Đóng cửa thị trường chứng khoán phiên gần cuối tháng 5, VN-Index trên Sở Giao dịch chứng khoán TP HCM (HoSE) tăng khá mạnh, lên mức kỷ lục mới, đạt 1.3204,6 điểm, tăng 16,89 điểm. HNX-Index trên Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội cũng tăng 6,01 điểm (1,97%) lên 310,46 điểm. UPCoM-Index tăng 2,03 điểm, lên 86,11 điểm.
Tiền ồ ạt đổ vào chứng khoán
Trong phiên ngày 28-5, giá trị giao dịch tiếp tục tạo ấn tượng tích cực cho nhà đầu tư. Chỉ riêng sàn HoSE đã đạt 30.800 tỉ đồng, trong đó giá trị giao dịch khớp lệnh vượt 1 tỉ USD và đạt 23.400 tỉ đồng. Như vậy, 5 phiên giao dịch tuần cuối tháng 5, trên HoSE tổng giá trị đạt gần 114 ngàn tỉ đồng, trung bình đạt gần 22.800 tỉ đồng/phiên. So với các tuần của tháng 4, giá trị giao dịch nhiều hơn tầm 20%. Đây là con số kỷ lục trong lịch sử thị trường chứng khoán Việt Nam. Còn trên HNX, giá trị giao dịch vẫn ở mức cao, hơn 4.000 tỉ đồng. Tính chung 5 phiên trong tuần thì ở mức 13.200 tỉ đồng, trung bình đạt 2.600 tỉ đồng/phiên.
Các chuyên gia nhận định đây là một phiên nhiều bất ngờ. Đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp nhưng lượng giao dịch cũng như chỉ số trên các sàn vẫn tăng mạnh. Đặc biệt, dòng tiền lại tiếp tục "rải" đều vào các nhóm vốn hóa nhỏ và trung bình chứ không chỉ co cụm và tích lũy ở nhóm tài chính ngân hàng, cổ phiếu thép hay các nhóm bluechip như trước.
Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Phân tích Công ty Chứng khoán Yaunta Việt Nam, cho rằng thị trường tuần qua khá tích cực, tâm lý nhà đầu tư ổn định, thậm chí hưng phấn bất ngờ. Thanh khoản là điều đáng chú ý giới đầu tư với con số trên 1 tỉ USD/phiên. Đặc biệt, sau 11 phiên bán ròng con số trên vài chục ngàn tỉ đồng thì trong 2 phiên trở lại đây, khối ngoại đã mua ròng trở lại khiến nhà đầu tư an tâm hơn.
Giá trị giao dịch chứng khoán đạt đỉnh kỷ lục trong phiên giao dịch 28-5
Dòng tiền quyết định thị trường
Báo cáo về số lượng nhà đầu tư mở tài khoản tại Trung tâm Lưu ký chứng khoán trong tháng trước cho thấy vẫn là con số cao kỷ lục nhiều năm qua. Đó cũng là lý do được nhấn mạnh về dòng tiền gia tăng trên thị trường. "Covid-19 dường như không còn là nỗi lo lớn của nhà đầu tư chứng khoán. Điều có thể khiến nhà đầu tư dồn tiền vào thị trường được dự báo là do lãi suất ngân hàng đang ở mức thấp, dòng tiền nhàn rỗi sẽ đổ vào chứng khoán với mong muốn có thể tối ưu hóa lợi nhuận" - ông Nguyễn Thế Minh nhận xét.
Dòng tiền từ các nhà đầu tư cá nhân đổ vào chứng khoán chiếm đến 90% thị trường, còn lại nhà đầu tư tổ chức chỉ chiếm khoảng 10%. Dự báo thị trường trong giai đoạn tiếp theo, các chuyên gia cho rằng dựa trên chỉ số P/E (hệ số giá trên lợi nhuận một cổ phiếu) thì đỉnh cao sẽ ở mức 22 lần. Khi đó, VN-Index chỉ 1.174,46 điểm. Hiện tại, P/E đang ở mức tầm 17 lần.
Các chuyên gia cho rằng nếu so sánh P/E và chỉ số VN-Index thì trong thời gian tới, mức cản điều chỉnh của thị trường vào khoảng 1.360 điểm của VN-Index và P/E có thể chạm mốc 18 là dội lại. Có thể sẽ có sự điều chỉnh kéo dài trước khi xác lập mức giá mới trên thị trường. Tuy nhiên, nếu dòng tiền vẫn tiếp tục đổ mạnh vào, các lệnh vẫn "hấp thu" tốt thì P/E có thể lên mức 22 lần như đỉnh lịch sử VN-Index trước đây. Lạc quan hơn, một chuyên gia tài chính cho rằng thực tế nhiều mã ngân hàng P/B (giá thị trường trên giá trị sổ sách) đã tăng gấp 2,5 lần, có những mã đã gấp gần 3 lần mà cổ phiếu vẫn chưa dừng lại. Điều này cho thấy có sự hưng phấn quá đà, kéo chứng khoán lên đỉnh mới nhưng cũng khó nói trước đã dừng lại hay chưa.
Tuy vậy, nhiều ý kiến cho rằng thị trường tiềm ẩn rủi ro, nhiều nhà đầu tư chưa có kinh nghiệm cứ đổ tiền vào mà không phân tích kỹ càng. "Dòng tiền giá rẻ đang đổ mạnh vào chứng khoán, đó là điều khó tránh khỏi khi đại dịch Covid-19 diễn ra. Chưa kể, nhiều người không biết đầu tư vào đâu khi mà hàng quán, hoạt động sản xuất kinh doanh một số lĩnh vực tạm dừng nên họ lại tìm đến chứng khoán. Trong những phiên tới, dòng tiền nhiều hay ít, ổn định hay không sẽ quyết định chỉ số của chứng khoán" - ông Nguyễn Thế Minh nhận xét.
Nghẽn lệnh trở lại
Trong 3-4 phiên tuần trước, tình trạng nghẽn lệnh trên HoSE tái diễn. Tầng suất nghẽn đã được nới rộng lên theo giá trị giao dịch. Trước đây, khi giá trị giao dịch ở mức 11.000-12.000 tỉ đồng thì đã xảy ra nghẽn lệnh, sau đó tình trạng đã cải thiện lên mức 16.000 -17.000 tỉ đồng/phiên. Hiện tại, trong giai đoạn Tập đoàn FPT đang triển khai nâng cấp sửa chữa hệ thống, giá trị giao dịch trên 22.000 tỉ đồng thì lệnh lại nghẽn.
Theo các công ty chứng khoán, những phiên nghẽn lệnh gần đây là do dòng tiền đổ vào thị trường tiếp tục tăng mạnh dù hệ thống đang trong quá trình triển khai nâng cấp. Dự kiến đến tháng 7, các công ty chứng khoán sẽ hoàn thành giai đoạn thử nghiệm giải pháp chống nghẽn lệnh mà FPT đang triển khai.
Xem thêm: mth.56734150203501202-hnid-nert-gnad-naohk-gnuhc/et-hnik/nv.moc.dln