01
Tỷ phú từng là những học bá, và cả những người trẻ không đầu hàng số phận
20 năm trước, Trương Triều Dương, Vương Chí Đông và Đinh Lôi được biết đến với biệt danh "Ba chàng lính ngự lâm Internet". Dưới sự lãnh đạo của họ, Sohu, Sina và NetEase đã trở thành loạt công ty Internet đầu tiên ở Trung Quốc được phát hành công khai lần đầu thành công tại Hoa Kỳ.
Người lớn nhất trong ba người, Trương Triều Dương (người sáng lập Sohu), sinh năm 1964. Cha mẹ anh đều là bác sĩ. Trương Triều Dương nói rằng cha mẹ đã tạo cho anh một môi trường trưởng thành thoải mái, cho phép anh có một tuổi thơ tự do và hạnh phúc. "Vì được vui chơi vô tư và phát triển toàn diện về trí tuệ ở trường tiểu học nên khi lên cấp 2, tôi có thể học tập rất chăm chỉ, học đến tận đại học cũng không thấy mệt".
Thời trung học, lý tưởng của Trương Triều Dương là trở thành một nhà vật lý. "Lúc đó, áp lực từ bố mẹ không quá lớn nhưng tôi chỉ thích học, đặc biệt là môn vật lý. Tôi nghĩ học là một điều hạnh phúc".
Cho đến nay, Trương Triều Dương vẫn còn nhớ như in những ký ức về lần đạp xe cùng một nhóm bạn học vào mỗi buổi sáng trong giai đoạn chuẩn bị cho kì thi tuyển sinh đại học. Anh cũng đã thành công vào Khoa Vật lý của Đại học Thanh Hoa (top 5 trường đại học tốt nhất tại Trung Quốc) từ trường trung học cơ sở tốt nhất ở Tây An, và sau đó đến Học viện Công nghệ Massachusetts, Hoa Kỳ để học sâu hơn.
"Nếu không đạt hạng nhất, tôi sẽ tự phạt mình, bơi trong nước lạnh vào mùa đông, hoặc chạy vài km quanh Vườn Viên Minh mỗi ngày", Trương Triều Dương chia sẻ về khoảng thời gian nỗ lực học tập khi còn học đại học.
Trương Triều Dương (người sáng lập Sohu)
Đinh Lôi (người sáng lập NetEase), người kém Trương Triều Dương 7 tuổi, có thành tích học tập hơi "kém" khi còn trẻ. Đinh Lôi sinh ra trong một gia đình trí thức cao ở Ninh Ba, Chiết Giang, giáo viên chủ nhiệm cấp ba anh từng kể lại rằng khi ở trường, Đinh Lôi chỉ đứng thứ 40 hoặc 50 trong lớp, không bao giờ lọt vào top 10 của lớp.
Mặc dù vậy, điểm số của Đinh Lôi trong kỳ thi tuyển sinh đại học cao hơn một điểm so với điểm sàn nên anh đã trúng tuyển vào trường Đại học Khoa học và Công nghệ Điện tử Thành Đô.
Đinh Lôi (người sáng lập NetEase)
Vương Chí Đông (người sáng lập Sina) ở giữa Trương Triều Dương và Đinh Lôi cả về tuổi tác và điểm thi. Sinh năm 1967 trong một gia đình gia giáo ở thị trấn Hoa Môn, Đông Quan, anh tham gia một nhóm cùng sở thích ở trường trung học với niềm khao khát được làm radio, và cuối cùng được nhận vào Khoa Điện tử Vô tuyến truyền thanh của Đại học Bắc Kinh với số điểm cao.
Vương Chí Đông (người sáng lập Sina)
Cũng trong lúc "Ba chàng lính ngự lâm" Sohu, Sina và NetEase đang thực hiện những kế hoạch to lớn, Tencent của Mã Hóa Đằng, JD.com của Lưu Cường Đông, Alibaba của Jack Ma, Baidu của Lý Ngạn Hoành và Ctrip của Lương Kiến Chương cũng bắt đầu mọc lên và phát triển.
