Cho đến hiện tại, TP.HCM đã yêu cầu tạm dừng gần hết các loại hình dịch vụ, kinh doanh không cần thiết . Trong đó, nhiều nhà hàng, tiệm ăn, quán cà phê cũng bắt buộc chuyển sang hình thức bán cho khách mang đi để ngừa lây lan Covid-19.
Theo ghi nhận của chúng tôi, hầu hết các quán xá đều tuân thủ nghiêm quy định phòng dịch, chỉ cho phép khách mua mang đi. Lượng đơn đặt hàng trên các ứng dụng online tăng đột biến khiến nhiều shipper phải làm việc cật lực. Một số cơ sở kinh doanh thì đóng cửa hẳn để phòng dịch.
Quán cà phê đồng loạt chuyển sang bán mang đi
Trước tình hình dịch bệnh Covid-19 tại TP.HCM đang diễn biến phức tạp, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong đã chỉ đạo tạm dừng một số hoạt động không thiết yếu, tính toán giãn cách xã hội ở những nơi nguy cơ cao. Trong đó có quy định rõ về việc các quán ăn đường phố, cà phê, trà đá vỉa hè... chỉ được phép bán mang về chứ không phục vụ khách tại chỗ.
Trên tuyến đường Phan Xích Long (Quận Phú Nhuận) và Nguyễn Gia Trí (Quận Bình Thạnh), nhiều quán trà sữa hiện vẫn còn mở cửa hoạt động và cho khách mua mang đi, tuy nhiên lượng khách cũng rất ít ỏi. Nhìn từ phía ngoài, có thể thấy cảnh sáng đèn nhưng vắng bóng xe cộ của các tiệm đồ uống nổi tiếng này.
Loạt thương hiệu đình đám trên đường Nguyễn Gia Trí (Quận Bình Thạnh) vắng bóng khách hơn hẳn
Các quán đồ uống nổi tiếng trên đường Phan Xích Long cũng không ngoại lệ
Đường Hồ Tùng Mậu và Ngô Đức Kế (Quận 1) từ lâu đã tập trung rất nhiều hãng đồ uống đình đám. Khác với 2 con đường phía trên, vì toạ lạc ngay trung tâm thành phố nên nơi đây vẫn thấy khá đông các shipper đến mua mang đi cho khách.
2 con đường sầm uất ngay trung tâm Quận 1 vẫn thấy khá đông người đến mua
Một số quán cà phê, trà sữa đóng cửa nhiều chi nhánh để phòng dịch và cắt giảm chi phí
Không bán mang đi như những cửa hàng trên, loạt thương hiệu nổi tiếng này lại quyết định đóng cửa hẳn một số chi nhánh nhằm cắt giảm chi phí điện, nước lẫn nhân viên. Vậy mới thấy nhiều thương hiệu lớn lao đao như thế nào giữa mùa dịch.
Một số hãng như The Alley, Three O' Clock, Gong Cha... phải đóng cửa nhiều chi nhánh để cắt giảm chi phí kinh doanh trong mùa dịch
Shipper "chốt đơn" cho khách không ngừng nghỉ, làm việc hết công suất giữa mùa dịch
Do nhu cầu ăn uống tăng cao giữa mùa dịch, nhiều ứng dụng đặt món online những ngày này luôn trong tình trạng quá tải vì lượng khách sử dụng ngày một tăng. Vào những giờ cao điểm, đặc biệt là buổi trưa - chiều, luôn thấy cảnh các shipper đứng chờ mua khá đông trước nhiều hàng quán.
Cảnh shipper tấp nập trên đường Nguyễn Tri Phương (Quận 10)
Shipper chờ lấy hàng cho khách tại một tiệm trà sữa trên đường Nguyễn Huệ (Quận 1)
Một quán chay đông shipper chờ mua trên đường Huỳnh Thúc Kháng (Quận 1)
Shipper giao hàng túc trực tại nhiều nhà hàng lớn trên đường Phan Xích Long (Quận Phú Nhuận)
Nhiều nhà hàng buffet đóng cửa im lìm "chịu trận"
Đối với các nhà hàng phục vụ theo kiểu buffet như Gogi House, Dooki, Hutong, Ăn Được Phúc… việc chuyển sang bán mang đi gần như là không thể. Chính vì vậy, nếu có đi ngang nhiều con đường ở trung tâm Sài Gòn thời điểm này, bạn dễ dàng bắt gặp cảnh nhiều nơi đóng cửa im lìm chờ ngày hoạt động trở lại.
Loạt nhà hàng buffet lớn đóng cửa tạm ngưng hoạt động vì dịch
Loạt nhà hàng trên con đường đắc địa nhất Sài Gòn - Nguyễn Huệ cũng phải đóng cửa vì không trụ nổi
Tung khuyến mãi "khủng" để câu khách nhưng vẫn ế ẩm
Chuyển hoàn toàn sang hình thức bán mang đi, nhiều địa điểm còn tung ra ưu đãi lên đến 50%, thậm chí mua đồ ăn sẽ được tặng miễn phí nước để thu hút khách. Tuy nhiên, các cửa hàng vẫn chịu tình cảnh ế ẩm hơn trước rất nhiều.
Dù treo bảng giảm giá "khủng" nhưng nhiều hàng quán vẫn đứng trước tình trạng ế ẩm
MH-Viết Thanh
Doanh nghiệp tiếp thị