- Tài tử Tom Cruise bất ngờ "trả lại" ba giải Quả cầu vàng
- Quả cầu vàng 2020: Dấu ấn châu Á và sự mờ nhạt của thông điệp nữ quyền
Tom Cruise chỉ là giọt nước tràn ly
Theo Deadline, bê bối tại Quả cầu Vàng nổ ra hồi tháng 2-2021, một tuần trước lễ trao giải lần thứ 78. Lúc này, tờ Los Angeles Times phát hiện ra rằng trong số 86 thành viên HFPA không hề có một đại diện da màu. Một nhóm gồm 100 đơn vị kinh doanh nội dung giải trí cho biết họ sẽ tiến tới yêu cầu khách hàng của mình bỏ qua việc hợp tác với HFPA.
Chưa đầy 3 tháng sau bài báo gây chấn động của Los Angeles Times, GGA lại đứng trước làn sóng tẩy chay chưa từng có trong lịch sử. Đỉnh điểm là khi tài tử Tom Cruise thẳng thừng trả lại 3 giải Quả cầu Vàng anh từng nhận trong quá khứ vào hôm 10-3, không phát ngôn, không giải thích. Các giải thưởng của anh bao gồm 2 giải Nam diễn viên chính xuất sắc nhất mà Tom Cruise đã giành được nhờ bộ phim “Born on the Fourth of July” (1990), “Jerry Maguire” (1997) và danh hiệu Nam diễn viên phụ trong phim “Magnolia” (2000).
Tom Cruise đã trả lại 3 Quả cầu Vàng từng được nhận. |
Clayton Davis - biên tập viên của Variety khẳng định, đây là một động thái mạnh mẽ đến từ một người có tầm ảnh hưởng lớn của Hollywood. “Trong tất cả những gì đã diễn ra đến lúc này, hành động của Tom Cruise là có ý nghĩa nhất. Một Tom Cruise không có giải Oscar, SAG hay BAFTA nào, đã quyết định trả lại 3 giải GGA. Điều đó rất quan trọng, để thấy rằng không chỉ có người da màu và người Latin dám nói về những vấn nạn hiện nay tại Hollywood”, cây viết này nhìn nhận.
Trước đó, nữ diễn viên Scarlett Johansson - 5 lần nhận đề cử Quả cầu Vàng là một trong những người đầu tiên kêu gọi các ngôi sao đồng nghiệp tẩy chay HFPA vì nạn phân biệt giới tính. Cô đã nhận được sự ủng hộ của nhiều người nổi tiếng khác, điển hình như sao nam Mark Ruffalo.
Không riêng diễn viên nổi tiếng, thời gian qua, nhiều ông lớn phát hành như Netflix và Amazon Prime dù nhiều năm thống trị hạng mục đề cử ở giải thưởng này cũng công khai chỉ trích HFPA. Nguyên nhân đưa ra là vì cách hoạt động thiếu chính trực, thường xuyên đặt những câu hỏi mang tính chất “phân biệt giới tính”, “xâm phạm” tới nghệ sĩ. Yêu cầu được hai hãng phim này đưa ra là cần đa dạng hóa hội đồng bỏ phiếu bình chọn giải bằng cách có nhiều thành viên da màu và nữ giới.
“Hiện tại, chúng tôi sẽ ngừng tất cả mọi tương tác với tổ chức của các vị này cho đến khi có những thay đổi ý nghĩa hơn”, CEO của Netflix - ông Ted Sarandos tuyên bố. The Wrap cho rằng, việc hai gã khổng lồ tẩy chay có thể khiến giải Quả cầu Vàng mất đi nhiều phim và nghệ sĩ thực lực tham gia trong thời gian tới.
Quả cầu Vàng đứng trước bê bối chưa từng có trong lịch sử. |
Tiếp đó là các nền tảng Amazon Studios, HBO và công ty mẹ WarnerMedia tuyên bố ngừng tổ chức các buổi chiếu phim cũng như sự kiện khác cho HFPA cho tới khi hiệp hội đưa ra những thay đổi đáng kể hơn. “Thời gian qua, hiệp hội đã đòi hỏi nhiều ưu tiên, đặc quyền và đưa ra các yêu cầu thiếu chuyên nghiệp khác cho ê-kíp của chúng tôi cũng như đồng sự khác trong ngành công nghiệp. Chúng tôi lấy làm tiếc vì với tư cách một bộ phận đóng góp vào ngành giải trí, đã khiếu nại về tình trạng này nhưng chưa mang lại hiệu quả”, thông báo của WarnerMedia ngày 9-5 nêu rõ.
