Ngày 26/4, đơn kiện được gửi đến tòa án hạt Orange, bang Florida. Nguyên đơn vụ kiện là một số sông suối tại hạt Orange, gồm nhánh sông Wilde Cypress, nhánh sông Boggy, đầm lầy Crosby Island, hồ Hart, và hồ Mary Jane, The Guardian đưa tin ngày 1/5.
Đây được cho là vụ kiện đầu tiên tại Mỹ được khởi xướng căn cứ theo luật "quyền của giới tự nhiên" – tên gọi chung của dạng chế định công nhận các thực thể tự nhiên như sông suối và rừng cây cũng có quyền lợi pháp lý như con người.
Trước đó, tháng 11/2020, chính quyền hạt Orange thông qua luật "quyền của giới tự nhiên" của hạt này. Theo đó, hệ thống đường thủy tại đây được đảm bảo quyền tồn tại mà không bị ô nhiễm. Ngoài ra, công dân hạt Orange có quyền khởi kiện thay cho sông suối để đảm bảo thực thi quy định của đạo luật trên.
Đơn kiện ngày 26/4 cho rằng dự án phát triển nhà ở rộng 768 ha của công ty trách nhiệm hữu hạn Beachline South Residential (BSR) sẽ làm ô nhiễm hơn 25 ha đầm lầy và 13 ha sông suối gần đó. Dự án trên còn bị cho là sẽ phá hủy hệ thống sông hồ trong khu vực và xâm phạm quyền được dùng nước sạch của người dân do chất thải ô nhiễm từ các công trình được xây mới.
Qua đó, đơn kiện yêu cầu tòa án buộc chính quyền không cấp phép cho dự án bất động sản của BSR để bảo vệ quyền lợi của sông suối.
"Hệ thống sông hồ của chúng tôi cùng những động vật hoang dã trú ngụ trong đó đã lần lượt bị phá hủy bởi những khu ngoại ô có quy hoạch yếu kém.", Chuck O’Neal, chủ tịch nhóm chiến dịch "Speak Up Wekiva" – tổ chức sẽ đại diện sông suối hạt Orange trước tòa, trả lời The Guardian.
"Chúng từng phải chịu đựng trong im lặng, cho tới bây giờ", ông O’Neal nói. Ông hy vọng tòa án sẽ "vượt khỏi giới hạn tư duy thông thường" trong lúc cân nhắc đơn kiện.
Những năm qua, thế giới đã chứng kiến sự phát triển bước đầu của phong trào "quyền của giới tự nhiên". Phong trào này cho rằng nên công nhận sông suối và rừng cây cũng có quyền lợi thiêng liêng không thể bị tước đoạt giống con người.
Khi được trao quyền, thực thể tự nhiên sẽ được người giám hộ (thường là cơ quan nhà nước) đại diện. Người giám hộ có thể khởi kiện khi thấy có hành vi gây hại tới thực thể tự nhiên đó. Nếu thắng kiện, khoản tiền này sẽ được đặt vào quỹ riêng để dùng cho hoạt động khắc phục ô nhiễm môi trường.
Năm 2017, một tòa án Ấn Độ từng tuyên bố sông Hằng, sông Yamuna, và các dòng sông băng Himalaya nên được trao địa vị pháp lý như con người để bảo vệ khỏi ô nhiễm môi trường.
Quốc Đạt (Theo The Guardian)
Xem thêm: lmth.2961724-neyuq-hnihc-neik-iohk-ious-noc-gnos-gnod/ten.sserpxenv