Một nghiên cứu do Plan International (tổ chức phi chính phủ thành lập năm 1937 tại Tây Ban Nha để giải quyết các vấn đề liên quan quyền trẻ em và sự bình đẳng của trẻ em gái) thực hiện tại châu Á - Thái Bình Dương chỉ ra công nghệ có thể là giải pháp để chấm dứt nạn tảo hôn vào năm 2030.
Theo Quỹ nhi đồng Liên Hiệp Quốc (UNICEF) trên toàn thế giới hiện có hơn 650 triệu phụ nữ đang sống đã kết hôn khi còn là trẻ em. Báo cáo nghiên cứu có tên "Đã đến lúc hành động! Hãy số hóa! Chấm dứt tình trạng tảo hôn, có con sớm và kết hôn cưỡng ép bằng công nghệ số", phân tích cách mà hơn 40 ứng dụng và công nghệ kỹ thuật số có thể được dùng để phòng chống tảo hôn.
Giải pháp đã được chứng minh
Báo cáo chỉ ra những lợi thế nổi bật của công nghệ trong phòng chống tảo hôn, như tạo ra các mạng lưới cho phép tương tác, chia sẻ thông tin tức thời; cung cấp các hướng dẫn về quyền và sức khỏe sinh sản cho phụ nữ, trẻ em gái một cách an toàn, bảo mật; sản xuất các nội dung trực tuyến về cách mà thanh thiếu niên có thể giảm nguy cơ tảo hôn... Trên thế giới, nhiều dự án cho thấy công nghệ thực sự là giải pháp.
Vào tháng 4-2018 tại Bangladesh, Đường dây trợ giúp quốc gia 333 đã được thành lập nhằm hỗ trợ kịp thời cho nạn nhân của tảo hôn, bạo lực và các vấn đề khác liên quan. Tính đến tháng 1-2020, đường dây 333 đã góp phần chấm dứt 4.803 vụ tảo hôn và giải quyết 2.892 khiếu nại về bạo lực với trẻ em và phụ nữ.
Thông thường sau khi nhận cuộc gọi thông báo về vụ tảo hôn sắp xảy ra, đường dây sẽ chuyển cuộc gọi tới cơ quan có thẩm quyền để ngăn chặn. Việc điều tra và giải quyết các khiếu nại cũng được một cơ quan chính phủ giám sát thường xuyên.
Tại Malawi, quốc gia có tỉ lệ tảo hôn của trẻ em gái lên tới 42%, Trung tâm Các vấn đề xã hội và phát triển (CESOCODE) nước này cũng từng ứng dụng công nghệ để ngăn chặn tảo hôn trong thời gian giãn cách vì dịch COVID-19.
Theo Tổ chức Girls Not Brides, ông Ephraim Chimwaza - giám đốc chương trình của CESOCODE - cho biết trung tâm đã phát triển một dịch vụ nhắn tin qua kết nối bluetooth trên điện thoại di động, duy trì liên lạc với các bé gái để lập tức nắm thông tin khi các em gặp nguy hiểm.
Bên cạnh đó, CESOCODE cũng xây dựng một kênh podcast ngắn với nội dung về bạo lực với trẻ em gái, kết hợp các kênh khác như Facebook để quảng bá thông điệp về bảo vệ sức khỏe và phòng chống bạo lực gia đình. Mỗi nội dung đều được CESOCODE sản xuất một phiên bản bằng ngôn ngữ ký hiệu để đảm bảo các bé gái bị điếc không bị bỏ lại phía sau.
- Tham khảo thêm
Nhìn về Việt Nam
Ở nước ta, với thực trạng tỉ lệ tảo hôn của người dân tộc thiểu số là 21,9%, có nhiều cơ hội để công nghệ trở thành giải pháp. Tính đến năm 2019, dân tộc có tỉ lệ tảo hôn cao nhất nước vẫn là dân tộc Mông (51,5%), vốn tập trung ở các tỉnh miền núi phía Bắc như Hà Giang, Sơn La, Lào Cai, Yên Bái...
Trong đó Sơn La là tỉnh có nhiều nỗ lực giảm thiểu tảo hôn những năm qua. Giai đoạn 2015 - 2020, tỉ lệ tảo hôn tại tỉnh này giảm từ 21,2% xuống còn 13,1%.
Đây là kết quả của hàng loạt giải pháp được thực hiện một cách rốt ráo và sáng tạo tại nhiều điểm trường. Theo ông Đỗ Công Bình - phó trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) huyện Vân Hồ, những năm gần đây, Phòng GD-ĐT đã thúc đẩy phòng chống tảo hôn theo nhiều cách, song chủ yếu vẫn là tổ chức các chiến dịch nâng cao nhận thức tại trường học.
Có những giáo viên chủ động đến từng xã vào buổi tối để tổ chức diễn kịch tuyên truyền dù không được hưởng bất cứ cơ chế khuyến khích nào. Đối với mỗi trường hợp tảo hôn, Phòng GD-ĐT luôn chỉ đạo đơn vị trường học cử giáo viên tới tận nơi vận động học sinh đó trở lại trường.
Cũng theo ông Bình, một số giải pháp mang tính công nghệ, kỹ thuật từng được sử dụng để phòng chống tảo hôn, song tần suất còn chưa cao. Ông mong muốn trong tương lai gần, Phòng GD-ĐT có thể làm tốt việc lồng ghép công nghệ vào các giải pháp phòng chống tảo hôn hơn nữa.
Có nhiều bằng chứng cho thấy tiềm năng của hướng đi này. Thứ nhất, mặc dù theo số liệu của Cục Viễn thông (Bộ Thông tin và Truyền thông), Sơn La là địa phương có tỉ lệ người trưởng thành dùng smartphone thấp (58,3%), song theo ghi nhận của phóng viên tại thực địa, đa số người địa phương (gồm trẻ em) sở hữu smartphone và sử dụng thuần thục.
Thứ hai, nhiều trường hợp tảo hôn từng được thuyết phục quay lại trường thành công nhờ sự hỗ trợ của smartphone và mạng xã hội. Ông Lương Văn Quyến - hiệu trưởng Trường THCS Lóng Luông (huyện Vân Hồ) - cho biết cô giáo Vũ Thị Hòa của trường từng động viên được một nữ sinh thoát khỏi tảo hôn và trở lại học tập sau nhiều giờ nhắn tin khuyên nhủ.
Điều này cho thấy nếu học sinh dân tộc thiểu số có một cộng đồng trực tuyến đủ an toàn và tin cậy, các em sẽ được thoải mái bày tỏ suy nghĩ để nhà trường kịp thời quan tâm, chỉ dẫn.
Hỗ trợ thông tin qua mạng xã hội
Việt Nam từng ghi nhận nỗ lực trong việc ứng dụng không gian số cho vấn đề tảo hôn, như dự án "Nâng cao nhận thức cho thanh, thiếu niên dân tộc thiểu số về mua bán người và tảo hôn". Từ năm 2021 - 2023, dự án đã hỗ trợ nhiều thanh, thiếu niên từ 10 - 24 tuổi tiếp cận thông tin về quyền và các dịch vụ hỗ trợ liên quan tảo hôn, mua bán người thông qua các nền tảng như TikTok, Zalo, YouTube và Instagram.
Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) ngày 24/10 cảnh báo nếu như không đẩy nhanh được tiến triển, sẽ phải mất hơn 100 năm mới có thể chấm dứt được nạn tảo hôn ở Tây và Trung Phi.