Từ ngày 19-6, các quyết định giảm lãi suất điều hành của Ngân hàng Nhà nước lần thứ 4 liên tiếp trong vòng 3 tháng qua chính thức có hiệu lực, trong đó bao gồm cả giảm trần lãi suất huy động các kỳ hạn ngắn dưới 6 tháng từ 5% xuống 4,75%/năm.
Dù vậy, từ sáng 17-6, nhiều ngân hàng thương mại đã áp dụng biểu lãi suất mới theo hướng giảm ở các kỳ hạn, bao gồm các có kỳ hạn ngắn.
Tại biểu lãi suất huy động mới nhất, Ngân hàng TMCP An Bình (ABBank) giảm lãi suất kỳ hạn 1 tháng về 4,5%/năm, kỳ hạn 2-5 tháng còn 4,75%/năm, giảm cao nhất 0,5 điểm % so với trước đó. Ở các kỳ hạn dài, ABBank cũng điều chỉnh mạnh khi từ 8,3%/năm xuống còn 7,9%/năm các kỳ hạn từ 15 tháng trở lên, giảm 0,4 điểm % so với trước đó.
Nếu gửi tiết kiệm online, lãi suất cao nhất tại ABBank là 8,5%/năm kỳ hạn từ 18 tháng.
Ông Nguyễn Xuân Thành, Giảng viên trường ĐH Fulbright Việt Nam, nhận định áp lực giảm lãi suất điều hành của Ngân hàng Nhà nước trong bối cảnh doanh nghiệp rất khó khăn trước mặt bằng lãi suất cao.
Ngân hàng TMCP Quốc tế (VIB) cũng điều chỉnh biểu lãi suất kỳ hạn ngắn từ 1-5 tháng còn 4,75%/năm, giảm 0,25 điểm % so với trước đó. Ở các kỳ hạn dài, VIB cũng đồng loạt giảm và mức cao nhất hiện tại là 7,5%/năm kỳ hạn từ 15 tháng trở lên, trong khi trước đó mức cao nhất là 7,7%/năm.
Một ngân hàng thương mại khác cũng mạnh tay hạ lãi suất đầu vào, giảm xa so với trần lãi suất quy định là Ngân hàng TMCP Đại chúng (PvcomBank). Trong biểu lãi suất mới nhất sau khi Ngân hàng Nhà nước giảm lãi suất điều hành, PvcomBank huy động tiền gửi kỳ hạn từ 1-5 tháng chỉ còn 4,25%/năm, thấp hơn 0,5 điểm % so với trần quy định.
Như vậy, nhiều ngân hàng đã "chạy trước" quy định giảm lãi suất của cơ quan quản lý, thay vì phải đến 19-6 mới chính thức áp dụng.
Tại hội thảo "Tìm ổn định trong bất định" do Công ty chứng khoán Mirae Asset tổ chức sáng 17-6, ông Nguyễn Xuân Thành, Giảng viên trường ĐH Fulbright Việt Nam, nhận định động thái giảm lãi suất điều hành 4 lần liên tiếp của Ngân hàng Nhà nước trong bối cảnh xuất nhập khẩu còn khó khăn, nhất là hoạt động xuất khẩu khi đơn hàng chưa cải thiện, kinh tế còn khó khăn trong khi tích cực là tỉ giá ổn định, than khoản hệ thống ngân hàng dồi dào và áp lực lạm phát không quá lớn.
"Động thái của Ngân hàng Nhà nước về giảm lãi suất cho thấy áp lực lạm phát không quá lớn và có thể đạt mục tiêu kiểm soát ở mức 4,5% trong năm nay. Tăng trưởng tín dụng hết tháng 5 chỉ đạt 3,17% trong khi cùng kỳ năm trước tăng 8,09%. Áp lực phải hạ lãi suất trên thị trường khi doanh nghiệp rất khó khăn trước mặt bằng lãi suất cao. Nhà điều hành rất quan ngại khi tín dụng tăng trưởng thấp và đang chịu áp lực lớn, để đạt tốc độ tăng 14-15% cả năm nay thì tín dụng sẽ phải tăng mạnh trong 6 tháng cuối năm" – ông Nguyễn Xuân Thành nói.
Như Báo Người Lao Động đã thông tin, Ngân hàng Nhà nước nêu rõ việc tiếp tục giảm lãi suất điều hành khẳng định và xác lập xu hướng giảm lãi suất cho thị trường trong thời gian tới. Qua đó định hướng tổ chức tín dụng mạnh dạn và quyết liệt hơn trong việc giảm lãi suất cho vay, đồng hành cùng doanh nghiệp và người dân, góp phần thúc đẩy tăng trưởng và phục hồi kinh tế.
Xem thêm: mth.62603621171603202-iug-neit-taus-ial-maig-court-yahc-gnah-nagn-ueihn/et-hnik/nv.moc.dln