Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Bộ KHĐT) cho hay, đang xúc tiến các bước đi tiếp theo nhằm tiến tới thành lập Tổ công tác đặc biệt của Thủ tướng Chính phủ để rà soát, tháo gỡ các vướng mắc phát sinh trong việc thực hiện dự án đầu tư và sản xuất kinh doanh.
Cấp bách xóa bỏ các điểm nghẽn
Theo Bộ KHĐT, đây là nhiệm vụ được Thủ tướng Chính phủ giao cho Bộ KHĐT chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan báo cáo, đề xuất việc thành lập Tổ công tác đặc biệt của Chính phủ nhằm rà soát, tháo gỡ khó khăn cho các dự án đầu tư, sản xuất kinh doanh gặp vướng mắc trong thời gian dài tại các bộ, ngành, địa phương.
Bộ KHĐT theo đó vừa có cuộc họp với các đơn vị từ đây đề xuất kế hoạch hoạt động của Tổ công tác, đề xuất phương án xử lý những vướng mắc thuộc thẩm quyền, trách nhiệm tổ chức thực hiện pháp luật của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, cũng như đề xuất phương án hoàn thiện quy định của pháp luật có liên quan.
Thứ trưởng Bộ KHĐT - ông Trần Duy Đông - cho biết, trong thời gian qua, việc thực hiện các dự án đầu tư, sản xuất, kinh doanh ở các địa phương trên cả nước đã góp phần tích cực vào việc huy động các nguồn lực, trong đó có nguồn vốn ngoài ngân sách nhà nước đầu tư cho phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Tuy nhiên, quá trình thực hiện các dự án đầu tư ở địa phương cho thấy, do nhiều nguyên nhân khác nhau, một số dự án đã được chấp nhận chủ trương đầu tư, cấp giấy chứng nhận đầu tư nhưng không được triển khai thực hiện hoặc thực hiện không đúng tiến độ đăng ký, trong đó có không ít dự án bị chậm tiến độ hàng chục năm, gây lãng phí nguồn lực đất đai, làm phát sinh tranh chấp, khiếu kiện và bức xúc trong dư luận xã hội. Ông Trần Duy Động nhận định, thực trạng này đã và đang trở thành điểm nghẽn cho đầu tư phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời làm ảnh hưởng đáng kể đến môi trường đầu tư kinh doanh nói chung cũng như hiệu quả thu hút đầu tư của các địa phương nói riêng.
Do vậy, việc tổ chức rà soát, xác định các dự án thực hiện không hiệu quả, chậm tiến độ, đánh giá nguyên nhân khách quan, chủ quan và đề xuất giải pháp chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện để các dự án này thực hiện có hiệu quả là cần thiết, cấp bách nhằm xóa bỏ điểm nghẽn, khơi thông nguồn lực cho đầu tư phát triển kinh tế - xã hội ở các địa phương.
Hàng loạt địa phương chưa thể giải ngân
Trong khi đó theo Bộ Tài chính, dù có cải thiện so với 3 tháng đầu năm, giải ngân kế hoạch vốn đầu tư 4 tháng đầu năm 2021 ước đạt trên 86.010 tỉ đồng, bằng 18,65% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, tỉ lệ này giảm nhẹ so với cùng kỳ năm 2020 (18,98%). Trong đó, vốn trong nước đạt trên 20%, vốn nước ngoài đạt trên 2%.
Đáng chú ý, có 5 bộ và 10 địa phương có tỉ lệ giải ngân đạt trên 20% kế hoạch, còn lại hầu hết các bộ, cơ quan trung ương và địa phương có tỉ lệ giải ngân đạt thấp. Nhiều địa phương thậm chí chưa giải ngân được đồng vốn nào.
Theo đánh giá của Bộ Tài chính, hàng loạt các vướng mắc về công tác giải phóng mặt bằng đã ảnh hưởng đến kế hoạch giải ngân vốn của các đơn vị. Trong đó đang có sự chênh lệch lớn giữa giá đất nhà nước thu hồi với giá đền bù của nhà đầu tư theo cơ chế thỏa thuận, dẫn đến nhiều trường hợp có đất thuộc diện nhà nước thu hồi yêu cầu bồi thường với giá cao hơn quy định và yêu cầu thỏa thuận. Chưa kể, công tác quản lý đất đai tại nhiều địa phương còn lỏng lẻo, việc xác định nguồn gốc đất gặp khó, trong khi đó quy trình thủ tục pháp lý của công tác thu hồi đất tại một số nơi chưa chặt chẽ, chưa công khai minh bạch đã dẫn đến khiếu nại, khiếu kiện.
Đồng thời còn có thêm các bất cập trong công tác tổ chức đấu thầu, dẫn đến việc lựa chọn nhà thầu yếu kém, không đủ năng lực nên ảnh hưởng đến tiến độ thi công, khiến công tác giải ngân bị trì hoãn.
Thực tế theo Bộ KHĐT, kết quả giải ngân vốn đầu tư công 3 tháng đầu năm 2021 mới đạt 13,17% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Một diễn biến đáng lo ngại là tính đến cuối tháng 3.2021, bên cạnh một số bộ, ngành và địa phương có tiến độ giải ngân đạt khá, vẫn còn 31 bộ, ngành chưa giải ngân kế hoạch.
Đáng chú ý là đối với vốn nước ngoài, duy nhất có Bộ Giao thông Vận tải giải ngân, còn lại toàn bộ các bộ, ngành và địa phương đều chưa giải ngân kế hoạch vốn nước ngoài nguồn ngân sách trung ương năm 2021.
Theo đó để đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân vốn đầu tư công, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tạo việc làm, thu nhập cho người lao động, Bộ KHĐT cho rằng các địa phương cần nhận diện cụ thể các vướng mắc, khó khăn, nguyên nhân khách quan, chủ quan dẫn đến giải ngân chậm của từng dự án, đặc biệt vướng mắc, tồn tại cố hữu từ lâu nhưng đến nay chưa được xử lý dứt điểm. Từ đây đề xuất các giải pháp đồng bộ, khả thi, hiệu quả nhằm khắc phục hạn chế, tồn tại, vướng mắc trong công tác giải ngân vốn đầu tư công.
Các giải pháp đề xuất cần được phân thành 2 nhóm gồm giải pháp về hoàn thiện thể chế pháp luật (các quy định pháp luật liên quan đến các bước triển khai một dự án từ thủ tục đầu tư, kế hoạch, giải phóng mặt bằng, thi công…) và giải pháp về tổ chức thực hiện, trong đó đề xuất giải pháp cho từng loại dự án như dự án chuyển tiếp, dự án khởi công mới, dự án thanh toán nợ đọng xây dựng cơ bản, thu hồi vốn ứng trước đảm bảo giải ngân nhanh theo đúng quy định.
Vốn đầu tư dự án FDI tăng vọt tại các khu công nghiệp
Theo số liệu vừa được Bộ KHĐT công bố, bất chấp những diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, trong 5 tháng đầu năm 2021 các khu công nghiệp (KCN), khu kinh tế (KKT) cả nước thu hút được khoảng 291 dự án đầu tư nước ngoài (FDI) với số vốn đăng ký mới và tăng thêm đạt khoảng 6,02 tỉ USD, tăng khoảng 10,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Các KCN, KKT đồng thời thu hút được khoảng 271 dự án đầu tư trong nước với số vốn đăng ký mới và tăng thêm đạt khoảng 53,2 nghìn tỉ đồng. V.N
Xem thêm: odl.549419-ut-uad-gnort-nehgn-meid-aox-taos-ar/et-hnik/nv.gnodoal