Cuộc vây bắt thu hút nhiều sự quan tâm của xã hội đã kết thúc, nhưng một điều nữa vẫn khiến nhiều người không khỏi suy ngẫm.
Tối 18/6, công an Tam Kỳ cho biết đã phát hiện và bắt giữ tội phạm giết người Triệu Quân Sự khi hắn đang chơi game trong một quán Internet ở hẻm 155/111 phường An Mỹ, đường Hùng Vương (thành phố Tam Kỳ, Quảng Ngãi). Hai lần trốn tù, hai lần bị bắt… đều ở một nơi, quán Internet.
Theo hồ sơ của cơ quan chức năng, Triệu Quân Sự từng là lính nghĩa vụ biên chế về Đại đội 1, Tiểu đoàn 18, Sư đoàn 3, Quân khu 1, Tiền Phong đưa tin.
Sau khi đào ngũ vào năm 2012, Sự lang thang ở Hà Nội. Khoảng 13h30 ngày 22/8/2012, Sự đi xe buýt từ bến xe Mỹ Đình tới Long Biên, trong hành lý có mang theo một con dao. Khi vào quán cà phê Hương Sen, thấy chị Phạm Thị Xuân H. bán hàng một mình, Sự vào quán gọi cà phê và hoa quả, sau đó bám theo nạn nhân vào nhà vệ sinh rồi ra tay sát hại. Sự lấy đi một nhẫn vàng, một đôi hoa tai vàng tây, hai điện thoại di động của chị H. để trên bàn, lục soát quầy hàng và lấy 250.000 đồng.
Tháng 3/2013, Tòa án Quân sự Quân khu 1 (tỉnh Thái Nguyên) mở phiên tòa xét xử, tuyên Triệu Quân Sự án chung thân với các tội danh “giết người”, “cướp tài sản”, “đào ngũ”. Sự được chuyển đến thụ án tại Trại giam quân sự khu vực miền Trung – Quân khu 5 (T10) tại huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi.
Theo Tiền Phong, đến cuối năm 2015, Triệu Quân Sự bị biệt giam chung phòng với phạm nhân khác tên Nhâm Văn Tuấn (1985, trú xã Minh Tân, Yên Lạc, Vĩnh Phúc), cả hai đã cùng lên kế hoạch cho một cuộc vượt ngục. Ngày 8/11/2015, lợi dụng lúc trời mưa to gió lớn, Sự và Tuấn bẻ song sắt phòng giam bỏ trốn. Trước đó cả hai đã giấu một lưỡi cưa nhặt được, lợi dụng những lúc trời tối và xưởng gỗ hoạt động gần đó gây ra âm thanh lớn, cả hai thay nhau cưa song sắt, rồi lấy cơm trộn đất trát vào vết cưa để che đi.
Khi chạy trốn tới Đồng Nai, hai người chia ra, đường ai nấy đi, Tuấn trốn sang Campuchia, Sự đi ra Bắc.
Ngày 15/12/2015, Triệu Quân Sự bị bắt tại một tiệm Internet tại đường Phú Diễn, Nam Từ Liêm, Hà Nội.
5 năm sau Sự tiếp tục trốn trại vào 15h ngày 3/6. Theo lệnh truy nã của Trại giam T10, Sự vượt ngục bằng cách leo qua tường rào khu bảo vệ của trại giam.
Theo công an Tam Kỳ, phân tích Sự có khả năng ẩn nấp ở các quán Internet hoặc tụ điểm dễ ẩn nấp khác, công an thành phố Tam Kỳ đã cho trinh sát theo dõi những nơi này. Vào 20h ngày 18/6, công an thành phố Tam Kỳ và công an phường An Mỹ đã phát hiện và bắt Triệu Quân Sự tại quán Internet HT, nằm trong hẻm 155/111 đường Hùng Vương, thành phố Tam Kỳ.
“Khi bị bắt, Sự rất bình tĩnh. Sự khai báo vì biết đường nào cũng bị bắt nên chỉ muốn quanh quẩn ở Quảng Nam và Đà Nẵng, chứ không muốn đi đâu”, theo Thượng tá Huỳnh Tấn Mười, Phó trưởng Công an TP. Tam Kỳ (Quảng Nam).
Theo Tuổi Trẻ, Thượng tá Phạm Trường Sơn, trưởng công an TP. Tam Kỳ cho biết khi thấy công an ập vào bắt, Sự không chống đối và không mang hung khí trong người. “Sự đang ở quán internet chơi game thì chúng tôi ập vào bắt mà không gặp sự kháng cự nào từ người này” – thượng tá Sơn nói.
Theo thượng tá Mười, khi hỏi “tại sao lại ngồi một mình?” Triệu Quân Sự bình thản trả lời: “Em trốn một mình thì ngồi một mình thôi. Nguyện vọng cuối cùng của em là chỉ muốn gặp mẹ”.
Vượt ngục ra ngoài với tâm thái sẵn sàng bị bắt và chịu thêm thời hạn tù giam, quanh quẩn nơi quán Internet và đắm chìm trong trò chơi điện tử. Theo VnExpress, Sự chơi điện tử suốt 5 ngày với thời gian biểu: Hơn 6h sáng, ngồi vào máy, ra ngoài ăn sáng chừng một tiếng rồi quay lại, dừng chơi vào khoảng 22h và ngủ luôn tại quán. Ngày đầu tiên trốn truy nã, Sự chơi điện tử gần 14 tiếng, ngày thứ 2 hơn 8 tiếng, ngày thứ 3 gần 10 tiếng và ngày thứ tư 15 tiếng. Tới ngày thứ 5, Sự chơi gần 10 tiếng cho đến khi bị bắt.
Hai lần vượt ngục, hai lần bị bắt lại đều vì đang ngồi chơi trò chơi điện tử tại quán Internet. Có người gọi đó là sự trùng hợp kỳ lạ, có người nói cuối cùng thì chính trò chơi điện tử mới là nhà tù lớn nhất đời Sự.
The post Trò chơi điện tử mới là nhà tù lớn nhất của Triệu Quân Sự appeared first on Đại Kỷ Nguyên.
Xem thêm: lmth.us-nauq-ueirt-auc-tahn-nol-ut-ahn-al-iom-ut-neid-iohc-ort/us-ioht/vt.nkd.www