Hiện trường vụ phá và hủy hoại rừng ở bản Cóc, xã Sơn Thủy, huyện Quan Sơn - Ảnh do UBND xã Sơn Thủy cung cấp
Theo công văn của Công an huyện Quan Sơn trả lời Tuổi Trẻ Online, ngày 15-4, Công an huyện nhận tin báo của cơ quan chức năng trên địa bàn về việc tại tiểu khu 184 và tiểu khu 15010 thuộc khu vực rừng bản Cóc, xã Sơn Thủy, huyện Quan Sơn xảy ra tình trạng chặt, phá rừng với diện tích 21.162m2.
Sau khi tiếp nhận tin báo, Công an huyện đã phân công điều tra xác minh tin báo theo quy định pháp luật, tổ chức khám nghiệm hiện trường khu vực xảy ra vụ việc.
Để có căn cứ xác định diện tích, tính chất rừng bị thiệt hại làm căn cứ xác định tính chất vụ việc, mức độ vi phạm của hành vi, Công an huyện Quan Sơn đã gửi quyết định trưng cầu giám định đến Chi cục Kiểm lâm tỉnh Thanh Hóa.
Ngày 8-6, Công an huyện Quan Sơn nhận được kết luận giám định của Chi cục Kiểm lâm tỉnh Thanh Hóa, xác định khu vực rừng bị phá hoại thuộc rừng sản xuất là rừng tự nhiên, với diện tích rừng bị hủy hoại là 9.515m2.
Căn cứ kết quả điều tra, xác minh tin báo, Công an huyện Quan Sơn đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can Vi Văn Anh (40 tuổi, ở bản Cóc, xã Sơn Thủy) về tội "hủy hoại rừng" theo khoản 1, điều 243, Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 để tiến hành điều tra vụ án theo quy định pháp luật.
Còn ông Vi Văn Thiết - 36 tuổi, em trai của Vi Văn Anh, cùng trú tại bản Cóc - bị xử lý hành chính về hành vi hủy hoại rừng tự nhiên, vì chưa đủ cấu thành tội phạm.
Tuổi Trẻ Online ngày 17-5 đã có bài phản ánh "Phá hơn 2ha rừng tự nhiên ở vùng cao Thanh Hóa, vì sao chưa khởi tố?", phản ánh vụ phá rừng nghiêm trọng xảy ra tại bản Cóc, xã Sơn Thủy.
Tại đây, rừng tự nhiên bị phá trái phép là 21.162m2. Trên diện tích rừng bị phá đã chặt hạ 28 cây gỗ, khối lượng hơn 25m3.
Người phá diện tích rừng này là Vi Văn Anh, 40 tuổi và Vi Văn Thiết, 36 tuổi, cùng trú tại bản Cóc, xã Sơn Thủy.
Ngoài vụ phá rừng tự nhiên nghiêm trọng xảy ra tại bản Cóc, xã Sơn Thủy, trong tháng 5 vừa qua, Tuổi Trẻ Online còn có bài phản ánh về tình trạng phá rừng tại xã Na Mèo và xã Sơn Thủy, huyện Quan Sơn.
Số gỗ khai thác trái phép trên diện tích rừng tự nhiên ở xã Na Mèo, huyện Quan Sơn (Thanh Hóa) được bảo quản tại Trạm bảo vệ rừng Piềng Luông chờ xử lý - Ảnh do Hạt kiểm lâm Quan Sơn cung cấp
Theo Sở NN&PTNT Thanh Hóa, thời gian qua, an ninh rừng ở huyện Quan Sơn diễn biến rất phức tạp. Số vụ phá rừng trái phép có chiều hướng gia tăng. Có vụ việc phức tạp, không phát hiện được đối tượng vi phạm, xử lý không dứt điểm để dư luận, báo chí phản ánh, gây bức xúc trong xã hội.
Các vụ vi phạm hầu hết xảy ra ở khu vực có rừng tự nhiên, rừng phòng hộ biên giới, rừng thuộc Ban quản lý rừng phòng hộ Quan Sơn, rừng cộng đồng.
Sở NN&PTNT Thanh Hóa cho rằng, một trong những nguyên nhân của tình trạng phá rừng trái phép ở Quan Sơn là do cấp ủy, chính quyền cơ sở có biểu hiện buông lỏng quản lý, chủ rừng chưa làm hết trách nhiệm trong công tác bảo vệ rừng được giao.
Công tác tuần tra, kiểm tra phát hiện vi phạm của kiểm lâm viên địa bàn xã chưa thường xuyên, chưa tích cực; việc tham mưu của kiểm lâm cho cấp ủy, chính quyền chưa sát thực tế, có biểu hiện lơ là, tắc trách.
Số gỗ khai thác trái phép trên diện tích rừng tự nhiên ở xã Sơn Thủy, huyện Quan Sơn (Thanh Hóa) được bảo quản tại Trạm kiểm lâm Sơn Thủy chờ xử lý - Ảnh do Hạt kiểm lâm Quan Sơn cung cấp
Theo tìm hiểu của Tuổi Trẻ Online, dù để xảy ra liên tiếp các vụ phá rừng nghiêm trọng trên địa bàn, nhưng đến nay cán bộ kiểm lâm và cán bộ cấp xã ở huyện Quan Sơn chưa ai bị xử lý kỷ luật.
TTO - Sáng nay 23-5, Văn phòng UBND tỉnh Thanh Hóa cho biết lãnh đạo tỉnh này vừa có ý kiến chỉ đạo cơ quan chức năng xử lý nghiêm vụ phá rừng tại bản Cóc, xã Sơn Thủy, huyện vùng cao, biên giới Quan Sơn.
Xem thêm: mth.40304337132602202-aoh-hnaht-oac-gnuv-o-gnur-ahp-uv-ot-iohk/nv.ertiout