4 tháng đầu năm 2021, kinh tế Việt Nam phục hồi tích cực với những kết quả đáng ghi nhận: Hoạt động xuất, nhập khẩu so với cùng kỳ năm trước đạt tốc độ tăng trưởng cao nhất trong vòng 10 năm qua với kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước tính đạt 103,9 tỉ USD, tăng 28,3% so với cùng kỳ năm 2020...
Kinh tế phục hồi tích cực
Theo Bộ KHĐT, các chỉ số quan trọng của kinh tế - xã hội cho thấy, nền kinh tế đất nước đang phục hồi tích cực và có xu hướng phát triển tốt.
Trao đổi với PV Lao Động, chuyên gia kinh tế tài chính cấp cao - PGS-TS Đinh Trọng Thịnh (Giảng viên cao cấp - Học viện Tài chính), nhấn mạnh: Trong 4 tháng qua, các DN Việt Nam đã thích ứng tương đối tốt với các tình hình mới trong bối cảnh đại dịch COVID-19.
Việt Nam tiếp tục thực hiện tốt phòng ngừa và ngăn chặn sự bùng phát của đại dịch từ lần bùng phát thứ 3, các DN và người dân trong nền kinh tế đã có thói quen và cảnh giác cao hơn, ý thức xã hội tốt hơn trong việc ngăn chặn đại dịch. Các DN đã phục hồi và phát triển sản xuất kinh doanh. Điều này thể hiện ở rất nhiều khía cạnh, trong đó 4 tháng đầu năm nông nghiệp trên 3%, đối với lĩnh vực nông nghiệp, mức tăng trưởng 3% là hoàn toàn không dễ.
Thứ hai là, công nghiệp chế biến chế tạo (CBCT) có độ tăng trưởng và phát triển hơn 10% và đây là động lực lôi kéo sự phát triển và tăng trưởng tốt của nền kinh tế. Hoạt động XNK tăng trưởng trên 20%, tăng trưởng XK đạt trên 28,3%, tăng trưởng NK đến 30,8%. "Chúng ta thấy mặc dù đại dịch phát triển ở nhiều quốc gia và diễn biến cực kỳ phức tạp nhưng hoạt động XNK của chúng ta vẫn rất tốt, đặc biệt là tại thị trường rất quan trọng là Mỹ, tăng trưởng XNK của chúng ta tăng trưởng cao đến 50%" - PGS-TS Đinh Trọng Thịnh nhấn mạnh.
Thứ 2 là số DN thành lập mới trong 4 tháng vừa qua tương đối cao, trong đó có 44,2 nghìn DN thành lập mới và có 19,3 nghìn DN quay trở lại hoạt động sản xuất kinh doanh.
“Có nghĩa là chúng ta có hơn 63.000 DN quay trở lại sản xuất cũng như thành lập mới và số DN này tăng khoảng 17,5% so với cùng kỳ năm 2020. Đây là mức tăng trưởng số DN thành lập mới và quay trở lại sản xuất rất tốt. Có nghĩa là, các nhà đầu tư trong nước, các DN trong nước đánh giá cao khả năng mang lại lợi nhuận cũng như khả năng phục hồi và phát triển của nền kinh tế để từ đó họ tiếp tục đầu tư” - PGS-TS Đinh Trọng Thịnh phân tích.
Theo các chuyên gia kinh tế, trong 4 tháng qua, nếu xét tổng thể cả vốn đầu tư trực tiếp và gián tiếp thì có giảm một chút (khoảng 0,7%), nhưng vốn đầu tư trực tiếp tăng lên, đặc biệt là vốn đầu tư thực hiện tăng. Tức là các nhà đầu tư nước ngoài đánh giá khả năng phục hồi và họ vẫn đầu tư vốn bằng tiền thật vào nền kinh tế của chúng ta. Đặc biệt là vốn đầu tư trực tiếp của ta tăng lên khá cao, các dự án được đánh giá tăng lên đến 40% so với cùng kỳ so với năm 2020. Như vậy, số dự án giảm đi, nhưng số vốn của từng dự án lớn lên. Có nghĩa là những dự án lớn với số vốn của mỗi dự án tăng cao, đi vào nền kinh tế của chúng ta.
