Sáng 29-6, tại UBND huyện Thanh Oai, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng cùng các đại biểu Quốc hội đã có buổi tiếp xúc cử tri ba quận huyện Mê Linh, Hà Đông, Thanh Trì để báo cáo kết quả sau kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV.
Tại hội nghị, nhiều cử tri đã có nhiều kiến nghị với các Đại biểu Quốc hội, lãnh đạo TP nhiều vấn đề liên quan tới đời sống, dân sinh của nhân dân.
Ông Hoàng Bá Long (cử tri xã Xuân Dương, Thanh Oai) cho biết ông thấy ở các nước phát triển như Pháp, Hà Lan, và Ý có các dòng sông chảy trong TP rất đẹp, du lịch rất phát triển ở khu vực này.
Tuy nhiên, huyện Thanh Oai có dòng sông Đáy và sông Nhuệ chảy qua nhưng hiện nay đang bị ô nhiễm nặng nề, không sử dụng nước sông để canh tác được, chứ chưa nói đến phát triển du lịch.
Vì vậy ông đề nghị TP quan tâm, xử lý ô nhiễm môi trường, cung cấp nước để làm sống lại hai dòng sông trên.
Đã có kế hoạch "cứu" các dòng sông
Thay mặt lãnh đạo TP trả lời kiến nghị cử tri, ông Nguyễn Mạnh Quyền - phó chủ tịch UBND TP Hà Nội - cho biết về việc cung cấp nước sạch cho hai dòng sông Nhuệ và sông Đáy, Hà Nội đã đưa vào kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021-2025 với việc đầu tư xây dựng trạm bơm Liên Mạc. Theo kế hoạch, việc trên sẽ được tập trung đầu tư xây dựng từ năm 2024.
"Đến nay UBND TP đã giao cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang tập trung chuẩn bị đầu tư, dự kiến trong kỳ họp HĐND cuối năm nay sẽ trình để phê duyệt chủ trương đầu tư. Sau đó sẽ đẩy nhanh tiến độ xây dựng trạm bơm Liên Mạc" - ông nói.
Ông cho biết thêm khi trạm bơm trên đưa vào hoạt động sẽ giải quyết được một phần bài toán ô nhiễm trước mắt. Về dài hạn, Hà Nội sẽ tính toán tách nước thải sinh hoạt, sản xuất ra khỏi nước mặt.
"Đây là một quá trình rất dài và sẽ đầu tư rất nhiều kinh phí, chúng tôi đang thực hiện theo lộ trình" - ông Quyền thông tin.
Nhà ở xã hội không phải đẳng cấp thấp
Phát biểu sau đó, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng cho rằng vấn đề ô nhiễm môi trường tại sông Nhuệ, sông Đáy như cử tri nêu là vấn đề "đại sự". Ông cho biết đây không phải lần đầu tiên việc này được đề cập, mà trên diễn đàn Quốc hội cũng được các đại biểu chất vấn nhiều lần.
"Tôi nghĩ trách nhiệm thuộc UBND TP Hà Nội, hiện nay tách được nước mặt và nước thải là một chuyện, nhưng phải có nhiều giải pháp khác như đưa thêm nước vào để thau sông (làm sạch nước sông), từng bước, từng bước một. Chúng ta có sông Tích nay cũng đã thông xuống đây rồi, giờ xả vào trạm bơm Liên Mạc sau khi hoàn thành sẽ bơm vào các dòng sông ô nhiễm này" - bí thư Hà Nội nói.
Ông cho biết thêm thời gian tới Ban Thường vụ Thành ủy sẽ ban hành chỉ thị về tăng cường kỷ luật, kỷ cương và trách nhiệm giải quyết công việc trong hệ thống chính trị nhằm khắc phục tình trạng cán bộ đùn đẩy, né tránh, sợ sai, sợ trách nhiệm; khuyến khích cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm.
Hà Nội cũng sẽ quyết liệt rà soát các dự án có sử dụng đất chậm triển khai; tiếp tục kiên quyết thu hồi các dự án vi phạm.
Về xây dựng nhà ở xã hội tập trung, ông Đinh Tiến Dũng cho rằng không phải nhà ở xã hội là đẳng cấp thấp, mà phải xây dựng đảm bảo chất lượng, đầy đủ các hạ tầng kỹ thuật, cảnh quan.
"Vừa qua nhìn vào nhà ở thương mai và nhà ở xã hội đã thấy khác nhau rồi, đã thấy buồn rồi, nếu làm như thế thì các khu đô thị không thể khang trang được. Xây dựng một hai năm rồi thành khu nhà ổ chuột, chung cư cũ thì chết dở. Làm phải ra tấm ra miếng" - ông nói thêm.
TP.Hà Nội đang triển khai 4 dự án hạn chế ô nhiễm môi trường Sông Nhuệ, Sông Đáy.