Tờ báo tài chính Nikkei dẫn thông báo của Bộ Khoa học và Công nghệ Philippines cho biết nghiên cứu trên do chính phủ tài trợ và sẽ kéo dài trong thời gian từ tháng 6/2021 đến tháng 11/2022.
“Trộn phối hợp vaccine Sinovac cùng vaccine nhãn hiệu khác là mục tiêu chính của chương trình nghiên cứu, do đó là nguồn cung ổn định nhất ở Philippines”, thông báo nêu rõ.
Ngoài Sinovac, chính phủ quốc gia Đông Nam Á này đã cấp phép sử dụng khẩn cấp 6 loại vaccine COVID-19 khác – là sản phẩm của các hãng Pfizer, Moderna, Johnson & Johnson của Mỹ, AstraZeneca của Anh, Bharat Biotech của Ấn Độ và Viện Gamaleya của Nga.
Philippines đã nhận gần 8,3 triệu liều vaccine của nhiều nhà cung cấp khác nhau cũng như trong chương trình chia sẻ vaccine COVAX do Liên hợp quốc hỗ trợ. Nước này đã sử dụng hơn 4 triệu liều.
Philippines là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng của đại dịch COVID-19 thứ hai khu vực Đông Nam Á, chỉ sau Indonesia. Manila đặt mục tiêu tiêm chủng cho hơn một nửa nền dân số 100 triệu người trong năm nay, song đang vấp phải trở ngại là tâm lý e dè không muốn tiêm hoặc kén chọn vaccine của người dân.
Tuần trước, các chính quyền địa phương đã được lệnh dừng công bố nhãn hiệu vaccine đang được phân phối tại các điểm tiêm chủng để tránh tình trạng người dân đổ xô đến nơi sử dụng loại vaccine họ mong muốn.
Hoàng Trang
Báo tin tức