Cục Quản lý thị trường Hà Nội (QLTT) vừa ban hành Công văn hỏa tốc gửi trưởng các phòng, đội trưởng các đội quản lý thị trường trực thuộc về việc tăng cường quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 trong tình hình mới.
Cụ thể, Cục trưởng Cục QLTT Hà Nội Chu Xuân Kiên yêu cầu, trưởng các phòng, đội trưởng các đội quản lý thị trường chủ động nắm bắt diễn biến tình hình thị trường, kiểm tra, kiểm soát, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm theo quy định pháp luật đối với các tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ không chấp hành quy định của thành phố về yêu cầu tạm dừng hoạt động để hạn chế lây lan dịch COVID-19; lợi dụng tình hình dịch bệnh để đầu cơ, găm hàng, định giá mua, bán (thổi giá) hàng hóa, dịch vụ bất hợp lý để thu lợi bất chính.
Tập trung kiểm tra, kiểm soát, xử lý các sản phẩm, hàng hóa nhập lậu, không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng giả, các mặt hàng phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19 (khẩu trang, thiết bị y tế, nước sát khuẩn), hàng hóa vi phạm về chất lượng, không bảo đảm an toàn thực phẩm, đồng thời chủ động phối hợp các cơ quan chức năng; UBND, ban chỉ đạo 389 quận, huyện, thị xã triển khai các biện pháp ngăn chặn, xử lý hoạt động vận chuyển, buôn bán động vật hoang dã.
Đồng thời, bảo đảm công tác an toàn thực phẩm, bình ổn thị trường, giá cả các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu, nhu yếu phẩm phục vụ đời sống nhân dân, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, phòng, chống cháy nổ.
Trước đó, thực hiện chỉ đạo của UBND thành phố Hà Nội, Sở Công Thương Hà Nội đã chủ động dự trữ hàng hóa tiêu dùng thiết yếu, không để xảy ra tình trạng găm hàng, thổi giá gây sốt ảo làm mất bình ổn xã hội.
Bà Trần Thị Phương Lan, quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho biết, để đáp ứng nhu cầu hàng hóa tiêu dùng thiết yếu trong thời gian dịch COVID-19, Sở đã chủ động xây dựng kịch bản phòng, chống dịch COVID-19 ở cấp độ cao nhất.
Hà Nội đảm bảo dự trữ đầy đủ 17 nhóm hàng thiết yếu, đáp ứng các nhu cầu tiêu dùng của người dân khi dịch COVID-19 bùng phát trở lại, vì vậy người dân không phải lo lắng mua hàng tích trữ.
Theo đó, lượng hàng hóa thiết yếu trong tháng dịch tăng gấp 3 lần so với tháng thường, dự kiến lượng hàng hóa chuẩn bị sẵn sàng phục vụ nhân dân trên địa bàn trong 3 tháng khoảng 194.000 tỷ đồng; lượng hàng hóa dự kiến hỗ trợ cho các tỉnh, thành phố khoảng 21.500 tỷ đồng.
Cụ thể, ngành công thương Hà Nội dự trữ 836.000 tấn gạo, 167346 tấn thịt lợn, thịt trâu bò 48.150 tấn, 55782 tấn thịt gia cầm, trên 1 triệu quả trứng gia cầm…
Trần Hoàng
Tiền Phong
Xem thêm: nhc.29923748191501202-hneb-hcid-gnort-aoh-gnah-aig-ioht-gnah-mag-gnan-tahp-ux-ion-ah/nv.zibefac