Trung Quốc công bố trường hợp nhiễm virus cúm A/H10N3 đầu tiên trên thế giới, song lưu ý rằng chủng virus này có nguy cơ lây nhiễm trên người ở mức cực kỳ thấp, tờ South China Morning Post đưa tin.
Ngày 1-6, Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc (NHC) cho biết một người đàn ông ở tỉnh Giang Tô, 41 tuổi, là bệnh nhân nhiễm virus A/H10N3 đầu tiên được phát hiện tại nước này.
NHC cho biết bệnh nhân này sốt và có một số triệu chứng khác từ ngày 23-4, đã nhập viện từ ngày 28-4 do bệnh tiến triển nặng. Tới ngày 28-5, người này được xác nhận nhiễm chủng virus A/H10N3. Trước đó, chưa nước nào công bố trường hợp nhiễm virus A/H10N3 ở người.
Ảnh minh họa - Một quầy bán thịt gia cầm ở Trung Quốc. Ảnh: AFP
Qua truy vết các lượt tiếp xúc và phân tích di truyền của virus, giới chức Trung Quốc không phát hiện trường hợp nào khác nhiễm virus A/H10N3 ở người.
Theo NHC, "việc phân tích bộ gen hoàn chỉnh của virus cho thấy chủng A/H10N3 có nguồn gốc từ động vật và chưa thích nghi để lây nhiễm sang người một cách hữu hiệu".
NHC cũng lưu ý rằng khả năng gây bệnh ở gia cầm của virus A/H10N3 là thấp và loại mầm bệnh này cũng "không thường xuyên lây truyền từ gia cầm sang người" và do đó, "nguy cơ lây lan trên diện rộng là cực kỳ thấp".
Bệnh nhân này đã được điều trị, sức khỏe đã ổn định và đủ điều kiện xuất viện.
Chuyên gia dịch tễ học truyền nhiễm Gregory Grey đến từ Đại học Duke (Mỹ) cũng cho rằng A/H10N3 là chủng virus cúm gia cầm không thường xuyên lây nhiễm sang người.
Tuy nhiên, ông Grey cho rằng việc phát hiện ca nhiễm A/H10N3 ở người không phải là điều khiến ông ngạc nhiên. Ông này giải thích rằng ngành y tế thế giới đã có các công cụ chẩn đoán lâm sàng tốt để phát hiện tất cả các chủng virus cúm A khiến nhóm virus trở thành loại "dễ phát hiện nhất".
Trong khi đó, Giáo sư Benjamin Cowling của Đại học Hong Kong lại lo ngại về "mối đe dọa" virus A/H10N3 lây nhiễm từ động vật sang người. Ông Cowling hy vọng rằng ca bệnh ở Giang Tô chỉ là "một trường hợp lẻ tẻ" và trong tương lai, sẽ không còn người nào khác nhiễm chủng virus này.
Giám đốc Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Trung Quốc, ông Cao Phúc (Gao Fu) đã kêu gọi ngành y tế nước này tăng cường giám sát dịch cúm vì các chủng virus cúm A khác đã được phát hiện ở ít nhất 46 quốc gia khác.
Virus cúm A được phân chia dựa vào hai loại protein bề mặt. Tới nay, các chuyên gia đã phát hiện 18 phân nhóm protein HA và 11 phân nhóm protein NA.
Phân nhóm H10 lần đầu tiên được phân lập từ một con gà nhiễm bệnh ở Đức vào năm 1949. Trong phân nhóm này, chủng virus đầu tiên lây nhiễm sang người là virus H10N7 - phát hiện ở một bệnh nhân tại Ai Cập hồi năm 2004.
Cách đây tám năm, Trung Quốc đã phát hiện một số trường hợp nhiễm virus H10N8. Trong đó, một bệnh nhân nữ ở tỉnh Giang Tây, 73 tuổi, đã chết sau chín ngày được điều trị trong bệnh viện.