vĐồng tin tức tài chính 365

Nông dân không thiếu kiến thức, họ chỉ thiếu "động cơ để thay đổi"

2022-06-11 07:46

Bên lề buổi Hội thảo “Xây dựng đề án phát triển chuỗi giá trị nông nghiệp Các bon thấp” do Bộ NN-PTNT phối hợp với World Bank (WB) tổ chức, Người Đưa Tin đã có buổi trò chuyện với chuyên gia cao cấp về nông nghiệp của WB, ông Cao Thanh Bình.

NĐT: Bài tham luận của ông tại Hội thảo xây dựng đề xuất dự án phát triển chuỗi giá trị nông nghiệp Các bon thấp rất đã đưa ra con số cụ thể, giảm thải 9 triệu tấn Các bon trong 10 năm tới đây tại Việt Nam, điều mà ít diễn giả dám khẳng định. Ông có thể chia sẻ một chút về cơ sở nghiên cứu của mình?

Ông Cao Thanh Bình: Con số 9 triệu tấn khí Các bon sẽ được giảm mà tôi đưa ra, dựa trên các số liệu nghiên cứu thực tế, là kết quả của sự phối hợp giữa WB và Bộ NN-PTNT Việt Nam trong thời gian 2 năm vừa qua. Nó hoàn toàn có đủ căn cứ và biện chứng khoa học để áp dụng vào điều kiện thực tiễn tại Việt Nam.

Kinh tế vĩ mô - Nông dân không thiếu kiến thức, họ chỉ thiếu 'động cơ để thay đổi'

Chuyên gia cao cấp về nông nghiệp của WB, ông Cao Thanh Bình (ảnh Lê Tuấn)

NĐT: Đặc thù của nông nghiệp Việt Nam là đa dạng địa hình và khí hậu, mỗi tỉnh thành, khu vực có một điều kiện tự nhiên, văn hóa, tập quán sản xuất nông nghiệp khác nhau. Vậy thì những giải pháp nhằm giảm phát thải khí nhà kính ông vừa đưa ra, có thể áp dụng đồng thời hay không?

Ông Cao Thanh Bình: Mỗi vùng miền của Việt Nam đều có một lợi thế đối với một số ngành hàng nhất định trong sản xuất nông nghiệp, nhưng nhìn chung, trong thập kỷ vừa qua, chúng ta tập trung tăng trưởng số lượng hơn là chất lượng nên nông nghiệp có khuynh hướng chạy theo năng suất, ít để ý đến công tác sử dụng hợp lý nguyên liệu đầu vào. Các tập quán sản xuất được người dân sử dụng thường mang tâm lý “thừa hơn thiếu” trong việc sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật. Tôi lấy ví dụ, trong sản xuất nông nghiệp tại ĐBSCL, người dân thường sử dụng “thừa” hơn 30% so với yêu cầu của khuyến nông, điều này đem lại một sự lãng phí rất lớn.

Nếu chúng ta đưa về mức sử dụng vừa đủ các chất phụ trợ cho sản xuất nông nghiệp sẽ có thể tiết kiệm chi phí sản xuất rất nhiều, qua đó, mục tiêu về giảm thiểu phát thải khí nhà kính, bảo vệ môi trường cũng đạt được. Xu thế tiêu dùng thế giới hiện nay, nếu chúng ta để lại quá nhiều các chỉ dấu môi trường (hàm lượng thuốc bảo vệ thực vật, phân bón hóa học…-PV) thì sản phẩm nông sản cũng sẽ bị tẩy chay.

NĐT: Ông vừa đề cập đến việc sử dụng hợp lý các chất phụ gia nông nghiệp nhưng vấn đề này còn khá mới mẻ với nhiều nông dân Việt Nam. Vậy theo ông, chúng ta cần phải có giải pháp ra sao để phổ cập sâu, rộng những kiến thức này?

