Thị trường mất điểm ngay cuối phiên bởi lực bán đột ngột tăng lên, khối ngoại mua ròng mạnh cùng thanh khoản dồi dào đã ngăn VN-Index không giảm quá sâu.
Kết thúc phiên giao dịch ngày 14/6, VN-Index giảm 5,04 điểm, tương đương 0,45% về 1.117,42 điểm. Toàn sàn có 126 mã tăng, 280 mã giảm và 51 mã đứng giá.
HNX-Index giảm 1,34 điểm, tương đương 0,58% về 228,91 điểm. Toàn sàn có 67 mã tăng, 125 mã giảm và 57 mã đứng giá. UPCoM-Index giảm 0,18 điểm về 84,82 điểm. Riêng rổ VN30 ghi nhận 11 mã tăng giá.
Thanh khoản thị trường vẫn khá dồi dào với tổng giá trị khớp lệnh trong phiên đạt 20.048 tỷ đồng, giảm 1,1% so với phiên trước, trong đó, giá trị khớp lệnh riêng sàn HoSE đạt 17.130 tỷ đồng, giảm 1,7%. Tại nhóm VN30, thanh khoản đạt 7.301 tỷ đồng.
Nhận định đầu tư
Chứng khoán BOS: Về kỹ thuật, VN-Index giảm điểm trong phiên ATC khiến nến đóng cửa hình thành mô hình đảo chiều Piercing line trên đồ thị daily. Đồng thời RSI xuất hiện trạng thái phân kỳ khiến xác suất đảo chiều xu hướng trở nên rõ ràng hơn. Nhà đầu tư được khuyến nghị tiếp tục chốt lời danh mục, không thực hiện mua mới, đặc biệt là với các cổ phiếu penny.
Chứng khoán VCBS: Việc chỉ báo RSI hình thành 2 đỉnh tại cả khung đồ thị ngày và giờ cũng cho thấy rủi ro điều chỉnh ngắn hạn của thị trường đã hiện diện rõ ràng hơn. Nếu áp lực bán tiếp tục gia tăng mạnh thì việc VN-Index rung lắc với biên độ lớn với hỗ trợ gần nhất xung quanh khu vực 1095 – 1100 là cần được tính đến.
VCBS khuyến nghị các nhà đầu tư tiếp tục giữ tâm lý thận trọng, chủ động chốt lời ngắn hạn các cổ phiếu đã có lợi nhuận và nâng cao tỉ trọng tiền mặt để quản trị rủi ro trong những phiên tới.
Chứng khoán Rồng Việt: Các chỉ số bất ngờ đóng cửa thấp nhất phiên do tác động của lực cung cuối ngày. Dù vậy, điểm tích cực là nhóm vốn hóa lớn vẫn có động thái hỗ trợ xuyên suốt diễn biến tranh chấp của thị trường chung. Do đó, có khả năng thị trường sẽ tạm thời có diễn biến thăm dò cung cầu tại vùng 1.110-1.115 điểm trong phiên kế tiếp.
Với diễn biến không còn thuận lợi, nhà đầu tư cần chậm lại và quan sát diễn biến cung cầu trong thời gian tới. Đồng thời tiếp tục cân nhắc chốt lời tại các cổ phiếu đã tăng nhanh trong thời gian gần đây hoặc đang chịu áp lực bán từ vùng cản để hiện thực hóa thành quả.
Tin vắn chứng khoán
- Lạm phát tháng 5 của Mỹ ở mức thấp nhất trong 2 năm qua, Bộ Lao động Mỹ cho biết trong ngày 13/6. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 0,1% so với tháng trước và tăng 4% so với cùng kỳ. Đây là mức tăng so với cùng kỳ thấp nhất kể từ tháng 3/2021, thời điểm lạm phát vừa bắt đầu tăng.
Tuy nhiên, khi loại bỏ thực phẩm và năng lượng, bức tranh lạm phát của Mỹ không quá lạc quan. CPI lõi tăng 0,4% so với tháng trước và tăng 5,3% so với cùng kỳ. Điều này cho thấy dù giá cả đã hạ nhiệt phần nào, nhưng áp lực lên người tiêu dùng vẫn còn lớn.
- Theo số liệu, một số doanh nghiệp sản xuất thép hạ 200.000 - 410.000 đồng/tấn với sản phẩm thép vằn thanh D10 CB300. Trong khi đó, hầu hết doanh nghiệp giữ nguyên mức giá đối với thép thanh cuộn CB240. Cụ thể, tại khu vực miền Bắc, thương hiệu thép Hòa Phát, thép thanh vằn D10 CB300 giảm 200.000 đồng, xuống mức giá 14,69 triệu đồng/tấn; dòng thép cuộn CB240 dừng ở mức 14,49 triệu đồng/tấn.
Tại miền Nam, Thép Hòa Phát giảm 210.000 đồng/tấn đối với thép vằn thanh, giá xuống 14,64 triệu đồng/tấn; thép cuộn vẫn được giữ ở mức giá 14,51 triệu đồng/tấn. Như vậy tính từ đầu năm 2023 đến nay, giá thép xây dựng đã có 9 đợt điều chỉnh giảm, tuỳ thương hiệu sẽ có tần suất điều chỉnh giá khác nhau.
Riêng trong tháng 5, các đơn vị đã điều chỉnh giá bán thép xây dựng 5 lần với tần suất giảm khoảng 1 lần/tuần, với các mức giảm 100.000 -200.000 đồng/tấn/lần tùy chủng loại sản phẩm.