Về phía các đơn vị truyền thông, đài NBC - đơn vị thường xuyên phát sóng lễ trao giải quyết định hủy phát sóng với GGA 2022, bất chấp việc đơn vị này đã chi 60 triệu USD/năm mua bản quyền. “Thay đổi ở một mức độ như vậy sẽ cần thời gian, công sức và chúng tôi cảm thấy rằng HFPA cần thời gian để làm đúng. Vì vậy, NBC sẽ không chiếu lễ trao giải Quả cầu Vàng 2022”, tuyên bố ngày 10-5 của đài NBC cho biết.
Ở góc độ kinh doanh, CNN đánh giá đây là một bước đi đúng đắn của đơn vị phát hành. Bởi, nếu sự kiện vẫn được lên sóng, gần như chắc chắn đó sẽ là một thất bại ngoạn mục. “Nhưng, ở góc độ quan hệ công chúng và quan điểm đạo đức, Hollywood cũng đã qua rồi thời gian để giữ chân HFPA ở đỉnh cao danh giá hay một bức thành trì vững chãi. Khán giả khao khát những câu chuyện đa dạng hơn, tất nhiên điều này không phải dễ dàng. Giờ đây, để tồn tại, HFPA cần phải thay đổi hoàn toàn lối chơi của mình”, CNN bình luận
Thế lực nào đứng sau HFPA?
Thực tế, đây không phải lần đầu tiên GGA đứng trước bê bối phía sau cánh gà. The New York Times hoài nghi về việc, tại sao đến bây giờ Hollywood mới đứng dậy chống lại điều đó? Phải chăng có thế lực nào đó đứng sau chi phối giải thưởng?
Nhìn lại chặng đườn gần 8 thập niên, GGA từng bị xem là trò hề của các giải thưởng. Từ cuối những năm 1960, Ủy ban Truyền thông Liên bang khẳng định GGA chỉ đánh lừa công chúng về cách xác định người chiến thắng. Cuộc bỏ phiếu kín từ khoảng 80 thành viên bị cho là vô nghĩa. Jack Matthews của Newsday từng khẳng định các thành viên là “những kẻ ăn bám hưởng lợi nhiều nhất giới giải trí”. Năm 1993, trước khi “A Few Good Man” mất giải thưởng Phim chính kịch hay nhất trước “Scent of a Woman”, nhóm trao giải từng bay đến New York tham dự cuộc họp báo do Universal Pictures tài trợ (đơn vị đứng sau “Scent of a Woman”). Vì vậy, Jack Mathews khẳng định các thành viên có nhiều hành vi, bầu chọn không minh bạch.
Scarlett Johansson chia sẻ cô thường tránh dự các buổi họp báo, sự kiện được tổ chức bởi HFPA. |
Los Angeles Times từng thực hiện 2 cuộc điều tra trước khi diễn ra lễ trao giải Quả cầu Vàng năm 2021, trong đó những vấn đề còn tồn tại trong cách thức tổ chức giải thưởng, quy trình bầu chọn - trao giải đã được chỉ ra chi tiết. Theo Los Angeles Times, có những thành viên chấm giải đã được các hãng phim tiếp cận. Ngoài ra, dù tính chất của hiệp hội là quy tụ các phóng viên, nhà báo, nhiếp ảnh gia quốc tế hoạt động đưa tin về nền công nghiệp làm phim và giải trí của Mỹ nhưng nhiều nhà báo da màu vẫn đang gặp những rào cản trong việc gia nhập hiệp hội để đóng góp tiếng nói của họ vào giải thưởng. Tờ báo này cũng khẳng định, các thành viên trong tổ chức HFPA cũng dùng quyền lực để trục lợi.
Cụ thể, mỗi thành viên có thể nhận được khoản phí 45.000 USD nếu đưa tác phẩm vào giải thưởng. Họ nhận thêm 20.000 USD nếu bộ phim được đề cử Phim hay nhất, số tiền lên đến 30.000 USD nếu tác phẩm giành chiến thắng.
Còn Hollywood Reporter và Deadline nhận định, HFPA là một “hội kín” quyền lực, có thành viên là nhà báo, người truyền cảm hứng, diễn giả hoạt động trong nhiều tổ chức truyền thông lớn trên toàn thế giới.
