Thịt ốc đang ngâm hóa chất tại cơ sở sơ chế thịt ốc trên đường Rạch Cát Bến Lức (phường 7, quận 8, TP.HCM)
Ngày 18-5, cơ quan chức năng tại TP.HCM bắt quả tang một cơ sở kinh doanh ngâm 1,8 tấn ốc trong các thùng nhựa hóa chất nhằm làm cho thịt ốc nở ra, bóng đẹp, tăng ký, cùng 700kg hóa chất đựng trong các can nhựa không có nhãn mác.
Hàng tấn ốc này sẽ được đưa đi tiêu thụ ở các chợ, sau đó đến các nhà hàng, quán ăn và hộ gia đình. Người tiêu dùng dù chế biến bằng phương pháp gì thì dư lượng hóa chất trong ốc cũng không thể loại trừ hoàn toàn do ngâm suốt 7, 8 tiếng, hóa chất đã ngấm sâu vào thực phẩm.
Trước đó, ngày 12-5, Công an quận Ba Đình (Hà Nội) bắt quả tang nhân viên của một cơ sở kinh doanh đổ trực tiếp oxy già công nghiệp vào can chứa mực bẩn nhằm làm trắng mực, sau đó cung cấp cho các tiểu thương ở chợ Long Biên.
Sử dụng liều không đúng, nguy cơ ung thư
Trước nhu cầu thực phẩm bày bán phải đẹp mắt, nhiều tiểu thương, cơ sở kinh doanh sử dụng hóa chất để ngâm, tẩm thực phẩm tươi sống nhằm duy trì độ tươi ngon lâu hơn. Chuyên gia cho biết các hóa chất công nghiệp nếu không được sử dụng đúng có nguy cơ gây ung thư.
Thời điểm hè nắng nóng, việc bảo quản thực phẩm khó khăn hơn, nhất là đối với thực phẩm tươi, sống như thịt, cá, tôm, mực..., một số cơ sở kinh doanh thản nhiên sử dụng hóa chất để sơ chế thực phẩm.
Theo ThS Tạ Lê Quốc An - khoa CNTP Trường ĐH Công nghệ Sài Gòn, hiện một số cơ sở kinh doanh dùng các chất hóa học giúp giữ nước, làm dai, săn chắc thực phẩm, điển hình là các hợp chất muối polyphosphate. Mặc dù vẫn được cấp phép sử dụng nhưng nếu liều lượng dùng quá mức có thể dẫn đến các triệu chứng tiêu chảy hoặc rối loạn chức năng đường ruột, tổn thương tế bào và mô.
Ông Quốc An cho rằng oxy già là hydro peoxide, có tính oxy hóa mạnh, có khả năng tẩy trắng và sát khuẩn, được phép dùng nhưng phải tuân theo các tiêu chuẩn khắt khe.
Việc sử dụng oxy già công nghiệp để tẩy rửa thực phẩm gây nguy hiểm cho sức khỏe người tiêu dùng, nhất là các bệnh lý về đường ruột, mặc khác có một số cơ sở kinh doanh sử dụng oxy già công nghiệp giá rẻ không tinh khiết và không đúng chất H2O2 như dung dịch muối persulfat, chất này cũng có tính tẩy trắng tương tự oxy già, gây ra các triệu chứng dị ứng, hen phế quản cho người sử dụng.
Số can nhựa chứa hóa chất tại cơ sở sơ chế thịt ốc - Ảnh: CA
Làm sao nhận biết thực phẩm ngâm hóa chất?
"Rất khó để nhận biết thực phẩm đã ngâm hóa chất bằng cảm quan thông thường" - ThS Quốc An nhấn mạnh. Để xác định được chính xác thực phẩm có bị tẩm ướp hóa chất hay không, cần phải có các phân tích chuyên môn với các thiết bị phân tích hiện đại.
Tuy nhiên, người tiêu dùng có thể nhận thấy một số bất thường trên thực phẩm như màu sắc thực phẩm trắng đẹp hơn so với màu sắc thực của thực phẩm. Các loại hải sản tươi sống như mực, bạch tuộc được tẩy bằng các chất có gốc SO2 hoặc O3 (oxy già) sẽ có màu trắng tinh so với màu trắng ngà của thịt mực ban đầu, hoặc một số trường hợp khi sử dụng sẽ cảm nhận được mùi vị lạ do người bán sử dụng một lượng lớn phụ gia khi xử lý - ThS Quốc An cho biết.
Một số loại thịt như heo, bò sau khi ngâm hóa chất điển hình là nitrat và nitrit cũng có thể loại bỏ các mùi ôi thiu, thịt chuyển sang màu hồng tươi ngon, khi cắt ra người tiêu dùng sẽ nhận thấy thịt phía trong mềm, nhão hơn, đặc biệt khi đun sôi nước có thể nổi bọt nhiều và có màu đục, mùi hôi.
Rửa bằng nước muối
Trước khi chế biến thực phẩm, người tiêu dùng nên sơ chế trước bằng muối hoặc giấm nhằm hạn chế và loại bỏ phần nào các chất độc hại, tuy nhiên để đảm bảo an toàn sức khỏe tuyệt đối, nên lựa chọn mua hàng ở các cơ sở uy tín, nơi đảm bảo về thương hiệu và thời gian sử dụng, có phương pháp bảo quản phù hợp.
TTO - Bất ngờ kiểm tra một cơ sở sơ chế thịt ốc ở quận 8 (TP.HCM), cơ quan chức năng ghi nhận nơi đây có 1,8 tấn thịt ốc đã ngâm hóa chất cùng 700kg hóa chất đựng trong các can nhựa không có nhãn mác và không có thời hạn sử dụng.