Ông Cao Thanh Bình: Chúng ta có một sai lầm, đó là luôn suy nghĩ người nông dân thiếu kiến thức, thật ra, họ chỉ thiếu động cơ để thay đổi mà thôi. Tôi nói về hiệu quả của công tác khuyến nông, theo phương pháp truyền thống, chúng ta cung cấp cho họ nhiều hơn số lượng thông tin cần thiết nhưng chưa chắc đã đủ tác động để họ thay đổi hành vi. Để đạt được hiệu quả trong việc khuyến khích áp dụng các phương pháp sản xuất mới, thân thiện với môi trường, ngoài thông tin còn cần một số cơ chế, chính sách phù hợp.

Bên cạnh đó, đại đa số người dân có tâm lý học lẫn nhau, “thấy mới tin”, do vậy chúng ta phải xây dựng những mô hình sản xuất bắt đầu từ lợi ích của người dân chứ không phải từ lợi ích của Nhà nước. Khuyến nông phải giải quyết được các khó khăn thực tế của người sản xuất, khi đã làm được điều này, việc họ tự học hỏi lẫn nhau sẽ rất nhanh. Tôi lấy ví dụ, dự án VnSAT được triển khai trong sản xuất lúa gạo và cà phê giúp người nông dân giữ nguyên được năng suất nhưng lại tiết kiệm được khoảng 30% chi phí sản xuất đồng nghĩa với biên lợi nhuận tăng trưởng đã kích thích sự thay đổi rất lớn.

Để nhân rộng mô hình thành công, cách khuyến nông tốt nhất là mỗi người dân tự dành ra một phần nhất định trong diện tích canh tác của mình để áp dụng phương pháp sản xuất mới, điều này sẽ giúp họ nhìn nhận rõ ràng hơn hiệu quả, năng suất.

Kinh tế vĩ mô - Nông dân không thiếu kiến thức, họ chỉ thiếu 'động cơ để thay đổi' (Hình 2).

NĐT: Như ông vừa chia sẻ, mỗi người dân tự dành ra một phần diện tích canh tác để thử nghiệm, điều này có gây ra sự lãng phí? Tại sao chúng ta không nâng vấn đề ở tầm vĩ mô hơn, ví dụ, mỗi tỉnh thành dành ra một phần diện tích canh tác theo phương pháp mới rồi đưa người dân tham quan mô hình thành công này để họ tự quyết định?

Ông Cao Thanh Bình: Nhà nước không có quy định cứng về các phương pháp canh tác mà người dân phải thực hiện theo, phần lớn chỉ mang tính chất hướng dẫn và khuyến khích. Nếu theo phương án anh vừa đề cập thì Nhà nước lại không có đất, chính vì vậy, cần phải có sự hợp tác từ phía người dân. Ở đây, chúng ta cần tính đến tỷ lệ rủi ro, nếu Nhà nước quy định một vùng diện tích, bắt người dân phải thực hành sản xuất theo phương pháp chỉ định thì sẽ có khả năng người dân khiếu kiện nếu sản xuất thất bại. Các cơ quan quản lý Nhà nước chỉ nên ra chủ trương và khuyến khích người dân tham gia trên cơ sở tự nguyện.

Mọi sự phát triển đều cần một chu trình quá độ, chúng ta có thể lựa chọn bắt đầu từ những con người sẵn sàng thay đổi, có đủ hiểu biết và đủ tiềm lực. Đây chính là những nhân tố tuyên truyền tốt nhất cho mọi chính sách, Nhà nước chỉ nên đóng vai trò hỗ trợ, không nên là đối tượng thực hiện.

Lực hút thị trường cũng là một tác nhân rất lớn, ảnh hưởng đến hành vi sản xuất. Chúng ta cần học cách tư duy, nông sản này sẽ bán ở đâu, cho ai, lợi nhuận ra sao…trước khi đi vào quyết định sản xuất. Nếu xác định rõ được thị trường cần gì, yêu cầu ra sao, lẽ tất nhiên, người dân sẽ sản xuất theo những mục tiêu đó.

