Năm 2021, một cô y tá người Anh không có tiền sử bệnh, không hút thuốc đã nhập viện cấp cứu do bị hạ natri máu nghiêm trọng cấp tính gây ra các triệu chứng thần kinh nghiêm trọng.
Nguyên nhân được xác định là do cô đã uống "trà giải độc" – loại được bán đại trà không cần toa - trong bốn tuần trước đó, mỗi ngày hai ly. Cô nhận thấy tần suất tiểu tiện ngày càng tăng, nhất là những ngày trước khi nhập viện. Đây là trường hợp thứ tư bị hạ natri máu nghiêm trọng do dùng trà giải độc được báo cáo lên các trang báo khoa học. Tất nhiên là những trường hợp không được báo cáo càng nhiều hơn nữa.
Được gọi bằng cái tên chung là detox hay "thanh lọc cơ thể", vài năm gần đây, detox nổi lên và lan nhanh nhờ những quảng cáo cực kỳ hấp dẫn và rất có vẻ người thật việc thật như "Người mẫu A giảm cân nhanh thành công nhờ detox" hay người nổi tiếng trên mạng xã hội nào đó tỉ mỉ làm clip mô tả lại quá trình detox chữa bệnh nan y của mình, với diễn biến sát sao từng ngày một.
Nhưng như dẫn chứng ở trên, mặc dù đã có nhiều thông tin về tác hại của chúng song rất nhiều người vẫn tìm đến các giải pháp cấp tốc thay vì điều trị lâu dài với bác sĩ hoặc rèn luyện cơ thể. Một vài lý do phổ biến là tự ti về ngoại hình do áp lực từ chuẩn mực "đẹp" của xã hội hay đang tuyệt vọng vì bệnh tật. Tai hại hơn là những ảnh hưởng lâu dài của các biện pháp detox vẫn chưa được nghiên cứu tường tận. Một vài liệu pháp này lại cực kỳ nguy hiểm và có thể đánh đổi bằng cả tính mạng con người.
Detox và những luận điểm nghe hợp lý nhưng hóa ra lại sai
Detox hoặc thanh lọc thường được quảng cáo là liệu pháp áp dụng ngắn hạn khoảng 1-30 ngày. Chúng thường kèm theo những dòng ghi ứng dụng phổ biến chung chung như loại bỏ độc, giảm cân, cải thiện sức khỏe, cải thiện lưu thông máu, cải thiện da...
Ngoài ra, detox còn được quảng cáo là có thể hỗ trợ điều trị các bệnh béo phì, tiêu hóa, bệnh tự miễn dịch, đau khớp, đau đầu, dị ứng, chướng bụng và mệt mỏi thường xuyên, mất cân bằng nội tiết tố, trầm cảm, chống ung thư, chữa ung thư và bách bệnh... Nói chung là tất tần tật những gì cả nền y học phương Tây có thể làm thì bạn cũng có thể nghe quảng cáo về hiệu quả của detox như vậy.
Thế nhưng, hầu hết các biện pháp detox được truyền miệng rộng rãi đều chưa có cơ sở khoa học vững vàng hoặc tệ hơn là sai lầm trầm trọng khi lý giải về cơ chế cũng như hiệu quả.
Hầu như tất cả các phương pháp detox đều chưa có kết quả nghiên cứu về ảnh hưởng lâu dài đến sức khỏe.
Thải độc cơ thể hay detox hoàn toàn không phải là khái niệm mới mẻ. Trong y học cổ truyền Ayurveda của Ấn độ hay thuốc đông y Trung Hoa, chúng ta có thể dễ dàng tìm thấy các bài thuốc thanh lọc, thải độc cơ thể đã được lưu truyền qua bao đời.
Ayurveda là một phương pháp chữa bệnh cổ đại của Ấn Độ xuất phát từ quan điểm con người cần cân bằng thân thể, tâm trí và linh hồn. Nguồn: Internet.
Các liệu pháp này cũng là những nguyên tắc cốt lõi của một trường phái chữa bệnh gọi là Y học tự nhiên (Naturopathic medicine): chỉ dùng cơ chế hoạt động tự nhiên của cơ thể và hỗ trợ dinh dưỡng cùng hoạt tính sinh học của thảo dược để cơ thể tự phục hồi; hạn chế sử dụng thuốc tây y hoặc can thiệp y khoa chuyên sâu như phẫu thuật.
Một số liệu pháp có hiệu quả thực sự đã được áp dụng bài bản trong y khoa hiện đại, nhưng bên cạnh đó những liệu pháp không có cơ sở hoặc tai hại cũng bị thổi phồng, biến tướng trong những năm gần đây.