“Điều tiếp theo là, kỳ vọng của các DN, niềm tin của các DN vào sự phục hồi và phát triển, thì có đến 49% DN trong lĩnh vực CBCT đánh giá thời gian tới sẽ tốt hơn so với quý I; 37% DN đánh giá ổn định, chỉ có 14,3% DN đánh giá sẽ khó khăn hơn. Như vậy, có tới 86% đánh giá khả năng tốt hơn trong ngành CBCT. Đặc biệt, chỉ số bán buôn bán lẻ cũng đang được cải thiện, chỉ số này tăng trưởng khoảng 10% so với cùng kỳ năm 2020. Tức là người tiêu dùng đang quay trở lại mua sắm, hoạt động bán buôn bán lẻ khởi sắc. Xu hướng để chúng ta hy vọng nền kinh tế của ta có thể phục hồi cả về tiêu dùng cả về XNK cũng như kỳ vọng vào tốc độ tăng trưởng và phát triển trong các quý còn lại của năm 2021” - PGS- TS Đinh Trọng Thịnh lạc quan nêu ý kiến.
PGS-TS Nguyễn Thường Lạng (Trường Đại học Kinh tế Quốc dân) nhấn mạnh rằng, các chỉ số kinh tế vĩ mô đều tốt cho thấy nền kinh tế có dấu hiệu đúng hướng trong 4 tháng đầu năm, các chính sách và biện pháp điều hành hiệu quả của Chính phủ cũng như sự vươn lên mạnh mẽ của DN, đẩy XNK tăng nhanh; đầu tư nước ngoài vẫn duy trì lạc quan; một số ngành có dấu hiệu mở rộng lại như du lịch, hàng không...; các ngành khác đang tăng nhất là ngành liên quan đến thương mại số…
Tăng tốc sản xuất, kinh doanh song song với khống chế dịch bệnh
PGS-TS Đinh Trọng Thịnh lưu ý: “Mặc dù tăng trưởng của tổng mức bán buôn bán lẻ tăng trên 10%, nếu trừ trượt giá thì mức tăng trưởng vẫn còn trên 9% nhưng ở mức này vẫn là thấp so với các năm trước (trước đây khi chưa có dịch, các năm trước đây tăng trưởng khoảng 18-20% - PV). Như vậy, nhu cầu tiêu dùng đang phục hồi nhưng vẫn đang thấp, các DN sản xuất kinh doanh cần chú trọng nhiều hơn đến thị trường nội địa, tăng trưởng tiêu dùng tại thị trường nội địa bằng cách chương trình khuyến mại, kích thích mua sắm của người dân”.
Về nguy cơ lạm phát, các chuyên gia kinh tế cũng đặc biệt lưu ý về vấn đề giá nguyên vật liệu đã tăng trong 4 tháng đầu năm 2021. Hiện nay giá nguyên vật liệu phục vụ sản xuất nông, lâm, thủy sản (thức ăn chăn nuôi, phân bón, giống cây trồng, vật nuôi…) đã tăng rất cao đến gần 6,8%. Đối với sản xuất công nghiệp, giá nguyên vật liệu đầu vào tăng gần 5%, giá vật liệu xây dựng cũng đã tăng gần 2%...
"Đây đang là nguy cơ có thể đẩy lạm phát tăng cao hơn trong thời gian tới mặc dù trong các tháng vừa qua chúng ta kiềm chế lạm phát tương đối tốt nhưng chúng ta cũng đã nhìn thấy khả năng tăng giá của nguyên vật liệu là có thật, nó đã và đang tăng, cần có biện pháp kiểm soát lạm phát tốt, tránh lạm phát đẩy giá hàng hóa tăng cao” - PGS-TS Đinh Trọng Thịnh lưu ý.
Chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh cho biết, giá một số nhóm hàng hóa tăng, ví dụ như thép nhưng tại sao giá thép lên thì chưa được làm rõ, cần phải tiếp cận từng nhóm hàng, bên cạnh thép, để thấy được nguyên nhân. Nếu nguyên nhân hợp lý và mức tăng vừa phải thì chưa có gì đáng lo ngại. Còn ngược lại nếu là sự bất hợp lý, rủi ro kinh tế thì cần được báo động.
Để có thể giữ tốc độ tăng chỉ số CPI ở mức dưới 4% trong năm 2021 như chỉ tiêu của Quốc hội đặt ra, theo ông Ánh cũng là một nhiệm vụ khó khăn. Chính vì vậy, Việt Nam cần thực hiện tốt, đồng bộ nhiều biện pháp.
Các chuyên gia kinh tế cũng chỉ rõ: Đi đôi với lạm phát, giá của một số mặt hàng tiêu dùng cũng có thể tăng trong thời gian tới, đặc biệt là giá các mặt hàng trong lĩnh vực nông, lâm, thủy sản, đồ ăn uống có thể tăng do giá nguyên liệu đầu vào tăng, cần có biện pháp quản lý tốt mới có thể kiềm chế được lạm phát. Do đó, Nhà nước cần có chính sách quan tâm điều hành tỉ giá VND cũng như tỉ giá lãi suất phù hợp.
Xem thêm: odl.182609-cuc-hcit-ioh-cuhp-man-teiv-et-hnik/et-hnik/nv.gnodoal