Từng bước hướng dòng vốn tín dụng vào lĩnh vực sản xuất, dịch vụ, nông nghiệp, Ngân hàng Nhà nước đã yêu cầu các ngân hàng giám sát chặt chẽ tín dụng vào lĩnh vực bất động sản và hạn chế tín dụng đối với đầu tư bất động sản cao cấp, bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng và đầu cơ bất động sản.
Cùng với đó, Chính phủ cũng yêu cầu cần giám sát thị trường trái phiếu doanh nghiệp do rủi ro vi phạm phát hành và đấu giá quyền sử dụng đất.
Tất cả những yếu tố này đang khiến thị trường bất động sản có những diễn biến chậm lại. Quý 3 sắp tới được giới chuyên gia nhận định thị trường sẽ ‘đứng lại’ để chờ đợi…
Nhà đầu tư sẽ có tâm lý chờ đợi, thị trường bất động sản quý 3/2022 sẽ 'đứng lại', thanh khoản chậm.... (Ảnh: Minh Thư) |
Đưa ra nhận định về thị trường bất động sản thời gian tới với PV Infonet, chuyên gia bất động sản Trần Khánh Quang cho biết, sau các vụ liên quan đến trái phiếu doanh nghiệp, đấu giá; cùng với việc hạn chế tín dụng cho bất động sản… khiến thanh khoản trên thị trường giảm, tâm lý nhà đầu tư e ngại, giao dịch khó khăn với các bất động sản ở tỉnh xa giá trị lớn.
“Các sản phẩm bất động sản ở tỉnh có giá trị trên 20 tỷ đồng giao dịch khó, bất động sản trên 10 tỷ đồng cũng phải giảm giá khoảng 5% mới có khách mua. Các dự án siêu sang, triệu đô giao dịch cũng đang chậm lại. Tuy nhiên, lượng người chưa sở hữu bất động sản thứ hai hiện vẫn đang có nhu cầu lớn, vì thế những sản phẩm ngoài tỉnh, ven thành phố có giá trị dưới 2 tỷ đồng vẫn có giao dịch tốt”, ông Quang cho hay.
Trong lúc đó, các chủ đầu tư mới vẫn đưa những mức giá bán hàng sơ cấp rất cao nên thị trường đang đứng giữa sự giằng co.
“Thị trường đang đứng yên nhưng chủ đầu tư vẫn ra hàng với giá cao, vô tình làm thị trường đang chậm giao dịch lại tiếp tục chậm. Giá không giảm nhưng giao dịch giảm. Theo tôi, trong quý 3, thị trường bất động sản sẽ ‘đứng lại’ để chờ đợi hành động kế tiếp của chính sách nhà nước cũng như cách thay đổi nhìn nhận thị trường của doanh nghiệp”, ông Quang nói.
Vì thế, theo vị chuyên gia này, các công ty lớn nên tái cơ cấu sản phẩm, đưa ra thị trường những sản phẩm mang tính khả thi, giá vừa phải đủ đảm bảo lợi nhuận, không đưa mức giá quá cao chỉ phục vụ giới khách hàng cao cấp.
“Quý 3 là thời gian nhà đầu tư chờ đợi chính sách nhà nước có sự thay đổi gì không và chờ đợi doanh nghiệp có cơ cấu lại sản phẩm cho phù hợp thị trường hay không… Vì thế, quý 3 giao dịch bất động sản sẽ chậm lại”, ông Quang nhận định.
Còn sang quý cuối năm, ông Quang cho rằng, nếu chính sách nhà nước tốt, doanh nghiệp tái cơ cấu sản phẩm, thị trường bất động sản sẽ ổn định và tiếp tục tăng trưởng. Nếu chính sách vẫn như hiện nay, không có gì thay đổi thì thị trường bất động sản quý 4 có khả năng giảm.
Theo ông Quang, nhà đầu tư tham gia thị trường bất động sản hiện nay cần lưu ý vấn đề vay ngân hàng, nếu buộc phải vay chỉ nên vay ở mức 30-50%. Đồng thời, phải biết chờ đợi khi mua sản phẩm bất động sản, khoảng 1-2 năm.
“Khi mua bất động sản nào cần chọn kỹ về giá, so sánh giá hiện hữu ở địa phương, giá của các dự án tương tự. Phải tái cơ cấu lại về tiền mặt, nên dự trữ khoảng 20-30% lượng tiền mặt trong thời điểm hiện nay”, chuyên gia Trần Khánh Quang lưu ý.
Cũng đưa ra nhận định về thị trường bất động sản mới đây, Công ty CP Chứng khoán VNDirect nhận định, ngành bất động sản đang đối mặt với nhiều thách thức làm ảnh hưởng đến triển vọng ngành. Cụ thể, lãi suất tăng ảnh hưởng đến quyết định mua nhà, giá vật liệu tăng có thể làm tăng giá nhà ở và thắt chặt các khoản vay ngân hàng vào lĩnh vực bất động sản, giám sát chặt chẽ hơn trong việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp.
Theo VNDirect, các chủ đầu tư có thể sẽ gặp thách thức trong việc huy động vốn trong vài quý tới. Do đó, hoạt động bán hàng có thể sẽ được đẩy mạnh trong khi mở rộng quỹ đất sẽ chậm lại, giúp giá nhà đất hạ nhiệt trong các quý còn lại của năm.
Tuy nhiên, các doanh nghiệp bất động sản có quỹ sản phẩm sẵn sàng bán lớn và bảng cân đối tài chính lành mạnh sẽ vẫn có mức tăng trưởng lợi nhuận ổn định trong 2022 - 2023. Về lâu dài, triển vọng thị trường vẫn tích cực.
Theo Minh Thư
Infonet