Trong đó, câu chuyện của Lưu Cường Đông (nhà sáng lập trang thương mại điện tử JD.com) có lẽ là câu chuyện truyền cảm hứng nhất. Anh sinh ra trong một gia đình nông thôn nghèo khó ở Giang Tô, quanh năm thậm chí không bao giờ đủ ăn. Phần lớn thời gian anh chỉ biết ăn ngô và khoai, đến nỗi khi lên học trung học, Lưu Cường Đông chỉ cần nhìn thấy khoai lang thôi là đã mắc ói.
Sau khi tốt nghiệp trung học cơ sở, Lưu Cường Đông có cơ hội được đi ra bên ngoài, điều này thúc đẩy anh khao khát được đến một thế giới rộng lớn hơn. Vì vậy, sau khi về nhà, Lưu Cường Đông bắt đầu chăm chỉ học tập và cuối cùng được nhận vào Khoa Xã hội học của Đại học Nhân dân Trung Quốc. Trước khi đến với cánh cổng của trường đại học nhân dân, 500 nhân dân tệ tiền đi lại và 76 quả trứng do dân làng góp lại giúp đỡ anh cũng đã trở thành một điểm nhấn kinh điển trong câu chuyện vượt khó của Lưu Cường Đông.
Lưu Cường Đông (nhà sáng lập trang thương mại điện tử JD.com)
2. Tỷ phú cũng từng có lúc bối rối, mơ hồ
Mặc dù có những nhà sáng lập đứng sau những công ty nổi tiếng đều mang trong mình "hào quang của những ngôi trường nổi tiếng", có năng lực học tập và óc sáng tạo phi thường, nhưng họ cũng đã từng phải trải qua vô số khó khăn và bối rối trên con đường học hành. Thậm chí, có người còn mất khá nhiều năm trước khi có thể bước vào khuôn viên trường đại học hay theo đuổi ước mơ hiện tại của mình.
Trương Nhất Minh (người sáng lập ByteDance và Toutiao) và Lôi Quân (người sáng lập Xiaomi) ban đầu từng đưa ra những lựa chọn không được "lý tính" cho lắm. Với Trương Nhất Minh, yêu cầu chọn trường đại học của anh rất rõ ràng, đầu tiên là phải chọn trường nào ở thành phố có tuyết rơi, thứ hai là tỷ lệ nam nữ không được chênh nhau quá lớn, tiện cho việc tìm bạn gái, còn phải xa nhà, ở ven biển, tấp nập. Còn với Lôi Quân, anh chọn ngành khoa học máy tính không phải vì mình thích, mà là vì một người bạn tốt của mình đăng kí khoa đó nên anh chọn theo.
Trương Nhất Minh (người sáng lập ByteDance, công ty phát triển Tiktok)
Lôi Quân (người sáng lập Xiaomi)
Mã Hóa Đằng (nhà sáng lập Tencent) và Lý Ngạn Hoành (người sáng lập công cụ tìm kiếm Baidu) đều trải qua quá trình "thay đổi giấc mơ". Ở trường trung học, Mã Hóa Đằng rất thích thiên văn học, anh đã từng sử dụng thiết bị trường học để quay lại sao chổi Halley và giành được giải thưởng, nhưng sau khi biết rằng học thiên văn phần lớn sau này ra trường sẽ là một giáo viên địa lý, Mã Hóa Đằng đã quyết định chuyển sang học máy tính. Còn Lý Ngạn Hoành từng mơ ước trở thành một diễn viên opera, bản thân anh cũng được giáo viên sân khấu đánh giá cao rất cao, mãi cho đến khi chứng kiến chị hai và chị ba trúng tuyển đại học, đặc biệt là sau khi chị ba trúng tuyển vào khoa Hóa của Đại học Bắc Kinh, và được báo chí địa phương đưa tin, anh mới thay đổi lựa chọn.
Mã Hóa Đằng (nhà sáng lập Tencent)
Lý Ngạn Hoành (người sáng lập công cụ tìm kiếm Baidu)
Đinh Lôi ban đầu rất muốn theo học chuyên ngành khoa học máy tính, nhưng cha mẹ anh nói với anh rằng bức xạ của máy tính cao và không tốt cho sức khỏe. Cuối cùng, Đinh Lôi đã học ngành truyền thông của UESTC theo gợi ý của bố mẹ.