Trước đây, ông trùm Harvey Weinstein là người ủng hộ mạnh mẽ Quả cầu Vàng. Việc được sự ủng hộ của “ông trùm Hollywood” khiến giải thưởng càng có thêm quyền lực thao túng. Theo The New York Times, ông trùm đang vướng bê bối tình dục này đã thao túng tổ chức, lễ trao giải bằng nhiều cách như tặng quà đắt tiền, tiếp cận với các ngôi sao... Đó là lý do Weinstein thường được ghi danh vào các hạng mục giải thường đáng kinh ngạc. Các hãng phim khác cũng kịp thời học theo chiêu bài này để có suất đề cử trong mỗi năm. Ngoài ra, lễ trao giải được tổ chức trước Oscar cũng là tính toán của ban tổ chức. Họ muốn kết quả của mình gây tác động đến kết quả của Viện Hàn lâm.
“HFPA là một tổ chức đã được hợp pháp hóa bởi những người như Harvey Weinstein”, Johansson nói với The New York Times.
Sau tất cả, The New York Times nhận định, những điều thiếu tế nhị của HFPA được Hollywood dung túng trong thời gian qua chỉ vì Quả cầu Vàng “lót đường” cho giải Oscar của Viện Hàn lâm. Song, trước những điều như kỳ thị người da màu, xem thường phụ nữ... mới là vấn đề mấu chốt khiến nhiều ngôi sao, hãng phim lớn quyết định quay lưng.
“Mất bò mới lo làm chuồng”
Cũng trong thông báo hôm 10/3, NBC cho biết, HFPA được gia hạn 18 tháng để cải tổ trong thời gian các đơn vị tẩy chay ngừng hợp tác. Ngay sau đó, HFPA đã công bố thời gian biểu chi tiết cho sự thay đổi của tổ chức, đồng thời tuyên bố: “Bất kể ngày phát sóng tiếp theo của GGA như thế nào, việc thực hiện những thay đổi mang tính chuyển mình càng nhanh càng tốt vẫn là ưu tiên hàng đầu đối với tổ chức của chúng tôi”.
HFPA cũng nói rằng đã có lời mời các đối tác trong ngành công nghiệp cùng góp sức trong lần cải tổ hiệp hội nói riêng, cũng như toàn ngành công nghiệp nói chung. Trong tuần trước, đơn vị này đã thông qua kế hoạch kết nạp thêm ít nhất 20 thành viên mới vào hiệp hội trong năm nay, ưu tiên các nhà báo da màu. Bên cạnh đó, trong 18 tháng tới, tổ chức cũng thực hiện lộ trình tăng 50% hội phí.
Hiện, vẫn chưa biết HFPA sẽ thực hiện chiến dịch cải tổ ra sao, đạt hiệu quả đến đâu. Nhưng, nếu đơn vị này thực hiện đúng lời hứa, NBC tuyên bố sẽ quay lại phát sóng lễ trao giải vào tháng 1-2023. Chris Beachum, biên tập viên quản lý chuyên trang Gold Derby dự đoán, trong thời gian này, rất có thể các lễ trao giải Lựa chọn của Giới phê bình điện ảnh (CCA) hay Giải thưởng của Nghiệp đoàn Diễn viên điện ảnh (SAG) sẽ nhân cơ hội để vươn lên giành được vị trí dẫn đầu lâu nay của GGA.
Còn Clayton Davis của Variety tin rằng, HFPA sẽ cần một cuộc đại tu hoàn toàn và sẽ phải làm việc hoàn toàn minh bạch trước khi nhóm nhận được sự tin tưởng của cộng đồng Hollywood. Tuy nhiên, GGA sẽ luôn là một chương trình nổi tiếng và có ảnh hưởng nhất định đối với NBC. “Dù mọi người có muốn thừa nhận hay không thì GGA có ảnh hưởng trực tiếp đến toàn bộ mùa giải. Ngay cả giải Oscar cũng cần GGA để khiến mọi người bắt đầu quan tâm đến giải thưởng điện ảnh. Và tiền sẽ là một yếu tố thúc đẩy NBC trở lại”, cây viết của Variety bi quan.
Quả cầu Vàng là giải thưởng thường niên của Hiệp hội Báo chí nước ngoài ở Hollywood (HFPA) dành cho phim điện ảnh, chương trình truyền hình hay nhất ra mắt trong năm và tôn vinh nghệ sĩ. Thành viên hội đồng bình chọn thuộc HFPA, bao gồm 90 nhà báo chuyên về điện ảnh từ khoảng 55 quốc gia trên toàn thế giới. Lễ trao giải Quả cầu Vàng luôn có sự tham dự của các ngôi sao hàng đầu Hollywood và thế giới kể từ năm 1944, thu hút sự chú ý của giới truyền thông lẫn ngành công nghiệp điện ảnh, truyền hình. |