- Đồng chí Trương Hòa Bình viếng lễ tang Hòa thượng Thích Thiện Duyên
- Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình kiểm tra công tác bầu cử ở Vĩnh Long
- Đồng chí Trương Hòa Bình tặng quà cho trẻ em khuyết tật tỉnh Quảng Ngãi
Cùng đi có Thiếu tướng Lê Tấn Tới, Thứ trưởng Bộ Công an; Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Long An Nguyễn Văn Được; đại diện các ban, ngành của tỉnh Long An.
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình tại Khu Di tích lịch sử Cách mạng tỉnh Long An. Ảnh: VGP/Mạnh Hùng. |
Khu Di tích lịch sử Cách mạng tỉnh Long An hay còn gọi là Khu Di tích lịch sử Bình Thành, nằm tại xã Bình Hòa Hưng, huyện Đức Huệ, tỉnh Long An. Toàn khu có diện tích 98,25 ha với các hạng mục đền tưởng niệm, nhà khách - nhà truyền thống, một số cụm di tích gốc,… Đây là vùng đất trũng, nằm giữa hai con sông Vàm Cỏ Đông và Vàm Cỏ Tây, địa hình hiểm trở, tiếp giáp giữa miền Đông và Tây Nam Bộ, gần với biên giới nước bạn Campuchia.
Trong 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, Khu Di tích được mệnh danh là "căn cứ của lòng dân", từng là căn cứ của Tỉnh ủy Chợ Lớn và Khu 7 với tên gọi “Quân khu Đông Thành”. Sau Hiệp định Geneva năm 1954, một số cán bộ, đảng viên 2 tỉnh Tân An, Chợ Lớn rút lên Bình Thành, thành lập Bộ Tư lệnh Trung Nam Bộ. Tháng 8/1957, Xứ ủy thành lập tỉnh Long An trên cơ sở sáp nhập 2 tỉnh Tân An, Chợ Lớn.
Nơi đây, Tỉnh ủy Long An trong những năm kháng chiến đã kiên trì bám trụ, chịu bao gian lao, thử thách cùng nhân dân góp phần tạo nên truyền thống cao quý “Trung dũng kiên cường, toàn dân đánh giặc”.
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình cùng các thành viên trong Đoàn thắp hương viếng các anh hùng, liệt sĩ tại tại Đền Tổ quốc ghi công, Khu Di tích lịch sử Cách mạng tỉnh Long An. Ảnh: VGP/Mạnh Hùng. |
Năm 1998, Khu Di tích lịch sử Cách mạng tỉnh Long An được Bộ Văn hóa-Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) xếp hạng di tích lịch sử cấp Quốc gia.
Tại đây, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đã dâng hương tưởng niệm tại Đền Tổ quốc ghi công, tham quan Nhà trưng bày của khu di tích.
Tiếp đó, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình cùng các thành viên trong Đoàn đã đến dâng hương tại Di tích lịch sử Ngã tư Đức Hòa.
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình thắp hương tại Tượng đài đồng chí Võ Văn Tần, trong khuôn viên Khu Di tích lịch sử Ngã tư Đức Hòa. Ảnh: VGP/Mạnh Hùng. |
Di tích lịch sử Ngã tư Đức Hòa, thuộc khu phố 3, thị trấn Đức Hòa, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An. Nơi đây, vào ngày 4/6/1930, đồng chí Châu Văn Liêm, Bí thư liên tỉnh Gia Định-Chợ Lớn và đồng chí Võ Văn Tần, Bí thư Quận ủy Đức Hòa lãnh đạo hơn 5.000 nông dân Đức Hòa tập trung trước dinh quận trưởng đấu tranh chống sưu cao thuế nặng, chống đàn áp. Cuộc biểu tình bị đàn áp đẫm máu, đồng chí Châu Văn Liêm cùng nhiều đồng bào, đồng chí khác đã hy sinh.
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình, các thành viên trong Đoàn và cán bộ, nhân viên Khu Di tích lịch sử Ngã tư Đức Hòa. Ảnh: VGP/Mạnh Hùng. |
Năm 1989, Di tích lịch sử Ngã tư Đức Hòa đã được Bộ Văn hóa-Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) xếp hạng di tích lịch sử cấp Quốc gia. Hiện nhiều hạng mục của khu di tích như tượng đài đồng chí Võ Văn Tần cao 10 m, khu công viên, phù điêu tái hiện cuộc biểu tình ngày 4/6/1930, phòng trưng bày, đài xử bắn và các di tích gốc như nhà dinh quận Đức Hòa, hệ thống lô cốt… đã được đầu tư, tôn tạo.