Dù chịu sự phân hoá, nhưng VN-Index vẫn bảo toàn được sắc xanh cho tới kết phiên giao dịch, thanh khoản cải thiện, khối ngoại đã hạ nhiệt bán ròng.
Kết thúc phiên giao dịch ngày 28/6 VN-Index tăng 4,02 điểm, tương đương 0,35% lên 1.138,35 điểm. Toàn sàn có 201 mã tăng, 228 mã giảm và 51 mã đứng giá.
HNX-Index giảm 0,57 điểm, tương đương 0,25% về 230,25 điểm. Toàn sàn có 68 mã tăng, 111 mã giảm và 63 mã đứng giá. UPCoM-Index tăng 0,34 điểm lên 85,99 điểm. Riêng rổ VN30 ghi nhận 16 mã tăng giá.
Tổng giá trị khớp lệnh của toàn thị trường đạt 20.616 tỷ đồng, tăng 23% so với phiên trước, trong đó, giá trị khớp lệnh riêng sàn HoSE tăng 22% lên 17.931 tỷ đồng. Tại nhóm VN30 nhà đầu tư sang tay 7.717 tỷ đồng.
Nhận định đầu tư
Chứng khoán Rồng Việt: Khả năng thị trường sẽ tiếp duy trì xu hướng tăng điểm trong thời gian tới, nhưng diễn biến có thể vẫn chậm rãi và mang tính chất thăm dò tín hiệu của cung cầu. Với kịch bản này, nhà đầu tư vẫn nên quan sát cung cầu để đánh giá lại trạng thái của thị trường.
Có thể tiếp tục nắm giữ các cổ phiếu có nền tích lũy tốt, tuy nhiên cần cân nhắc chốt lời tại các cổ phiếu đã tăng nhanh đến vùng cản hoặc đang chịu áp lực bán từ vùng cản.
Chứng khoán VCBS: VN-Index đã chạm mốc 1.140 tương đương với mốc 0,5 của thang đo Fibonacci mở rộng. Nếu vượt qua được mốc điểm này thì xác suất cao VN-Index sẽ tiếp tục hướng lên khu vực 1.170 tương ứng với mốc 0,6 của thang đo nói trên.
Với diễn biến phân hóa của thị trường, VCBS khuyến nghị các nhà đầu tư nên chủ động cơ cấu lại danh mục theo hướng giảm số mã nắm giữ và chỉ nên duy trì tỉ trọng lớn đối với các nhóm ngành đang thu hút dòng tiền và có diễn biến giá tích lũy chặt chẽ như ngân hàng, chứng khoán, bán lẻ.
Chứng khoán BOS: Cây nến tăng với dạng Pinbar với volume thấp hơn trung bình cho thấy bên mua tiếp tục giữ trạng thái thận trọng, đặc biệt khi số mã giảm nhiều hơn số mã tăng trên cả HSX và HNX. Xu hướng có xác suất cao sẽ có phản ứng mạnh tại vùng kháng cự tiếp theo. Nhà đầu tư cân nhắc chốt lời, giữ tỉ trọng cổ phiếu ở mức vừa phải.
Tin vắn chứng khoán
- Dòng vốn bị rút ra khỏi Trung Quốc sau khi tổ chức xếp hạng tín dụng S&P Global hạ dự báo tăng trưởng kinh tế Trung Quốc trong năm nay và năm sau. Theo S&P, GDP Trung Quốc sẽ tăng trưởng 5,2% trong năm 2023, giảm so với mức 5,5% được đưa ra trước đó.
Dự báo cho năm 2024 cũng giảm từ 5% xuống còn 4,7%. Theo số liệu của EPFR Global, trong 3 tuần đầu tháng 6, lượng vốn bị rút ra khỏi các quỹ đầu tư vào chứng khoán Trung Quốc đã tăng vọt, lên mức cao nhất trong 18 tuần trở lại đây.
- Theo Tổng cục Hải quan, tính đến hết 15/6/2023, tổng trị giá xuất khẩu của Việt Nam đạt 148,87 tỷ USD, giảm 12% tương ứng giảm 20,34 tỷ USD so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, mặt hàng dệt may giảm 2,56 tỷ USD, tương ứng giảm 15,3% so với cùng kỳ. Cổ phiếu nhóm Dệt may tăng giá ở TNG (-1,02%), VGT (- 0,76%).