Nghiên cứu ứng dụng công nghệ để giám sát cách ly và chống dịch
Minh Duy
(KTSG Online) - Thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch bệnh Covid-19 cho rằng, cần tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong chống dịch và đề nghị Bộ Thông tin và Truyền Thông chỉ đạo các đơn vị công nghệ thông tin nghiên cứu, đề xuất giải pháp cụ thể để triển khai vòng tay điện tử giám sát chuyên gia, lao động nước ngoài; giải pháp giám sát điện tử đối với người Việt Nam...
Cần bịt lỗ hổng ở khâu kiểm soát sau cách ly để ngăn dịch
Một chuyến bay đưa hành khách về nước trong đại dịch. Ảnh: Minh Duy |
Chiều nay (4-5), Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch bệnh Covd-19 đã chủ trì cuộc họp Thường trực Ban chỉ đạo, thảo luận về tình hình dịch bệnh hiện nay và các biện pháp cần gấp rút triển khai trong thời gian tới.
Qua phân tích một số trường hợp phát bệnh sau khi hoàn thành cách ly tập trung và lây nhiễm cho cộng đồng, Thường trực Ban chỉ đạo đã thảo luận về việc thực hiện các quy định cách ly tập trung, theo dõi, giám sát y tế tại nhà.
Theo đó, một số cơ sở cách ly tập trung chưa thực hiện đầy đủ các quy định, hướng dẫn của Bộ Y tế, đặc biệt trong xử trí khi phát hiện trường hợp cách ly nhiễm Covid-19. Công tác bàn giao, tiếp nhận người hoàn thành thời gian cách ly tập trung, sau đó theo dõi, giám sát y tế tại nơi cư trú ở nhiều nơi rất lỏng lẻo.
Ca bệnh 2899 tại tỉnh Hà Nam, trường hợp phát hiện nhiễm bệnh sau khi hết thời gian cách ly và đã tiếp xúc với nhiều người ngay khi về nhà; ca bệnh là chuyên gia Trung Quốc, cũng phát hiện dương tính với SARS-CoV-2 sau cách ly tập trung, đã đi rất nhiều tỉnh thành được nêu ra như là những ví dụ của việc lơi lỏng vừa nêu trên.
Theo baochinhphu.vn, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam yêu cầu phải quản lý, kiểm soát chặt chẽ biên giới, người nhập cảnh; cách ly triệt để, không để lây nhiễm trong khu cách ly, từ khu cách ly ra cộng đồng. Trong thời gian tới, cơ quan chức năng sẽ triển khai đợt cao điểm rà soát tất cả người nhập cảnh không bỏ sót bất cứ trường hợp nào, kể cả những người phục vụ, làm việc tại các cơ sở có nhiều người nước ngoài đến.
Qua báo cáo rà soát của các cơ quan, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã chỉ đạo từ 0h ngày 4-5, các trung tâm cách ly chưa đưa người đã hết thời gian cách ly tập trung về địa phương. Bộ Y tế phải rà soát lại quy định, hướng dẫn và trong ngày 4-5, phải có văn bản gửi tất cả địa phương, trung tâm cách ly để quán triệt nhằm bảo đảm việc bàn giao giữa trung tâm cách ly với địa phương có người cách ly về cư trú, về làm việc phải có bàn giao, tiếp nhận, được quản lý chặt chẽ trong 14 ngày sau khi hoàn thành cách ly tập trung.
Theo báo cáo của Bộ trưởng Bộ Y tế, bộ sẽ hoàn thành văn bản này và ban hành trong chiều tối 4-5 để từ sáng 5-5, các trung tâm và các địa phương căn cứ thực hiện đúng. Phó Thủ tướng lưu ý các quy định, hướng dẫn, văn bản đã đầy đủ, bây giờ phải thực hiện một cách nghiêm túc. Ai không thực hiện, cấp nào không thực hiện phải chịu trách nhiệm và sẽ phải xử lý nghiêm.
Phó Thủ tướng nêu rõ các yêu cầu: Người từ nơi cách ly đi về như thế nào? Chính quyền địa phương, cơ sở, nòng cốt là y tế và công an, có trách nhiệm đến bàn giao đến từng gia đình ra sao? Người hoàn thành cách ly tập trung phải thực hiện những gì trong 14 ngày theo dõi, giám sát y tế?
Đối với các doanh nghiệp cũng tương tự, mời chuyên gia vào và bàn giao về thì doanh nghiệp phải có trách nhiệm cam kết ghi nhận và hướng dẫn những người này tuân thủ các quy định ra sao. Tuyệt đối không được để tình trạng trong thời gian theo dõi, giám sát y tế sau cách ly mà lại tiếp tục đi tụ tập đông người, đi ăn uống, những nơi công cộng mà không giữ nguyên tắc phòng dịch, để lây lan ra cộng đồng cực kỳ nguy hiểm.
Thường trực Ban Chỉ đạo cũng cho rằng, phải có đầu mối chỉ đạo thống nhất, tăng cường ứng dụng công nghệ phục vụ mục tiêu chống dịch cũng như nắm được thông tin của tất cả những trường hợp bắt đầu nhập cảnh vào Việt Nam, thực hiện cách ly tập trung, giám sát y tế tại nơi cư trú.
Bộ Thông tin và Truyền Thông được yêu cầu chỉ đạo các đơn vị công nghệ thông tin nghiên cứu, đề xuất giải pháp cụ thể để triển khai vòng tay điện tử giám sát chuyên gia, lao động nước ngoài; giám sát điện tử đối với người Việt Nam; giám sát dịch bệnh tại cộng đồng và cập nhật thông tin về tình hình dịch bệnh để phân loại nguy cơ dịch bệnh đối với từng địa phương.
Chiều 4-5, Bộ Y tế công bố thêm một ca Covid-19 trong cộng đồng. Đó là BN2989, là nữ, có địa chỉ tại huyện Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang, làm việc tại quận Hải Châu, Đà Nẵng từ ngày 30-4 vừa qua. Bệnh nhân là F1 của BN2982, cũng được ghi nhận tại Đà Nẵng. Hiện BN2989 đang được điều trị tại Bệnh viện Phổi Đà Nẵng. Tối 4-5, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh Quảng Nam thông tin nhanh về công tác truy vết các trường hợp có liên quan đến bệnh nhân mắc Covid-19 và các biện pháp triển khai phòng, chống dịch. Cụ thể, liên quan đến BN2982 có 47 trường hợp F1 (40 trường hợp tại TP. Hội An và 7 trường hợp thị xã Điện Bàn), kết quả xét nghiệm: 46 mẫu âm tính và 1 mẫu nghi ngờ dương tính với SARS-CoV-2. Ca nghi ngờ dương tính với SARS-CoV-2 là vợ của BN2982, sinh năm 1994, địa chỉ phường Cẩm An, TP. Hội An, nghề nghiệp làm spa. |
Mời đọc thêm:
Dịch bệnh diễn biến phức tạp, tăng thời gian cách ly tập trung
Cần bản đồ an toàn để du lịch 'sống chung với dịch'
Thêm nhiều địa phương tạm dừng dịch vụ không thiết yếu vì Covid-19
Xem thêm: lmth.hcid-gnohc-av-yl-hcac-tas-maig-ed-ehgn-gnoc-gnud-gnu-uuc-neihgn/920613/nv.semitnogiaseht.www