Nhưng điều này không ngăn cản anh tạo ra bước ngoặt chuyển đổi trong sự nghiệp đại học của mình. Đinh Lôi không chỉ thường xuyên đến phòng máy tính để nghe giảng mà còn thường xuyên đến thư viện để đọc những cuốn sách liên quan. Còn Mã Hóa Đằng cũng tìm thấy niềm vui mới trong việc viết phần mềm và nghiên cứu mạng máy tính khi còn học đại học.
Trong số các ông lớn công nghệ, người có những trải nghiệm truyền kì nhất có lẽ là Jack Ma. Khi còn nhỏ, thành tích học tập của Jack Ma không tốt, anh thậm chí còn từng bị buộc phải chuyển trường vì đánh nhau quá nhiều, sau này vì nghiện tiểu thuyết võ hiệp mà chểnh mảng học hành, nên phải trải qua hai lần thi mới vào được một trường trung học bình thường.
Một lớp 50 học sinh, điểm của Jack ma thường xếp ngoài 40, nhưng điều này dường như không ảnh hưởng đến sự tự tin của anh. Lần đầu tiên làm thủ tục đăng kí nguyện vọng đại học, Jack Ma đã chọn Đại học Bắc Kinh (top 5 đại học hàng đầu Trung Quốc), kết quả không có gì bất ngờ, Jack Ma chỉ được 1 điểm trong bài kiểm tra môn toán, kết quả là trượt đại học.
Jack Ma
Vốn dĩ sau khi trượt đại học, Jack Ma sẽ bắt đầu làm công việc gửi tạp chí, nhưng sau khi tình cờ đọc được cuốn "Nhân sinh" của tác giả Lộ Dao, nhân vật chính trong sách đã truyền cảm hứng khiến Jack Ma lấy lại ý chí, quyết tâm làm lại từ đầu. Tuy nhiên, trong kỳ thi tuyển sinh đại học thứ hai của mình, điểm môn toán của anh chỉ là 19 điểm, một lần nữa tiếp tục rớt đại học.
Jack Ma không bỏ cuộc, năm 1984, anh tham gia kỳ thi tuyển sinh đại học lần thứ 3. Lần này, chỉ còn cách cánh cửa đại học 5 điểm. May mắn là Jack Ma rất yêu thích tiếng Anh từ khi còn nhỏ, anh thường học tiếng Anh qua các chương trình phát thanh tiếng Anh và đến Tây Hồ luyện nói chuyện với người nước ngoài, trùng hợp năm đó, chuyên ngành tiếng Anh tại Đại học Sư phạm Hàng Châu chưa đủ chỉ tiêu, vì vậy mà Jack Ma đã có được cơ hội vào học.
Trình Duy (người sáng lập nền tảng vận tải di động Didi) cũng từng trải qua một "câu chuyện thú vị" trong kỳ thi tuyển sinh đại học. Mẹ của Trình Duy là một giáo viên dạy toán, có lẽ được thừa hưởng tài năng từ gia đình nên điểm toán của Trình Duy luôn ở mức cao ngất ngưởng. Vào ngày thi đại học, Trình Duy cũng rất nhanh chóng hoàn thành bài thi toán và nộp bài, cho đến khi kết quả được công bố, anh mới nhận ra rằng mình nộp bài nhanh hơn các bạn không phải vì mình giỏi hơn, mà vì anh không nhìn thấy ba câu hỏi ở trang cuối cùng của bài kiểm tra.
Trình Duy (người sáng lập nền tảng vận tải di động Didi)
Tuy nhiên, trường Đại học Công nghệ Hóa học Bắc Kinh mà Trình Duy trúng tuyển lại phù hợp với mục tiêu "đi học ở các thành phố hạng nhất" của anh, và Trình Duy cũng hoàn thành xuất sắc việc học của mình, đồng thời tìm thấy mảng trời riêng của mình trong lĩnh vực Internet sau này.
Vậy mới thấy, mỗi người một số phận, ngay cả các tỷ phú cũng đều từng phải trải qua quãng thời gian "mơ hồ" khi còn trẻ, huống hồ những người bình thường như chúng ta. Điều quan trọng là những bông hoa, nếu đủ kiên cường và quyết tâm, nhất định sẽ có ngày nó nở rộ rực rỡ!
(Leidacj)
http://tintuc.vdong.vn/06/1387980.htmThiên Vy
Theo Trí Thức Trẻ