vĐồng tin tức tài chính 365

Giá cà phê đột ngột 'nóng hừng hực'

2021-05-30 12:42

Giá cà phê đột ngột 'nóng hừng hực'

Nguyễn Quang Bình

(KTSG Online) - Chỉ trong vòng ba ngày, các thị trường cà phê nóng hừng hực. Giá trên sàn arabica tăng lên mức cao nhất trong vòng bốn năm rưỡi, và robusta, nơi các nhà kinh doanh cà phê Việt Nam thường dựa vào để tham khảo, tăng lên mức cao nhất chưa từng thấy từ hai năm rưỡi trở lại đây. Giá cà phê tại vùng sản xuất trọng điểm ở Tây Nguyên dâng lên, cũng lập đỉnh cao nhất của niên vụ 2020-2021 tính từ đầu tháng 10-2020.

Nông dân Gia Lai thu hoạch càphê. Ảnh minh họa: TTXVN

Vào ngày thứ Tư 26-5, khi giá đáy vẫn còn 1.478 đô la Mỹ/tấn, lúc đóng cửa giá sàn phái sinh robusta vượt lên 1.503 đô la/tấn. Cú nhảy thần kỳ nhất là vào cuối tuần khi đóng cửa tại 1.583, tăng liền 66 đô la/tấn trong ngày sau khi chạm đỉnh 1.602 đô la, là mức cao nhất mới thấy lại từ hai năm rưỡi nay.

Tuy vậy, sức bùng phát trên sàn London vẫn còn khiêm nhường so với sàn arabica bên kia bờ Đại Tây Dương. Nếu tính tuần với tuần, giá sàn New York tăng 12,20 cts/lb hay 269 đô la/tấn, chốt tại 162,35 cts/lb tương đương với 3.580 đô la/tấn.

Dù còn rất nhiều khó khăn về tàu bè, giá cước vận tải lại phóng lên cao, cà phê từ Việt Nam đi các cảng chính châu Âu phải chịu từ 350-370 đô la/tấn, cà phê nguyên liệu trong nước vẫn tăng mạnh tuần qua với mức cận 35 triệu đồng/tấn. Nếu tính từ đầu niên vụ, “mức này cứ tưởng như nằm mơ,” anh Thái, chủ một doanh nghiệp xuất khẩu tại TP. Buôn Ma Thuột nói.

Nhiều nguyên nhân hội tụ

Đợt bùng phát tăng mạnh trên các sàn cà phê tuần qua được hội tụ với nhiều nguyên nhân. Cuộc xuống đường kéo dài ba ngày bắt đầu từ sáng thứ Tư đến hết thứ Sáu tuần rồi tại Colombia đã kích ngòi nổ cho giá trên sàn New York và rồi kéo theo sàn robusta. Colombia là nước xuất khẩu cà phê arabica chế biến ướt lớn nhất thế giới.

Do dân chúng lập ụ ngăn đường, cà phê không thể ra cảng kể cả đường xe lửa và buộc các hãng tàu ngưng bán cước. Cuối tháng trước, thị trường chứng kiến một đợt tăng mạnh trên sàn này cũng do bất ổn tại Colombia làm cho 600.000 bao cà phê (bao=60 ki-lô-gam) bị ách tắc tại các vùng sản xuất.

Giá lên cao trào khi thị trường nhận được dự báo Brazil có thể hứng chịu một đợt hạn hán nặng nề từ tháng 6 đến 8-2021 do hiện tượng thời tiết cực đoan và nạn phá rừng Amazone. Nếu vậy, theo bản tin trưa 29-5 của đài Channel News Asia Singapore (CNA), thì đợt hạn hán sắp tới có thể khốc liệt nhất tính từ 91 năm nay.

Trước đó, hãng môi giới tại Anh Quốc là Marex Solutions thấy trước rằng độ ẩm trong đất tại nhiều vùng cà phê arabica của Brazil “khô ít thấy”, do đó, năng suất sẽ thấp hơn nhiều so với bình thường.

Giới đầu tư trên hai sàn cà phê lại nóng lòng mua thêm khi Tổng thống Mỹ Joe Biden đề xuất gói ngân sách 6.000 tỉ đô la cho chục năm tới. Dù chưa biết Thượng viện Mỹ có chấp thuận hay không, nhưng đề nghị ấy để lộ ra chính sách tiền tệ của chính quyền mới là tiếp tục được nới lỏng và điều hành uyển chuyển. Ám ảnh lạm phát và tăng lãi suất tạm thời tan dần trong tâm lý giới đầu tư với kỳ vọng tiền mặt được cung ứng “bao la”.

Các nhà đầu tư tài chính rộng tay mua trên các sàn phái sinh dù lượng hợp đồng mua khống họ đang giữ đã khá lớn.

Như vậy, ba bốn cơ duyên gộp lại gồm cả các yếu tố cung-cầu, kinh tế vĩ mô và kể cả chính trị bất ổn tại nước Nam Mỹ như đã nói, giúp giá cà phê bùng nổ trước khi kết thúc tháng 5-2021.

Thị trường trong nước chộn rộn

Đến sáng thứ Bảy 29-5, nhà cung ứng và nhà vườn hầu hết đều bất ngờ. Giá cà phê nguyên liệu tại Tây Nguyên mới 33 triệu đồng/tấn đầu tuần nay đã nhảy lên cận 35 triệu đồng/tấn. “Giả sử như hàng đi được bình thường do không bị thiếu container và cước tàu cao, thì nay 40 triệu đồng/tấn là có thể”, giám đốc một doanh nghiệp tại TPHCM phát biểu.

Tuy vậy, mức 35 triệu đồng tấn (tương đương với 1.515 đô la/tấn) cũng hợp lý vì vẫn cao hơn giá niêm yết tính trên giá đóng cửa sàn London ngày giao dịch cuối tuần là 1.503 đô la/tấn.

Trong khi đó, một số nhà nhập khẩu bắt đầu dò hỏi giá để mua với mức -20/-30 đô la/tấn FOB (giao hàng qua lan can tàu) cho giao hàng tháng 7 và tháng 8-2021. Nếu so với giá cà phê nội địa, đầu vào và đầu ra chưa thể khớp. Chính vì vậy, không mấy nhà xuất khẩu chịu “đánh liều” cược giá phái sinh tiếp tục tăng để bán.

“Nếu giá còn lên tiếp theo kiểu này, không mấy chốc giá cà phê xuất khẩu robusta loại 2 sẽ xuống còn -50/-70 đô la/tấn FOB”, giám đốc công ty tại TPHCM nói trên dự đoán.

Hai bên xuất và nhập khẩu vẫn chưa gặp nhau về giá, nhưng nếu giá sàn robusta thêm vài dịp bùng phát như tuần rồi, thế nào giá của người mua và người bán cũng “khớp” vì nhà vườn bán được giá cao hơn tính trên tiền mặt và xem nhẹ hơn giá xuất khẩu tính trên chênh lệch giữa mức niêm yết trên sàn và giá hàng thực trên thị trường nội địa.

“Ít ra, đợt giá tăng mấy ngày cuối tuần đã làm sống lại thị trường, có tiếng hỏi mua chào bán nhưng quan trọng hơn là nhà vườn phấn khởi vì có thể túc tắc bán đặng có tiền phân tro và chăm sóc vườn cây cho niên vụ sau”, anh Thái tại Buôn Ma Thuột nói.

Xem thêm: lmth.cuh-gnuh-gnon-togn-tod-ehp-ac-aig/708613/nv.semitnogiaseht.www

Comments:0 | Tags:No Tag

“Giá cà phê đột ngột 'nóng hừng hực'”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools