Sáng 13.6, thay mặt Chính phủ, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam báo cáo trước Quốc hội về dự thảo luật Khám bệnh, chữa bệnh (KCB) sửa đổi.
Phó thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu ngày 13.6 tại Quốc hội gia hân |
Theo Phó thủ tướng, vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm là xã hội hóa và liên doanh, liên kết trong bệnh viện công. Mặc dù luật KCB năm 2009 đã có bước chuyển rất lớn, bước ngoặt nhưng đến nay chúng ta mới có 318 bệnh viện tư thục, 38.000 các phòng khám của tư nhân.
“Tôi dùng từ là "mới có" bởi vì thực tế số này mới đáp ứng được 5,16% tổng số giường bệnh, đây là một tỷ lệ rất thấp. Chúng ta cần phải có các giải pháp để phát triển mạnh mẽ hơn. Tuy nhiên, nó không chỉ liên quan đến luật này mà còn liên quan đến nhiều luật khác, như về đầu tư, về đất đai, về ngân sách nhà nước”, Phó thủ tướng cho biết.
Theo Phó thủ tướng Vũ Đức Đam, có một vấn đề quan trọng là giá dịch vụ của các bệnh viện tư, hiện nay vẫn đang băn khoăn quy định theo hướng có khung giá hay để các cơ sở tư nhân tự quyết định.
“Báo cáo với Quốc hội, chúng ta chắc chắn phải quản lý giá dịch vụ y tế dù đó là bệnh viện công hay bệnh viện tư nhưng chúng ta quản lý bằng rất nhiều công cụ, trong đó trước hết phải phát huy mạnh mẽ hơn tất cả các công cụ đã được luật định trong pháp luật về giá. Chúng ta không buông lỏng nhưng cũng phải để quyền tự chủ cho y tế tư nhân được phát triển tốt hơn”, Phó thủ tướng nói và cho biết thêm, mục tiêu đến năm nay lẽ ra phải là 10% số giường bệnh nhưng mới đạt được một nửa. Các chuyên gia nước ngoài khuyến nghị, trong vòng khoảng 10 - 20 năm, Việt Nam phải cố gắng đạt trên 25% số giường bệnh từ y tế tư nhân.
Về vấn đề liên doanh, liên kết trong bệnh viện công lập là đặc thù với Việt Nam, nên khó nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế để áp dụng. Mô hình này duy nhất có ở Việt Nam.
“Ở các nước thì công là công, tư là tư. Khi anh đã liên doanh, liên kết với tư nhân nghĩa là anh hạch toán theo tư nhân. Mô hình liên doanh, liên kết này và khám, chữa bệnh theo yêu cầu của các bệnh viện công thực sự giải quyết bài toán thực tế của Việt Nam trong thời gian vừa qua, nhưng tới đây luật pháp cũng cần quy định rõ hơn. Chìa khóa mà các tổ chức quốc tế khuyến nghị chỉ có một cách là công khai, minh bạch tất cả các khoản thu từ các khám, chữa bệnh theo yêu cầu, thu bao nhiêu và chi bao nhiêu từ đó”, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết thêm.