Những ngày gần đây hình ảnh về chiếc xe hơi đậu trước cửa hàng “nhà người ta” với lời nhắc nhở dễ thương đang được cộng đồng mạng truyền tay nhau. Theo đó, hình ảnh về ý thức đậu xe của các cánh tài xế vẫn là đề tài được nhiều người nói đến.
Hình ảnh được chị Thương đăng tải lên Facebook cá nhân của mình.
Chị Nguyễn Thu Thương (Hà Nội) đăng tải tấm hình chia sẻ: “Tôi muốn đăng hình này lên để nhắc nhở ý thức đậu xe của mọi người. Cửa hàng của tôi thường xuyên gặp tình trạng này, tuy nhiên các chủ xe không để lại số điện thoại để chúng tôi liên hệ nên đành phải dùng viết lông để viết lên xe”.
Trên hình ảnh chị Thương đăng tải là chiếc xe hơi với dòng chữ: “Học lại văn hoá lái xe nhé, đỗ xe kiểu này thì hàng hoá người ta về kiểu gì? Đừng để phải viết lên xe như thế này một lần nữa, chịu khó lấy cồn lau nhé!”.
Nội dung nhắn gửi của chị Thương đã được các cộng đồng mạng truyền tay nhau, kèm theo những lời “có cánh” cho chủ cửa hàng.
Bạn Hương Bii nhận xét: “Chủ cửa hàng còn hướng dẫn sử dụng nữa, thật có tâm quá đi”.
Hay bạn Thu Phạm cũng đồng quan điểm: “Người ta viết vậy là có đạo đức rồi, chứ dùng sơn quét lên thì chủ xe lĩnh đủ”.
Một tài khoản facebook khác cho rằng: “Nhiều người đậu xe trước cửa hàng nhà người ta rất vô ý thức, được chủ nhà nhắc nhở vậy hy vong không có lần sau”.
Hình ảnh về chiếc Honda CR-V bị xịt sơn lên xe do đậu trước cửa nhà người khác được chia sẻ vào tháng 4 vừa qua.
Bên cạnh đó, nhiều người cũng chia sẻ về những câu chuyện đậu xe thiếu văn hoá. Các chủ xe thường có thói quen “bạ đâu đậu đấy” khiến cho các chủ nhà rất bức xúc.
Chị Phạm Hồng cũng chia sẻ: “Mình cũng từng bị 1 lần, đang mở cửa hàng thì thấy xe ô tô dừng, ban đầu chỉ nghĩ họ xuống sang nhà bên mua đồ một xíu rồi đi, ai dè xe đậu luôn 4 tiếng mới ra, trong khi đó chỗ này không đựơc đậu xe”.
Nhiều ý kiến cũng cho rằng, để tránh làm phiền các chủ nhà, chủ xe muốn đậu xe hay có chuyện gấp gáp thì cũng nên để lại số điện thoại trên xe, như vậy sẽ không gây phiền hà cho cả hai bên.
Thực tế cho thấy những hình ảnh đậu xe thiếu ý thức không còn lạ lẫm với nhiều người. Nhiều chủ xe đã từng “lĩnh” đủ các hậu quả như bị dán băng dính hết toàn bộ thân xe, tạt sơn, dùng đá rạch vào thân xe… Dù bị cộng đồng mạng lên án hay đã từng xử lý hậu quả nhưng nhiều chủ xe vẫn “chứng nào tất nấy”.
Theo Luật sư Bùi Quốc Tuấn, Đoàn Luật sư TP.HCM nhắc nhở, dù người đậu xe có lỗi, nhưng từng hành vi của mỗi người sẽ bị pháp luật điều chỉnh riêng, do đó là chủ nhà thì cũng cần xem xét “lời nhắc nhở” của mình với các chủ xe. Ví dụ xét riêng về hành vi xịt sơn lên xe người khác trước đây có thể coi là tội cố ý phá hỏng tài sản.
Dừng, đỗ xe sai quy định và gây tai nạn có thể bị tước bằng lái tới 4 tháng Căn cứ vào Nghị định 100/2019, người điều khiển xe gắn máy dừng xe, đỗ xe ở lòng đường đô thị gây cản trở giao thông sẽ bị xử phạt. Cụ thể, người điều khiển, người ngồi trên xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện), các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy vi phạm quy tắc giao thông đường bộ bị phạt tiền từ 200-300 ngàn đồng đối với người điều khiển xe thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây: Dừng xe, đỗ xe trên phần đường xe chạy ở đoạn đường ngoài đô thị nơi có lề đường; Không giảm tốc độ và nhường đường khi điều khiển xe chạy từ trong ngõ, đường nhánh ra đường chính… Đồng thời, nếu hành vi vi phạm gây ra tai nạn giao thông thì giấy phép lái xe của đối tượng vi phạm có thể sẽ bị tước quyền sử dụng từ 2-4 tháng. |