Theo báo cáo của đơn vị nghiên cứu BMI thuộc Công ty phân tích tài chính Fitch Solutions, giá cà phê Robusta liên tục tăng khi các nhà sản xuất và người tiêu dùng thay thế cà phê Arabica đắt tiền bằng cà phê Robusta để tiết kiệm chi phí trong thời kỳ lạm phát.
Với vị thế là nhà cung cấp cà phê Robusta lớn nhất thế giới, Việt Nam đang đứng trước nhiều cơ hội rất tốt, đặc biệt có một mặt bằng giá mới để có thể thúc đẩy phát triển bền vững ngành này.
Sức nóng của giá cà phê trên thế giới đưa giá cà phê Robusta trong nước tăng trên 60.000 đồng/kg - có thể xem là mức giá trong mơ với nông dân trồng cà phê.
Báo cáo mới nhất từ Tổ chức Cà phê Thế giới (ICO), thị trường cà phê toàn cầu dự kiến sẽ tiếp tục thâm hụt trong năm thứ hai liên tiếp, với mức thâm hụt 7,3 triệu bao trong niên vụ này. Nhiều doanh nghiệp cho rằng điều này đang tạo ra cơ hội rất tốt bởi đợt tăng giá này sẽ tạo ra mặt bằng giá mới trên thị trường cà phê Robusta. Điều này giúp tạo lợi nhuận tốt cho nông dân trồng cà phê.
Giá cà phê Robusta gần đây đã tăng lên mức cao nhất trong 15 năm là khoảng 2.800 USD/tấn. (Ảnh minh họa: Dân trí)
Mặt bằng giá mới không chỉ tạo tâm lý cho nông dân, quan trọng hơn tạo đà có thể phát triển bền vững ngành hàng cà phê. Suốt thời gian qua, diện tích cà phê sụt giảm liên tục. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đề ra mục tiêu đến năm 2025 cả nước có thể trồng tái canh 75.000 ha, ghép cải tạo 32.000 ha cà phê.
Ông Thái Như Hiệp - Phó Chủ tịch Hiệp hội Cà phê - Cacao Việt Nam nhận định: "Hiện nay với người sản xuất cà phê trên 50.000 ha thì còn khuyến khích nguời ta trồng, dưới 50.000 ha thì đang chuyển dần các cây khác thay thế. Cho nên diện tích cà phê đang giảm sẽ thiết lập lại giá, định hình lại giá mới".
Giai đoạn 2026 - 2030, ngành cà phê định hướng diện tích cà phê đặc sản đạt 19.000 ha, chiếm khoảng 3% diện tích cà phê Việt Nam; sản lượng cà phê đặc sản khoảng 11.000 tấn.
Các chuyên gia cũng nhận định, dù cà phê Robusta có vị đắng hơn đáng kể so với Arabica nhưng Việt Nam đã cải thiện chất lượng cà phê, vì vậy các nhà rang xay dễ dàng pha trộn. Chính điều này, đang tạo ra nhiều cơ hội tốt cho ngành cà phê Việt Nam xác lập vị thế, tăng chất lượng cà phê và diện tích cà phê đặc sản.
Khuyến cáo đối với bà con nông dân khi giá cà phê tăng cao
Mặc dù giá cà phê nhân liên tục tăng, nhưng ngành chức năng ở Đắk Lắk, Kon Tum cũng đã đưa ra một số khuyến cáo đối với người trồng.
Theo đó, khi giá cà phê tăng cao sẽ có thể dẫn đến nguy cơ bà con nông dân chặt bỏ các loại cây trồng khác để trồng cà phê, gây "vỡ" quy hoạch diện tích cây trồng.
Ngành nông nghiệp đang phối hợp với các địa phương khuyến cáo người dân thực hiện sản xuất cà phê theo đúng định hướng; không phát triển ồ ạt khi thấy giá cả tăng cao; đẩy mạnh sản xuất ứng dụng công nghệ cao, hữu cơ, theo các tiêu chuẩn: VietGAP, Faitrde, 4C, UTZ, RFA...
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!
Xem thêm: mth.12134519051603202-man-51-hnid-pal-ehp-ac-aig/et-hnik/nv.vtv