Không được đánh giá cao như Nhật Bản và Hàn Quốc, nhưng các cầu thủ U23 Saudi Arabia (phải) lúc này lại giàu kinh nghiệm thi đấu hơn - Ảnh: AFC
"Có bao nhiêu cầu thủ chơi bóng ở châu Âu" - từ lâu đã trở thành thang đánh giá cho sức mạnh một nền bóng đá ở châu Á. Một yếu tố khác là giá trị chuyển nhượng - căn cứ theo trang web nổi tiếng Transfermarkt (có trụ sở ở Đức).
Cả hai yếu tố này đều là cách nhìn nhận dựa trên những giá trị mà bóng đá phương Tây đặt ra. Sự phát triển vượt bậc của bóng đá Hàn Quốc và Nhật Bản trong khoảng 10 năm trở lại đây đã phản ánh mức độ hợp lý của thang đánh giá này.
Saudi Arabia nằm ngoài thang đánh giá của châu Âu
Nhưng Saudi Arabia lại là một nền bóng đá nằm ngoài hệ thống định giá của châu Âu, vì họ nói không với việc cho cầu thủ xuất ngoại. Hầu như không có tuyển thủ (từ đội tuyển quốc gia cho đến các đội tuyển trẻ) nào của Saudi Arabia đang chơi bóng ở châu Âu.
Họ cũng có một số cầu thủ trẻ sang phương Tây chơi bóng, nhưng đều bị ngó lơ trong các lần triệu tập lên tuyển (thực chất là không đủ tài năng).
Nhưng chuyện gì cũng có hai mặt. Trong thời đại toàn cầu hóa, bóng đá Saudi Arabia trở nên khá lỗi thời. Từ chỗ thống trị những năm thập niên 1980 - 1990, Saudi Arabia sa sút hẳn trong khoảng 10 năm trở lại đây. Cụ thể, đã 3 kỳ Asian Cup gần nhất họ không lọt vào được vòng bán kết.
Dù vậy, Saudi Arabia lại gặp nhiều thuận lợi trong việc tập trung các đội tuyển trẻ của mình khi toàn bộ các cầu thủ đều chơi bóng ở giải quốc nội. Họ không phải lo lắng về việc "xin xỏ" CLB chủ quản nhả người, hay ưu tiên cho những ngôi sao phát triển sự nghiệp ở châu Âu...
"Già đời" nhất giải
U23 châu Á là một giải đấu có đặc tính kỳ lạ bởi tuy tổ chức 2 năm/lần, nhưng giải đấu lại thường chỉ khốc liệt với mật độ 4 năm/lần. Điều này đến từ vé dự Olympic. Trong những năm tổ chức trước thềm Olympic (như giải năm 2016 và 2020), VCK U23 châu Á còn mang tính chất vòng loại cho Olympic.
VCK U23 châu Á 2022 không mang đặc tính này. Vì vậy, trước giải giới chuyên môn đã đánh giá đây có thể sẽ là giải đấu có nhiều bất ngờ như năm 2018 khi các đội bóng mạnh không mang lực lượng mạnh nhất đến Uzbekistan.
Thực tế, Hàn Quốc chỉ có 4 cầu thủ từng khoác áo tuyển quốc gia, Úc và Nhật không có cầu thủ nào (Nhật thậm chí còn sử dụng toàn đội trong lứa tuổi U21). Còn với Saudi Arabia, con số này là 13.
Những ngôi sao trong lứa tuổi U23 của Hàn Quốc và Nhật Bản được ưu tiên cho tuyển quốc gia, hơn là đội tuyển U23. Điển hình như Takefusa Kubo (Real Madrid) của Nhật hay Jeong Woo Yeong của Hàn Quốc (Freiburg) hiện đang theo chân đội tuyển tham dự các giải đấu giao hữu mùa hè, thay vì chiến đấu ở VCK U23 châu Á.
Các đội U23 Hàn Quốc, Nhật Bản, Iran lẫn Úc hiện tại đều không phải đội mạnh nhất trên lý thuyết của họ. Một thống kê khác chỉ ra điều này là thời lượng thi đấu ở các giải vô địch quốc gia (cấp CLB).
Thống kê cho thấy các cầu thủ U23 Iran hiện tại từng thi đấu tổng cộng 18.494 phút ở giải vô địch quốc gia cấp CLB, Nhật là 25.688 phút, Úc là 33.781 phút, Hàn Quốc là 34.313 phút, trong khi Saudi Arabia là 39.868 phút.
Vì vậy, U23 Saudi Arabia tuy có thể không phải là đội mạnh nhất VCK U23 châu Á, nhưng là đội bóng "già đời" nhất giải.
Giải đấu đắt giá nhất châu Á
Sau khi bị chính phủ siết chặt các quy định lương bổng, Chinese Super League (Trung Quốc) nhanh chóng sụp đổ. Vì vậy, hiện Saudi Professional League của Saudi Arabia mới là giải đấu đắt giá nhất, khi được Transfermarkt định giá 350 triệu USD, xếp trên cả J-League 1 (Nhật, 294 triệu) hay K-League 1 (Hàn Quốc, 176 triệu)...
Với việc quy tụ nhiều ngôi sao ngoại quốc, Saudi Professional League cũng tạo nhiều cơ hội cọ xát, tiếp cận với trình độ thế giới cho các cầu thủ trẻ của họ.
TTO - Với thắng lợi tối thiểu 1-0 trước U23 Turkmenistan ở tứ kết tối 11-6, U23 Úc đã giành tấm vé đầu tiên giành quyền góp mặt tại bán kết Giải U23 châu Á 2022.