Chất độc trong detox chưa có định nghĩa rõ ràng
Trong y học truyền thống, chất độc trong detox thường là ma túy và rượu, còn detox là quá trình cai những chất gây nghiện này. Những biện pháp detox được giới y khoa công nhận thường thúc đẩy sự bài tiết các chất độc và chất chuyển hóa của chúng qua nước tiểu và phân, hoặc bài tiết ngoài thận qua mồ hôi hoặc bã nhờn.
Trong bối cảnh detox thương mại hiện nay, thuật ngữ 'độc tố' đã được sử dụng với một ý nghĩa mập mờ hơn nhiều. Chúng bao gồm các chất ô nhiễm, hóa chất tổng hợp, kim loại nặng, thực phẩm đã qua chế biến và tất tần tật các sản phẩm "có thể gây hại" khác trong cuộc sống hiện đại.
Chế độ ăn hay liệu pháp detox thương mại hiếm khi xác định các chất độc cụ thể muốn loại bỏ hoặc cơ chế loại bỏ chúng một cách rõ ràng, nên khó mà kiểm chứng được tính xác thực của những lời quảng cáo hùng hồn này.
Ngành công nghiệp detox tự phát triển khái niệm rằng hóa chất có thể được chia thành 'tốt' và 'xấu'. Thế nhưng sự thật là 'liều lượng quyết định độc tính’' của hầu hết mọi hợp chất. Ngay cả một thứ cần thiết cho cơ thể như nước nhưng nếu bạn uống quá nhiều thì cũng có thể nguy hiểm đến tính mạng.
Vậy các chất độc nào có thật?
Các chất có hại cho cơ thể có thể đến từ hai nguồn: do chính các tế bào trong cơ thể con người tạo ra (một phần của quá trình chuyển hóa tự nhiên hoặc dưới tác động của môi trường sống); hoặc được hấp thụ trực tiếp vào cơ thể.
Những chất được tạo ra bên trong cơ thể thường cũng được kiểm soát bằng những cơ chế điều hòa tự cân bằng của cơ thể. Một lối sống vận động, ăn uống, sinh hoạt lành mạnh thường đã đủ để giữ những chất này "trong vòng kiểm soát".
Ngược lại, nhóm chất độc hấp thụ từ ngoài vào (nước bẩn, thực phẩm bẩn, khí thải công nghiệp…) được thải loại ra khỏi cơ thể bằng nhiều cách khác nhau và một số chất có khả năng tích trữ ở những mô khác nhau. Trong số đó, các chất thải công nghiệp hữu cơ tổng hợp đa nhân thơm như dioxin, PCB, furan, thường tích tụ ở mô mỡ trong cơ thể và là loại độc khó đào thải nhất.
Vài năm gần đây, detox nổi lên và lan nhanh nhờ những quảng cáo cực kỳ hấp dẫn. (Ảnh minh họa)
Mặc dù hầu hết các chất này đều đã bị cấm sản xuất và sử dụng trong sản phẩm, một lượng nhỏ của chúng vẫn còn tồn tại trong môi trường và tích tụ trong mỡ của các loài động vật. Chúng được cho là có khả năng dẫn đến những loại ung thư phổ biến như ung thư vú, tuyến tiền liệt và ung thư bạch cầu.
Ngoài ra, rất nhiều chất độc khác trong nhóm này cũng đã được liệt kê trong danh sách có khả năng gây ung thư và tác động có hại lên hệ thần kinh. Ví dụ như ozone, nitơ oxit (NO2) từ không khí ô nhiễm nặng có khả năng gây bệnh đường hô hấp, ung thư; nhiễm độc kim loại nặng qua tiếp xúc với đồ chơi nhiễm chì, trang sức chứa cadmium, trioxide arsenic (thạch tín) trong nước/ gạo có khả năng gây ung thư; thủy ngân trong cá có khả năng gây rối loạn thần kinh; trái cây và rau củ nếu không được làm sạch cũng có nguy cơ nhiễm khuẩn E.coli và Salmonella dẫn đến các bệnh nguy hiểm...
Những liệu pháp y học để loại thải các chất độc trên nếu có cũng đều được nghiên cứu và thử nghiệm lâm sàng với cơ chế hoạt động rõ ràng, ví dụ thải độc kim loại nặng, detox rượu và các chất gây nghiện dưới sự hỗ trợ và giám sát của y khoa.
Thải độc bằng detox vẫn còn mơ hồ
Rất ít sản phẩm detox hoặc chế độ dinh dưỡng detox được đánh giá bài bản qua các chương trình thử nghiệm lâm sàng. Cụ thể trong quá trình viết bài, nhóm tác giả chỉ tìm được một sản phẩm trà detox và vài chương trình nhịn ăn gián đoạn đã được đánh giá lâm sàng.
Các sản phẩm và liệu pháp detox còn lại chưa được kiểm chứng bởi các cơ quan quản lý y tế và sức khỏe. Đa phần là trào lưu thải độc tại nhà, sử dụng những phương thức truyền miệng bằng các thực phẩm sẵn có hoặc mua sản phẩm "đa cấp" từ người quen, cơ sở chăm sóc sức khỏe và sức đẹp hoặc theo hướng dẫn từ những "chuyên viên dinh dưỡng" (nutritional therapist).
