Báo chí và các nhà quan sát quốc tế đã nêu ra những lợi thế của Việt Nam để thu hút sản xuất và đầu tư nước ngoài. Theo bài viết của nhà nghiên cứu Raymond Mallon do Viện chính sách Australia - Việt Nam đăng tải, sự quản lý hiệu quả của Chính phủ, cùng những động lực tăng trưởng trong trung hạn là lý do chính đáng để lạc quan về triển vọng của kinh tế Việt Nam trong năm nay và những năm tiếp theo.
Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo đến năm 2025 Việt Nam sẽ vươn lên đứng thứ 3 Đông Nam Á về quy mô kinh tế với Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) đạt hơn 571 tỷ USD, xếp sau Indonesia và Thái Lan.
Trong nhận định mới nhất, Ngân hàng Thế giới (WB) cũng cho rằng nền kinh tế Việt Nam đã duy trì đà phục hồi mạnh mẽ.
"Liên quan đến sức mạnh tăng trưởng kinh tế Việt Nam, chúng tôi thấy rõ ở 2 lĩnh vực. Về mặt công nghiệp, lĩnh vực sản xuất đã cho thấy sự tăng trưởng ổn định, tăng 10% so với năm ngoái. Về cơ bản, đây là tốc độ tăng trưởng chúng ta từng thấy trước đại dịch. PMI cũng cho thấy mức tăng khá mạnh lên khoảng 54%, điều này cho thấy sản xuất đang trên đà mở rộng. Về lĩnh vực dịch vụ, chúng tôi cũng nhận thấy rằng có rất nhiều sự phục hồi so với vài năm qua", bà Dorsati Madani - Chuyên gia kinh tế cao cấp, Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam nhận định.
Việt Nam đang trở thành điểm đến hàng đầu để đầu tư vào lĩnh vực sản xuất. Ảnh minh họa - Nguồn: Dân trí.
Bài viết trên trang DW của Đức nhận định, Việt Nam đang thu hút sự chú ý của một số công ty lớn của châu Âu với kết quả kinh tế tích cực trong và sau đại dịch. Bài viết nhấn mạnh, Việt Nam là một trong số ít các quốc gia châu Á không rơi vào tình trạng suy thoái kinh tế mạnh trong đại dịch COVID-19.
Theo trang InvestAsian, Việt Nam là một cường quốc sản xuất mới nổi và là một trong những điểm đến đầu tư tốt nhất ở châu Á. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng được đánh giá là một trong các quốc gia khởi nghiệp kinh doanh hàng đầu ở châu Á do tốc độ phát triển kinh tế nhanh, cùng với những lợi thế của thời kỳ dân số vàng.
Ông Adam Koulaksezian - Giám đốc điều hành Phòng Thương mại và Công nghiệp Pháp tại Việt Nam đánh giá: "Việt Nam thuộc một khu vực ASEAN rất năng động. Việt Nam nổi bật so với các nước láng giềng, đặc biệt là nhờ vào lĩnh vực sản xuất hiệu quả và nhờ sự phát triển nhanh chóng của thị trường nội địa. Vì vậy, trong bối cảnh đó, Việt Nam phải tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, đặc biệt ủng hộ đầu tư và đổi mới".
Theo trang CNBC của Mỹ, hiện tại là thời điểm tốt để cân nhắc đầu tư vào thị trường chứng khoán Việt Nam. Sự ổn định chính trị và chính sách vĩ mô, cùng với các yếu tố như sự tăng trưởng nhanh chóng của tầng lớp trung lưu là "nền tảng vững chắc" để Việt Nam có thể tăng trưởng GDP từ 6 - 7%.
VTV.vn - Những kết quả về phát triển kinh tế - xã hội trong những tháng đầu năm 2022 cho thấy kinh tế Việt Nam đang dần trở lại quỹ đạo tăng trưởng nhanh như trước đại dịch.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!
Xem thêm: mth.63643810291602202-ut-uad-av-taux-nas-ned-meid-man-teiv/et-hnik/nv.vtv