Trong phiên thảo luận của Quốc hội mới đây, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc nhìn nhận, thời gian qua có sự trốn thuế, trục lợi về thuế trong công tác chuyển nhượng bất động sản.
Bộ trưởng dẫn chứng, có những trường hợp ban đầu kê khai 500 triệu đồng, sau khi được giải thích thì kê khai lại là 10 tỷ đồng, có trường hợp kê khai lại gấp đến 40 lần.
Để chống thất thu thuế chuyển nhượng bất động sản, Bộ trưởng cho biết, sắp tới Bộ Tài chính sẽ đề nghị các địa phương xây dựng hệ số điều hành, dữ liệu về mua bán bất động sản để tăng cường minh bạch trong thu thuế chuyển nhượng bất động sản. Đặc biệt, Bộ Tài chính cũng đề xuất việc cần bổ sung quy định giao dịch chuyển nhượng bất động sản phải thanh toán qua ngân hàng.
Trước đó, tại đề án “Tăng cường quản lý thuế và chống thất thu đối với hoạt động kinh doanh bất động sản”, Tổng cục Thuế cũng đề nghị quy định, kinh doanh bất động sản chỉ được thanh toán qua ngân hàng, không dùng tiền mặt.
Thanh toán qua ngân hàng là hợp lý
Chia sẻ với Reatimes, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) cho biết, thuế chuyển nhượng bất động sản là một nguồn thu lớn cho ngân sách Nhà nước, giúp lành mạnh hoá thị trường bất động sản, đảm bảo tính công bằng trong giao dịch. Tuy nhiên, nguồn thu này trong nhiều năm qua vẫn đang thất thoát lớn do hiện tượng kê hai giá bất động sản, khiến cơ quan quản lý không xác định được chính xác giá của sản phẩm giao dịch.
Vì vậy, theo ông Châu, cách tốt nhất để thu thuế đúng với giá giao dịch bất động sản là cần công khai minh bạch các giao dịch và giá giao dịch. Theo đó, để tránh cồng kềnh các thủ tục pháp lý, tránh mất thời gian cho việc xác minh giao dịch, các giao dịch nên được thanh toán qua ngân hàng.
Cũng theo Chủ tịch HoREA, không phải đến thời điểm hiện tại HoREA mới đưa ra đề xuất này mà cách đây 10 năm, Hiệp hội đã có văn bản gửi Bộ Xây dựng góp ý Đề cương Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi), trong đó có đề xuất người mua bất động sản phải thanh toán qua ngân hàng, nhằm thi hành một số điều của Luật Phòng chống rửa tiền. Bởi nguồn tiền đầu tư vào bất động sản rất đa dạng gồm: Tiền nhàn rỗi, tích lũy; vàng cất giữ trong dân; tiền từ chốt lời chứng khoán; kiều hối… Vì vậy, nếu không kiểm soát chặt chẽ sẽ tạo kẽ hở cho nguồn “tiền bẩn” mua bất động sản để rửa tiền.
“Quy định bắt buộc phải thanh toán qua ngân hàng với giao dịch nhà đất là hợp lý. Chuyển tiền chuyển nhượng bất động sản qua ngân hàng sẽ từng bước góp phần chặn tình trạng kê khai giá nộp thuế thấp hơn giá trị thực để né thuế, góp phần giúp chống thất thu thuế, chống rửa tiền và minh bạch thị trường. Từ đó cũng góp phần hạn chế tình trạng thổi giá, lũng đoạn gây bất ổn thị trường như thời gian vừa qua”, ông Châu nhìn nhận.
Chia sẻ về vấn đề này, chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển cho biết, thời gian qua, Chính phủ đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt, nhằm góp phần giúp nền kinh tế minh bạch, hiệu quả. Các giao dịch có giá trị từ 20 triệu đồng trở lên phải thanh toán qua ngân hàng mới được khấu trừ thuế. Nằm trong xu hướng và chính sách chung như trên, việc giao dịch bất động sản phải chuyển tiền qua ngân hàng là hợp lý. Hiện bất động sản là tài sản lớn cần kiểm soát minh bạch, nhất là nguồn tiền để mua bất động sản. Vì vậy, việc thanh toán qua ngân hàng sẽ đảm bảo an toàn cho cả người bán và người mua.