NĐT: Tại COP 26, Thủ tướng Chính phủ đã cam kết, đến năm 2050, Việt Nam sẽ là đưa mức phát thải ròng khí nhà kính về 0. Vậy theo ông, để hoàn thành được mục tiêu trên, kinh tế Việt Nam nói chung, ngành nông nghiệp nói riêng cần bắt đầu từ đâu?

Ông Cao Thanh Bình: Đó là cam kết chung của cả quốc gia nhưng đi vào thực hiện, chúng ta cần phân bổ cụ thể theo từng ngành. Nói riêng trong lĩnh vực nông nghiệp, việc giảm phát thải khí CO2 của chúng ta đang dựa nhiều vào lâm nghiệp để tăng sự hấp thụ, bù trừ cho chỉ số phát thải ròng. Đó cũng là một giải pháp nhưng mọi sự hấp thụ đều có giới hạn nhất định. Tôi ví dụ, phát thải hiện tại của cả ngành nông nghiệp hiện tại là 100 triệu tấn CO2 mỗi năm, các cây lâm nghiệp giúp hấp thu khoảng 56 triệu tấn, tôi cho rằng đây đã là giới hạn cực đại bởi nếu tăng diện tích cây lâm nghiệp quá lớn sẽ dẫn đến mất cân bằng hệ sinh thái. Để hoàn thành mục tiêu như Thủ tướng đã cam kết, cần sự vào cuộc đồng bộ của tất cả các ngành khác như lúa gạo, chăn nuôi…Như các giải pháp tôi đã trình bày trong tham luận của mình, có thể giúp ngành lúa gạo giảm phát từ thải từ 10 đến 20 triệu tấn CO2 và ngành chăn nuôi là 5-6 triệu tấn mỗi năm.

Điều quan trọng nhất là chúng ta phải xác định rõ, ngành nào hiện đang phát thải nhiều nhất để từ đó áp dụng những lộ trình phù hợp. Cần tiến hành song song hai biện pháp, tăng hấp thụ và giảm phát thải.

NĐT: Trong quá trình thực hiện, WB sẽ dành cho Việt Nam những sự trợ giúp nào?

Ông Cao Thanh Bình: WB có một cơ chế hỗ trợ chung cho tất cả các dự án, không phân biệt lĩnh vực, ngành nghề. Nhưng riêng đối với mảng nông nghiệp của Việt Nam, chúng tôi có thể hỗ trợ nhiều hơn bằng cách trợ giúp tìm kiếm thêm các nguồn tài trợ không hoàn lại từ các Quỹ môi trường toàn cầu, Quỹ Các bon toàn cầu…để bớt đi phần vốn vay.

Mặt khác, chương trình hỗ trợ chống biến đổi khí hậu, giảm phát thải khí nhà kính là chương trình ưu tiên toàn cầu của WB nên chúng tôi có thể cung cấp thêm các giải pháp kỹ thuật, kinh nghiệm thành công của các quốc gia khác để Việt Nam nghiên cứu, học hỏi.

NĐT: Xin cám ơn ông!

Trong bài phát biểu tham luận tại Hội thảo ““Xây dựng đề án phát triển chuỗi giá trị nông nghiệp Các bon thấp”, ông Cao Thanh Bình đã đặt ra mục tiêu giảm thải 9 triệu tấn CO2 trong vòng 10 năm tới đây, kèm theo đó là bốn giải pháp hết sức cụ thể, nhận được nhiều sự đồng thuận của các đại biểu tham dự. Bốn giải pháp đó là, áp dụng mô hình sản xuất tiên tiến, chuyển đổi các diện tích nông nghiệp kém hiệu quả sang các hệ thống canh tác phát thải Các bon thấp, hấp thụ Các bon, quản lý khoa học các phế phẩm nông nghiệp và giảm thiểu tổn thất sau thu hoạch.

Xem thêm: lmth.700655a-iod-yaht-ed-oc-gnod-ueiht-ihc-oh-cuht-neik-ueiht-gnohk-nad-gnon/nv.nitaudiougn.www

Comments:0 | Tags:No Tag

“Nông dân không thiếu kiến thức, họ chỉ thiếu "động cơ để thay đổi"”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools