Ngày 27-6, TAND TP Cần Thơ đưa ra xét xử sơ thẩm đã tuyên phạt bị cáo Trần Văn Minh chín năm tù về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, hai năm tù về tội sử dụng tài liệu giả của cơ quan, tổ chức. Tổng hợp hình phạt chung bị cáo phải chấp hành là 11 năm tù.
Yêu cầu ngân hàng khôi phục sổ tiết kiệm gốc
Ngoài ra, về phần xử lý vật chứng, tòa cho rằng tại thời điểm bị cáo phạm tội, ngân hàng là tổ chức tín dụng đang quản lý hợp pháp số tiền 1,5 tỉ theo tài khoản tiền gửi có kỳ hạn mang tên bà QKL. Bị cáo đã dùng hợp đồng ủy quyền giả để lừa dối và nhận tiền trực tiếp từ ngân hàng, xác định ngân hàng là bị hại trong vụ án.
Bị cáo Trần Văn Minh tại tòa ngày 27-6. Ảnh: NHẪN NAM |
Quá trình điều tra, bị cáo đã tác động gia đình nộp lại số tiền 1,5 tỉ. Trong giai đoạn điều tra, ông TTT (chồng bà L) có yêu cầu nhận lại số tiền này. Tuy nhiên, theo kết quả xác minh, ông T đã chết ngày 20-4-2023. Ông T và bà L không có con. Cha mẹ của họ đều đã qua đời, chưa xác định được người thừa kế quyền và nghĩa vụ tố tụng.
Vì vậy, HĐXX quyết định giao lại 1,5 tỉ cho ngân hàng để khôi phục lại tài khoản tiết kiệm số AB00… là phù hợp; lãi phát sinh tính từ khi ngân hàng nhận lại số tiền này. Khi nào có phát sinh tranh chấp và có yêu cầu người thuộc hàng thừa kế theo pháp luật của ông T, bà L về số tiền này sẽ được xem xét giải quyết theo thủ tục tố tụng dân sự.
Trước đó, trong phần xét xử, chủ tọa cho biết do trong quá trình điều tra phía ngân hàng không nhận là bị hại nên số tiền 1,5 tỉ đồng chưa giải quyết được cho ông T. Tại tòa, đại diện ngân hàng được xác định là bị hại trong vụ án vẫn đề nghị giao số tiền 1,5 tỉ đồng cho thi hành án vì cho rằng thủ tục khôi phục lại sổ tiết kiệm cũ rất phức tạp.
Đại diện VKS cũng cho biết với tư cách là một người dân bình thường, trong vụ này, ngân hàng rất đáng trách. Theo vị đại diện VKS, quá trình điều tra, cơ quan công an và VKS đã nhiều lần mời phía ngân hàng qua để nhận số tiền trên rồi giao lại cho ông T nhưng nhiều lần giải thích pháp luật mà phía ngân hàng không nhận. Trong khi, ông bà đều già yếu, nguồn sống chính là từ tiền tiết kiệm gửi ngân hàng.
Làm giấy ủy quyền giả, tất toán 1,5 tỉ đồng
Theo cáo trạng, ông TTT và bà QKL là vợ chồng, ngụ quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ. Quá trình chung sống, ông bà đã tích lũy được số tiền 1,5 tỉ đồng. Ngày 21-6-2021, bà L đến ngân hàng mở sổ tiết kiệm AB00… với mục đích lấy tiền lãi sinh sống.
Ngày 3-12-2021, hai ông bà bị nhiễm COVID-19, được cách ly điều trị tại một bệnh viện dã chiến, bà được cách ly điều trị tại một bệnh viện đa khoa. Hai tuần sau đó thì bà L tử vong.
Khi ông T khỏi bệnh về nhà thì phát hiện mất sổ tiết kiệm nên đã làm đơn gửi ngân hàng yêu cầu cung cấp thông tin về số dư trong sổ tiết kiệm. Qua đó, ông biết Trần Văn Minh là cháu ruột bà L đã tất toán toàn bộ số tiền vào ngày 23-12-2021 (sau khi bà L qua đời một ngày) theo “hợp đồng ủy quyền” của bà L ghi ngày 19-11-2021 có chứng thực của một văn phòng công chứng.
Do nghi ngờ hợp đồng ủy quyền là giả nên ông T gửi đơn tố cáo Minh đến cơ quan công an.
Quá trình điều tra, Minh khai đã thuê người làm giả hợp đồng ủy quyền có nội dung bà L ủy quyền cho Minh để tất toán rút toàn bộ số tiền tiết kiệm của bà L. Sau một ngày bà L qua đời, Minh mang hợp đồng ủy quyền đến ngân hàng rút được hơn 1,46 tỉ đồng. Minh đưa cho vợ 1,4 tỉ đồng đem đến một ngân hàng khác gửi tiết kiệm, số còn lại Minh tiêu xài hết.