Nhưng xin lưu ý rằng chuyên viên dinh dưỡng chỉ có thể cung cấp thông tin dinh dưỡng và không được quản lý bởi Bộ Y tế. Họ khác với tiết chế viên (dietitian) chịu sự quản lý của Bộ Y tế, phải trải qua đào tạo nghiêm ngặt mới được phép chẩn đoán vấn đề sức khỏe và đưa ra hướng dẫn cụ thể về dinh dưỡng.
Các phương thức detox phổ biến
● Nhịn ăn gián đoạn (intermittent fasting): nhịn ăn 1-3 ngày mỗi tuần, 16/8 (chỉ ăn trong vòng 8 tiếng mỗi ngày), ăn - nghỉ - ăn (eat stop eat, nhịn 24h một hoặc hai lần/tuần), 5:2 (ăn 500-600 calo trong 2 ngày không liên tiếp và ăn bình thường 5 ngày còn lại).
● Nhịn ăn dài hạn (prolonged fasting): không ăn thức ăn gì mà chỉ uống nước trong vòng 30 ngày.
● Chỉ dùng nước ép, không ăn thức ăn dạng rắn (juice cleanse): chế độ làm sạch nhờ chanh Master cleanse (nước muối ấm, trà nhuận tràng, 8-12 quả chanh, ớt bột hoặc hạt tiêu mỗi ngày), chỉ uống nước trái cây và rau xay, chỉ uống nước chanh và xi-rô lá phong trong 7 ngày, giấm táo, v.v.
● Dùng thuốc chức năng hoặc sản phẩm detox bán trên thị trường
● Dùng thảo mộc: cây kế sữa (milk thistle), cam thảo, tảo, rễ cây đại hoàng, rễ cây bồ công anh
● Thanh lọc đại tràng: dùng thuốc xổ, súc ruột hoặc thủy liệu pháp đại tràng (colon hydrotherapy)
● Xông hơi (sauna)
● Thải độc chân (foot detox): miếng dán chân có chứa thành phần tourmaline, germanium, giấm gỗ hoặc ngâm chân ion sử dụng điện tạo ion và ngâm trong nước muối giúp ion dễ thẩm thấu.
● Oxygen detox.
Nhưng, đa số chỉ là những tiêu đề marketing thu hút chú ý từ những câu chuyện kể lại bởi một số người nổi tiếng. Hoặc nếu có bằng chứng nghiên cứu cũng chỉ là nghiên cứu trên động vật. Có đôi trường hợp có nghiên cứu quan sát trên người nhưng quy mô không đủ lớn và không có kết quả chứng minh từ những những cuộc thử nghiệm lâm sàng đối chứng ngẫu nhiên (randomized controlled clinical trials/ RCT).
Các liệu pháp thanh lọc này đều khẳng định giúp cơ thể thải chất độc nhưng lại không thể chứng minh cụ thể được chất độc đó là gì. Thậm chí chúng còn có thể tạo ra nhiều chất chuyển hóa độc trong cơ thể. Không ít trường hợp nhập viện cấp cứu vì sử dụng các sản phẩm detox hoặc thực hiện các biện pháp detox truyền miệng, không chỉ trên trang tin trong nước mà còn trên báo khoa học quốc tế.
Để hiểu rõ thực hư của các phương pháp detox, trong bài sau, chúng tôi sẽ giải mã một số luận điểm chính của vài phương thức detox truyền miệng phổ biến vừa dẫn ở trên. Mời bạn đọc theo dõi.
Tổng hợp: TS. Nguyễn Quốc Thục Phương (chuyên viên nghiên cứu về đáp ứng miễn dịch tại Trung tâm Y tế Đại học Rochester, bang New York, Mỹ) và TS. Hoàng Mai Phương, hiện đang làm việc tại TP HCM.
Cả hai chuyên gia đều là thành viên của dự án Thực phẩm cộng đồng.
Dự án "Thực phẩm Cộng đồng" https://thucphamcongdong.vn/ cung cấp kiến thức khoa học thường thức, chính xác, khách quan và đáng tin cậy về thực phẩm, dinh dưỡng và sức khoẻ cho người Việt với mong muốn lan tỏa tri thức, chung tay vì sức khỏe cộng đồng. Hệ thống kiến thức của Dự án được tổng hợp, biên phiên dịch và cập nhật thường xuyên từ nguồn thông tin khoa học uy tín, chuẩn xác bởi các nhà khoa học trong và ngoài nước đang làm việc trong lĩnh vực Công nghệ Thực phẩm và các ngành liên quan.
Theo TS. Hoàng Mai Phương, TS. Nguyễn Quốc Thục Phương
Trí Thức Trẻ