Ông Tô Văn An, chủ Homestay Điền Ngư giới thiệu khu vực nghỉ dưỡng với du khách.
Với nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển đa dạng các loại hình dịch vụ du lịch, huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hoá đã xác định mục tiêu đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương. Đây là cơ sở để địa phương khai thác tiềm năng, huy động các nguồn lực để đẩy mạnh phát triển kinh tế du lịch trong thời gian tới.
Đổi mới, nâng cao chất lượng
Du lịch biển Quảng Thái, huyện Quảng Xương đã và đang được đầu tư khai thác trong khoảng 3 năm trở lại đây. Một số dự án du lịch biển của các nhà đầu tư lớn cũng đang được xúc tiến triển khai trên địa bàn, trong đó có dự án của tập đoàn BRG tại xã Quảng Nham trên khu vực ven biển của huyện Quảng Xương.
Hiện tại, có khoảng 50 cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú du lịch với tổng số gần 700 phòng. Trước dịch Covid-19, trung bình mỗi năm huyện Quảng Xương đón được khoảng từ 120.000 đến 150.000 lượt du khách, doanh thu đạt khoảng 50 tỷ đồng mỗi năm.
Ông Tô Văn An, chủ Homestay Điền Ngư cho biết, thời gian qua, Quảng Xương đã đẩy mạnh việc phát triển du lịch biển gắn với phát triển mô hình homestay. Địa phương lựa chọn các hộ dân còn lưu giữ nhà gỗ truyền thống có không gian thoáng đãng, tầm nhìn đẹp để hình thành các điểm lưu trú tại nhà dân phục vụ cho du khách. Thay vì ở khách sạn hoặc các nhà nghỉ, khách du lịch sẽ lưu trú tại homestay để được gần gũi hơn và trải nghiệm thực tế cách sống người dân bản địa. Thông qua đó, du khách sẽ biết thêm những phong tục, tập quán của người dân.
Chia sẻ với phóng viên Báo điện tử Đầu tư - Baodautu.vn, ông Phạm Sỹ Hùng, Bí thư Đảng ủy xã Quảng Thái, huyện Quảng Xương chia sẻ, hiện tại du lịch ở đây thiên về nghỉ dưỡng, trong tháng cao điểm, khu du lịch đón khoảng 25.000 lượt khách. Tại đây có một vài khu đất trống đến tháng 8 sẽ hết hạn cho thuê, khi đó lãnh đạo tỉnh Thanh Hoá sẽ hỗ trợ công tác cho các tập đoàn doanh nghiệp đến đầu tư, đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng và bàn giao mặt bằng sớm nhất cho các doanh nghiệp đơn vị đến làm việc tại huyện, mở rộng thêm không gian du lịch, nghỉ dưỡng nhằm thu hút thêm nhiều du khách bao gồm cả nội địa và quốc tế.
“Đặc biệt, khu du lịch biển Quảng Thái phấn đấu trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương. Đầu năm 2022, chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đã phê duyệt đề án phát triển du lịch huyện Quảng Xương tầm nhìn đến năm 2030. Đây là cơ sở để địa phương khai thác tiềm năng huy động các nguồn lực để đẩy mạnh phát triển kinh tế du lịch trong thời gian tới.”, ông Hùng nhấn mạnh.
Đồng thời, đây cũng là lộ trình phù hợp để huy động tối đa các nguồn lực khai thác và phát huy tốt giá trị của các nguồn tài nguyên. Khẳng định ngành du lịch huyện Quảng Xương sẽ tạo được sự khởi sắc rõ nét trong thời gian tới từng bước trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương.
Bà Phùng Thuỳ Nam (Hà Nội) cho biết: “Mọi năm gia đình chúng tôi vẫn chọn bãi Sầm Sơn, Thanh Hoá làm điểm du lịch, nhưng năm nay được bạn bè giới thiệu khu du lịch biển Quảng Thái tôi cũng muốn gia đình được trải nghiệm. Về cơ bản, mặc dù mới đưa vào khai thác nhưng dịch vụ ở đây khá tốt, giá cả ăn uống mềm hơn so với các điểm du lịch biển khác. Đặc biệt, nhiều nhà hàng, quán ăn, đã chú trọng việc nâng cao chất lượng các món ăn, cũng như việc phục vụ khách chu đáo. Tôi và gia đình rất hài lòng bởi sự bình yên, không ồn ào, xô bồ”.
Huy động vốn đầu tư phát triển du lịch
Khu du lịch huyện Quảng Xương, Thanh Hoá sẽ huy động các nguồn lực từ huyện, sự hỗ trợ của tỉnh và trung ương để thu hút nguồn vốn các doanh nghiệp trong và ngoài nước để từng bước hoàn thiện cơ sở vật chất phục vụ du lịch, thương mại. Đặc biệt, đầu tư kết cấu hạ tầng để thúc đẩy giao lưu hàng hoá, xây dựng, phát triển các tuyến du lịch sinh thái gắn với làng nghề truyền thống tạo sản phẩm riêng biệt của địa phương thu hút khách du lịch.
Khu du lịch sinh thái biển Quảng Xương - điểm đến hấp dẫn, thu hút nhiều du khách. |
Bên cạnh đó, cần nâng cấp và mở rộng các tuyến giao đến các điểm du lịch, các hộ dân khai thác lưu trú, định hướng thành lập dịch vụ tư vấn, hướng dẫn du lịch mà lực lượng nòng cốt là người dân địa phương. Khuyến khích doanh nghiệp đầu tư các cơ sở lưu trú, nhà hàng, các dịch vụ tiện ích và xây dựng chương trình ẩm thực đặc sắc, chương trình văn nghệ đặc trưng phục vụ khách du lịch.
Để thu hút du khách trong và ngoài nước, tỉnh cũng cần kêu gọi đầu tư phát triển các sản phẩm đặc thù như du lịch kết hợp với tìm hiểu lịch sử, truyền thống; du lịch kết hợp với tham quan mô hình sản xuất nông nghiệp, sinh hoạt văn hoá, lễ hội; xây dựng các chương trình khai thác nghệ thuật để phục vụ du khách. Đặc biệt là công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức, hiệu quả trong các hoạt động xúc tiến quảng bá; tăng cường bảo vệ môi trường du lịch cũng như các hoạt động quản lý nhà nước, đảm bảo cho du lịch địa phương phát triển bền vững.
Phát huy tối ưu kết quả đạt được, thời gian tới du lịch biển Thanh Hoá sẽ tiếp tục thực hiện tốt công tác quy hoạch, định hướng cho các địa phương phát triển loại hình du lịch tham quan, trải nghiệm. Tập trung cải tạo, nâng cấp, hoàn thiện kết cấu hạ tầng đồng bộ như giao thông, điện, nước sạch tại các điểm du lịch phù hợp với nhu cầu của du khách. Đồng thời tập trung phát triển các sản phẩm du lịch đặc trưng có chất lượng, khác biệt, gắn với bản sắc văn hóa, đặc trưng vùng miền, có tính trải nghiệm nhằm thu hút đông đảo du khách trong nước và quốc tế.