Bên cạnh việc yêu cầu chuyển nhượng bất động sản phải thanh toán tiền qua ngân hàng, chuyên gia cũng nhấn mạnh, cơ quan chức năng cần làm nghiêm và xử phạt nặng trường hợp văn phòng công chứng, công chứng giá chuyển nhượng bất động sản thấp hơn giá trị thực. Có như vậy mới từng bước tránh thất thu thuế trong chuyển nhượng bất động sản.
Cần có lộ trình phù hợp và hướng dẫn cụ thể
Theo các chuyên gia, việc thực hiện thanh toán mọi giao dịch chuyển nhượng bất động sản thông qua ngân hàng tưởng như dễ dàng nhưng thực chất cũng cần một lộ trình phù hợp.
Theo luật sư Trần Minh Cường, Giám đốc điều hành Công ty Luật S&P, việc kiểm soát mạnh tay các giao dịch bất động sản là cần thiết bởi tình trạng giao dịch hai giá đã diễn ra từ rất lâu nhưng chưa có giải pháp hữu hiệu để ngăn ngừa. Dù giải pháp sử dụng hệ thống ngân hàng để kiểm soát giao dịch bất động sản đã được nhiều quốc gia áp dụng hiệu quả song có thể không dễ dàng thực hiện ở Việt Nam và cần lộ trình phù hợp. Lý do bởi nhu cầu sử dụng tiền mặt trong dân hiện còn rất lớn và người dân một số vùng, miền chưa có đủ điều kiện để tiếp cận, sử dụng phương thức thanh toán online qua hệ thống ngân hàng.
“Để thực hiện đồng bộ, cần xem xét lại các quy định liên quan đến đất đai, nhất là các quy định về giá đất theo thị trường và theo bảng giá Nhà nước. Hiện nay, nhiều trường hợp Nhà nước tiến hành thu hồi đất thì đền bù theo đơn giá Nhà nước còn khi giao dịch mua bán và áp thuế thì lại áp dụng giá thị trường cao gấp nhiều lần đơn giá Nhà nước, khiến phát sinh tranh chấp”, luật sư Trần Minh Cường lưu ý.
Đồng quan điểm, ông Lê Hoàng Châu cũng cho rằng, giá thị trường được áp dụng trong việc xác định giá giao dịch bất động sản để thu thuế thì cũng cần được áp dụng trong khâu bồi thường, giải phóng mặt bằng cho người dân. Có như vậy, người dân mới có ý thức thực hiện đúng quy định của pháp luật trong việc kê khai đúng giá chuyển nhượng, cũng như hạn chế việc tranh chấp, mâu thuẫn giữa người dân và cơ quan quản lý Nhà nước.
“Khi được bồi thường đúng giá thị trường cũng sẽ góp phần khiến người dân kê khai đúng giá giao dịch chuyển nhượng bất động sản. Vì vậy, việc lấy giá thị trường làm chuẩn là đúng nhưng phải làm chuẩn và áp dụng cho tất cả các khâu từ việc giao dịch, việc bồi thường đến kê khai giá…”, ông Châu cho biết.
Ngoài ra cũng theo ông Châu, khi thanh toán qua ngân hàng, Nhà nước cần có các văn bản hướng dẫn cụ thể, nên lập mã định danh cho từng cá nhân. Bởi mỗi cá nhân đang có rất nhiều giấy tờ liên quan như chứng minh thư nhân dân, thẻ căn cước và mỗi người có rất nhiều tài khoản ngân hàng khác nhau./.
Xem thêm: lmth.68321000042210202-sdb-gnouhn-neyuhc-gnort-euht-uht-taht-gnohc/nv.semitaer