng Phạm Minh Chính ngày 20/5, nhân dịp tham dự Hội nghị thượng đỉnh G7 mở rộng tại Hiroshima, Nhật Bản.
Theo ông Akio Yoshida, AEON hiện có 6 trung tâm thương mại tại Việt Nam, tập trung ở các thành phố lớn như Hà Nội, Hải Phòng và TP HCM. Dự kiến một trung tâm thương mại tại Huế sẽ được mở vào năm sau.
Đến nay, tập đoàn này đã rót hơn 1,18 tỷ USD vào Việt Nam, là số vốn lớn nhất AEON đầu tư trên thế giới.
Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng Việt Nam có các yếu tố nền tảng mà các nhà đầu tư Nhật như AEON có thể mở rộng kinh doanh, như tiêu dùng được xác định là một động lực tăng trưởng. Với thị trường hơn 100 triệu dân, dân số trẻ và số người trung lưu ngày càng tăng, Việt Nam phấn đấu đến 2030 trở thành các nước có thu nhập trung bình cao.
Hàng hóa Nhật Bản được người dân Việt Nam ưa chuộng, trong khi hàng Việt phong phú với các thế mạnh về lương thực, thực phẩm, dệt may, da giày và đang được xanh hóa, phù hợp xu thế tiêu dùng mới của thế giới.
Thủ tướng đề nghị AEON - tập đoàn bán lẻ hàng đầu Nhật Bản - chọn Việt Nam là cứ điểm kinh doanh trên thế giới, như đầu tư thêm các trung tâm thương mại và các khu outlet kết hợp mua sắm, giải trí tại các thành phố lớn, trung tâm du lịch của Việt Nam.
Ông cũng đề nghị AEON tăng nhập khẩu, đưa hàng Việt vào chuỗi cung ứng toàn cầu của tập đoàn này, nhất là các mặt hàng da giầy, thủy hải sản, lương thực, thực phẩm.
"Việt Nam đang xây dựng thương hiệu cho sản phẩm, đầu tư dịch vụ logistics đồng bộ, tạo điều kiện thuận lợi, giảm giá thành cho các sản phẩm", Thủ tướng nói.
Trước đề nghị của Thủ tướng, ông Akio Yoshida cho biết, tập đoàn này đang có kế hoạch sẽ mở thêm 20 trung tâm thương mại tại Việt Nam, tập trung vào kinh doanh siêu thị, trung tâm giải trí và tăng nhập hàng Việt để phân phối tại hơn 20.000 trung tâm thương mại tại Nhật Bản. AEON sẽ dành các suất học bổng hỗ trợ Việt Nam về đào tạo nhân lực.
Cùng ngày, tiếp lãnh đạo Tập đoàn Mitsui – thành viên liên doanh các nhà đầu tư dự án khí Lô B – Ô Môn, Thủ tướng Phạm Minh Chính bày tỏ tiếc nuối khi dự án khí Lô B này bị đình trệ nhiều năm, đối tác trong liên doanh chuyển hướng đầu tư, nhưng Mitsui vẫn kiên trì theo đuổi dự án.
Ông Hirotaka Hamamoto, Chủ tịch Công ty Thăm dò và khai thác dầu khí Mitsui, đề nghị Thủ tướng chỉ đạo giải quyết các vướng mắc để hoàn thiện đàm phán, ký hợp đồng mua bán, vận chuyển, tiêu thụ khí, nhằm triển khai thi công dự án từ tháng 6/2023. Dự án này đưa ra mục tiêu có dòng khí đầu tiên (first gas) vào quý IV/2026.
Dự án khí lô B - một trong các dự án trọng điểm cung ứng khí cho sản xuất điện phía Nam - đã nhiều năm bị đình trệ. Thủ tướng cho biết, hai năm qua Chính phủ đã đốc thúc giải quyết vướng mắc của dự án này, nhưng triển khai ở các bộ, ngành có độ trễ. Ông khẳng định các vướng mắc của dự án sẽ được giải quyết trong thời gian ngắn tới đây và hy vọng dòng khí lô B sớm được khai thác để phục vụ các nhà máy điện tại Ô Môn (Cần Thơ).
Ông cũng đề nghị Mitsui tiếp tục hợp tác đầu tư tại Việt Nam, nhất là trong lĩnh vực phát triển năng lượng xanh để đạt mục tiêu giảm phát thải bằng 0 vào năm 2050.
Dự án phát triển mỏ khí lô B được dự tính có trữ lượng khí thu hồi ước tính 107 tỷ m3 trong 20 năm, tổng chi phí hơn 11 tỷ USD và cấp khí cho các nhà máy điện tại khu vực Kiên Giang và Ô Môn (Cần Thơ).
Thủ tướng Phạm Minh Chính tới Nhật tham dự Hội nghị thượng đỉnh G7 mở rộng lần thứ 49 từ ngày 20-21/5. Đây là lần thứ ba Việt Nam tham dự hội nghị này và là lần thứ hai dự theo lời mời của Nhật Bản. Năm nay, Việt Nam là một trong hai nước Đông Nam Á được Nhật Bản mời, bên cạnh Indonesia.
Hội nghị thượng đỉnh G7 mở rộng lần thứ 49 nằm trong khuôn khổ Hội nghị thượng đỉnh G7 ngày 19-22/5. G7 gồm các quốc gia công nghiệp tiên tiến Mỹ, Anh, Pháp, Đức, Nhật Bản, Canada và Italy, đóng vai trò quan trọng trong định hình và củng cố cấu trúc, quản trị toàn cầu.
Hoài Thu