Nhiều sai phạm trong lĩnh vực chứng khoán bị cơ quan chức năng xử lý trong thời gian qua - Ảnh: Minh AN |
Nhiều rủi ro về trái phiếu doanh nghiệp
Theo đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Trần Thị Hồng Thanh (tỉnh Ninh Bình), thị trường trái phiếu (TP) doanh nghiệp (DN) phát triển mạnh mẽ, là kênh cấp vốn trung và dài hạn cho DN. Tuy nhiên, đi liền với sự tăng trưởng “nóng” của TP DN là những rủi ro tiềm ẩn về chất lượng sản phẩm khi có nhiều loại TP phát hành không có tài sản bảo đảm, không được xếp hạng tín nhiệm. Chưa kể, nhiều TP DN đến kỳ đáo hạn nhưng “sức khỏe” DN, nhất là DN bất động sản, đang sụt giảm do chịu tác động của dịch COVID-19.
Lấy dẫn chứng từ vụ vi phạm pháp luật trong phát hành TP của Tập đoàn Tân Hoàng Minh, bà Trần Thị Hồng Thanh cho rằng, hoạt động này vẫn còn những điều bất cập, như điều kiện phát hành còn lỏng lẻo, tiêu chí phát hành, kiểm tra, giám sát của cơ quan liên quan chưa hiệu quả. Do đó, DN có thể phát hành TP nhưng sử dụng sai mục đích, chuyển nhượng vốn lòng vòng, không minh bạch thông tin; nhiều cá nhân đầu tư chưa được trang bị kiến thức về pháp luật, và thị trường, mua bán theo tin đồn, tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Theo ĐBQH Trịnh Xuân An (tỉnh Đồng Nai), qua các vụ việc vi phạm, có thể thấy thị trường vốn bộc lộ sự “mong manh, dễ bị thao túng, tác động, can thiệp”. ĐB này cho rằng, cần xem lại chính sách quản lý với thị trường quan trọng này, tránh tình trạng “lúc quá mở, lúc lại quá nghẹt”, ảnh hưởng xấu tới các kênh dẫn vốn của nền kinh tế. Nếu không có sự nhất quán, sẽ có nguy cơ vỡ nợ, dẫn tới hiệu ứng domino trong thị trường vốn.
Cần sửa luật
ĐBQH Trần Thị Hồng Thanh kiến nghị, Chính phủ cần rà soát lại các chính sách để sửa đổi, hoàn thiện hành lang pháp lý đối với hoạt động phát hành TP DN: “Muốn phát hành TP, DN phải có tài sản đảm bảo, phải được các tổ chức độc lập đánh giá, xếp hạng tín nhiệm. Cần có quy định về minh bạch hóa thông tin, an toàn tài chính, mục đích phát hành TP để DN sử dụng đúng nguồn vốn huy động”.
Theo bà, mua bán nợ chuyên nghiệp giúp đẩy nhanh dòng vốn, chia sẻ rủi ro trên thị trường, nhưng hoạt động này ở Việt Nam vẫn còn sơ khai, công cụ và hành lang pháp lý đều chưa đảm bảo. Do đó, cần sớm xây dựng khuôn khổ pháp lý cho hoạt động này.
Về những trăn trở của nhiều ĐB, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc khẳng định, thị trường chứng khoán trong thời gian qua vẫn “rất tốt”. Ông dẫn chứng, năm 2021, thị trường cổ phiếu tăng trưởng tới 46,7% so với năm 2020; TP DN chiếm 15% GDP, tỷ lệ này hiện vẫn thấp hơn so với khu vực. Do đó, thị trường này còn rất nhiều tiềm năng để tiếp tục phát triển.
Về các vụ vi phạm trong thị trường cổ phiếu, TP, Bộ trưởng Bộ Tài chính cho rằng, đó là do các DN cố ý thao túng chứng khoán, lừa dối khách hàng, giả mạo hồ sơ, tài liệu… Bộ Tài chính đã nhiều lần cảnh báo rủi ro về TP DN phát hành riêng lẻ để nhà đầu tư cẩn trọng khi tham gia.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Bộ Tài chính cũng chỉ ra một số thiếu sót, các lỗ hổng trên thị trường chứng khoán. Chẳng hạn, Luật Chứng khoán hiện hành không hạn chế điều kiện phát hành nên DN đang làm ăn thua lỗ cũng được phát hành cổ phiếu; luật cũng không khống chế mục đích phát hành. Do đó, tới đây, bộ sẽ kiến nghị sửa đổi luật này. Ngoài ra, Bộ Tài chính cũng đang trình Chính phủ dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 153 về chào bán, giao dịch TP DN riêng lẻ.
Xem xét giảm thuế, phí để hạ giá xăng dầu Giá xăng tiếp tục tăng “sốc” là một trong những vấn đề mà các ĐBQH quan tâm. ĐB Nguyễn Đại Thắng (tỉnh Hưng Yên) phân tích, giá xăng dầu cao là một trong những nguyên nhân khiến giá hàng hóa gia tăng. ĐBQH Hoàng Văn Cường (TP.Hà Nội) cho rằng, với mức giá xăng tăng quá cao như thời gian qua, cả người dân, nền kinh tế đều chịu ảnh hưởng nặng nề. Theo ông, một trong những biện pháp đối phó là cắt bớt thuế, phí. Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cũng cho rằng, cắt giảm thuế, phí để giảm giá xăng dầu cũng là một giải pháp. Bộ Tài chính sẽ cân nhắc để báo cáo QH về vấn đề này, bởi việc này thuộc thẩm quyền của QH. Tuy nhiên, ông cũng lo rằng, giá xăng, dầu trong nước xuống thấp và chênh lệch nhiều so với các nước trong khu vực thì sẽ có “dòng chảy” ra bên ngoài. Do đó, phải tính đến vấn đề ngăn chặn buôn lậu xăng, dầu qua biên giới. Về lâu dài, để ổn định giá xăng, dầu, phải đảm bảo được nguồn cung. Do đó, cần phải tăng công suất, hiệu quả khai thác của hai nhà máy lọc dầu Dung Quất và Nghi Sơn. |
Minh Quang
Xem thêm: lmth.0615641a-naohk-gnuhc-gnourt-iht-nert-gnoh-ol-tib/nv.moc.enilnounuhp.www